Thông tin Bộ tư pháp Mỹ đưa ra hôm 30/9 cho thấy ông Trump bận tâm đến cuộc điều tra của công tố viên đặc biệt Robert Mueller như thế nào, và cách ông sử dụng bộ máy của chính phủ Mỹ để điều tra cái mà ông tin là bắt nguồn từ động cơ chính trị. Thông tin cũng cho thấy ông Barr đang đóng vai trò đi đầu trong cuộc điều tra đó, bao gồm chuyện ra nước ngoài để gặp riêng các quan chức thực thi pháp luật của nước khác.
Những trao đổi của ông Trump với các lãnh đạo nước ngoài và vai trò của ông Barr trong các thảo luận đó – giờ đang bị soi xét nhiều hơn khi Hạ viện Mỹ vừa mở cuộc điều tra nhằm luận tội tổng thống. Cuộc điều tra lần này tập trung vào nội dung cuộc điện đàm của ông Trump với Tổng thống Ukraine mà một sĩ quan tình báo giấu tên gửi đơn tố cáo ông Trump gây sức ép để lãnh đạo Ukraine điều tra cựu phó tổng thống Joe Biden.
Ông Trump dành nhiều lời khen ngợi ông Barr kể từ khi ông bắt đầu vị trí lãnh đạo Bộ Tư pháp đầu năm nay, coi ông Barr như một đồng minh chủ chốt trong chương trình chính trị của mình, bao gồm có nỗ lực “điều tra các điều tra viên” trong cuộc điều tra chuyện Nga can thiệp cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016. Nhưng Bộ Tư pháp Mỹ khẳng định ông Barr không biết chuyện ông Trump thúc giục Ukraine phối hợp với Mỹ để điều tra ông Biden vừa qua.
Cuộc điện đàm ngày 25/7 của ông Trump với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy nói về chuyện điều tra ông Biden. Cuộc nói chuyện này không liên quan đến nhiều cuộc nói chuyện khác của ông Trump với một số lãnh đạo thế giới về chuyện điều tra nguồn gốc của cuộc điều tra nhằm vào ông.
Về cuộc điều tra liên quan đến Nga, phát ngôn viên Bộ Tư pháp Kerri Kupec nói rằng ông Trump đã thay mặt ông Barr thực hiện nhiều cuộc gọi.
“Với đề xuất từ Bộ trưởng Barr, Tổng thống đã liên lạc với nước khác để đề nghị họ giới thiệu Bộ trưởng và ông Durham với các quan chức phù hợp”, phát ngôn viên Kupec nói.
Trong các cuộc gọi đó, ông Trump đề nghị các nước giúp sức cho cuộc điều tra của luật sư John Durham về nguồn gốc cuộc điều tra của công tố viên đặc biệt Muller.
Cuộc điều tra của ông Durham được các đồng minh của ông Trump ủng hộ vì họ tin rằng nguồn gốc cuộc điều tra của FBI về sự can thiệp của Nga bắt nguồn từ phe Dân chủ.
Tuần trước, ông Barr cùng ông Durham sang Ý, nơi họ đã gặp các quan chức chính phủ của Ý để phục vụ cuộc điều tra, một nguồn tin nắm được vấn đề tiết lộ với AP.
Trong cuộc điều tra này, ông Durham đang tìm hiểu xem điều gì đã dẫn đến cuộc điều tra phản gián nhắm vào chiến dịch tranh cử của ông Trump và vai trò của nhiều nước trong đó. Sự tham gia của Bộ trưởng tư pháp Mỹ trong chuyến đi đó cho thấy người đứng đầu cơ quan tư pháp Mỹ đang đóng một vai trò chủ động đến mức nào trong việc giám sát điều tra.
Đầu năm nay, ông Muller đã đưa ra báo cáo điều tra cuối cùng nhưng không khẳng định chắc chắn cáo buộc nào đối với ông Trump, nhưng cũng không cũng không miễn tội cho ông. Sau khi có kết luận này, ông Trump nhanh chóng yêu cầu điều tra nguồn gốc cuộc điều tra của ông Mueller.
Các quan chức Bộ Tư pháp Mỹ nói rằng cuộc điều tra do ông Trump yêu cầu thực hiện đã đề nghị nghiều nước giúp đỡ, trong đó có Úc. Cuộc điều tra phản gián của FBI dẫn đến cuộc điều tra của ông Mueller sau đó một phần xuất phát từ gợi ý của một nhà ngoại giao Úc. Ông George Papadopoulos, người từng là cố vấn tranh cử của ông Trump, đã nói với nhà ngoại giao Úc tên là Alexander Downer vào tháng 5/2016 rằng Nga có hàng ngàn email đánh cắp được có thể gây hại cho bà Hillary Clinton.
Ông Papadopoulos biết được thông tin từ một giáo sư người Maltar rằng Nga đã đào bới thông tin “bẩn” về bà Clinton bằng các email đánh cắp. Cuộc điều tra của FBI nhằm làm rõ xem có sự phối hợp nào giữa Nga với đội vận động tranh cử của ông Trump hay không.
Ông Papadopoulos thú nhận đã nói dối với FBI về cuộc nói chuyện năm 2016 với giáo sư Maltar Joseph Mifsud, và sau đó phải ngồi tù gần 2 tuần vì tội này.
Theo Bình Giang (Tiền Phong)