Lộ bí mật nhà nước và những vụ án gây chấn động lịch sử nhân loại

30/06/2023 11:09:37

Ngoài việc làm xáo trộn hệ thống chính trị trong nước, việc lộ bí mật còn làm giảm lòng tin giữa nhiều quốc gia, thậm chí có thể dẫn đến những hậu quả kinh tế nghiêm trọng đôi khi kéo theo cả các vụ xung đột vũ trang.

Tình tiết ly kỳ vụ xử gián điệp chấn động lịch sử Mỹ

Tháng 8/1949, Liên Xô thử nghiệm thành công quả bom nguyên tử đầu tiên. Sự kiện khiến Washington vô cùng kinh ngạc và tức tối, vì nó đánh dấu việc Mỹ không còn độc quyền thứ vũ khí mạnh nhất lúc bấy giờ. Washington tin rằng, các nhà khoa học bên kia đại dương không thể đạt được tiến bộ nhanh chóng đến như vậy nếu không có sự tiếp tay của chính người Mỹ.

Một chiến dịch truy lùng gắt gao sau đó đã dẫn tới việc Mỹ bắt giữ nhiều người, kể cả các học giả và nhà nghiên cứu, tình nghi làm gián điệp cho Liên Xô. Trong số này có Klaus Fuchs, một nhà khoa học gốc Đức đã chuyển nhiều tài liệu bí mật về cách thức chế tạo bom nguyên tử cho Liên Xô và Harry Gold, người liên lạc của Fuchs.

Lộ bí mật nhà nước và những vụ án gây chấn động lịch sử nhân loại
Vợ chồng Julius và Ethel Rosenberg. Ảnh: New York Daily News

Khi bị Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) bắt giữ, Harry Gold thú nhận, ông ta không chỉ giữ vai trò đưa thư cho Fuchs, mà còn làm việc cho cả vợ chồng David và Ruth Greenglass. Khi đó, David Greenglass đang là chuyên gia kỹ thuật tại Phòng thí nghiệm nguyên tử của Mỹ ở Los Alamos.

Lúc bị FBI bắt vào tháng 6/1950, David tố cáo em rể, Julius Rosenberg, đã lôi kéo ông ta làm việc cho tình báo Liên Xô. Theo David, em gái ông ta - Ethel Rosenberg, khuyến khích anh trai đánh cắp thông tin về các dự án phòng thí nghiệm Los Alamos đang theo đuổi. Cũng theo lời khai của David, sau khi Fuchs sa lưới FBI, Julius đã đưa cho vợ chồng ông ta 4.000USD và bảo trốn sang Mexico.

Ngày 17/7/1950, nhà khoa học gốc Do Thái Julius Rosenberg bị bắt. Ba tuần sau, vợ ông, Ethel Rosenberg, cũng bị tống giam. Vụ án là tâm điểm chú ý của dư luận lúc bấy giờ. Ngày 5/4/1951, Thẩm phán liên bang Irving Kaufman tuyên án tử hình vợ chồng Rosenberg vì tội hoạt động gián điệp và phản bội tổ quốc.

Ngày 19/6/1953, vợ chồng Rosenberg bị tử hình bằng ghế điện tại nhà tù Sing Sing ở Ossining, New York. Cho tới phút chót, họ vẫn khẳng định mình vô tội và không cung khai về hoạt động tình báo đã làm cho Liên Xô. Julius và Ethel Rosenberg là những công dân Mỹ đầu tiên và cũng là cuối cùng bị chính phủ nước này xử tử vì tội hoạt động gián điệp kể từ năm 1953 tới nay.

Lộ bí mật nhà nước và những vụ án gây chấn động lịch sử nhân loại - 1
Ảnh chụp phòng tử hình bằng ghế điện tại nhà tù Sing Sing ở Ossining, New York 6 ngày trước khi vợ chồng Rosenberg bị xử tử. Ảnh: New York Daily News

Các góc khuất của vụ Rosenberg lần đầu tiên được hé lộ vào năm 1995, khi CIA giải mật hồ sơ lưu trữ từ năm 1939. Theo đó, Julius và Ethel Rosenberg không trực tiếp chuyển những bí mật vũ khí nguyên tử cho tình báo Liên Xô, dù làm rò rỉ nhiều tài liệu quan trọng về công nghệ hàng không.

Bốn năm sau, vào năm 1999, bí ẩn về vụ Rosenberg được làm sáng tỏ một lần nữa qua lời kể của cựu điệp viên người Nga Alexandre Feliksov. Theo cuốn hồi ký của Feliksov, tình báo Liên Xô chiêu mộ Julius Rosenberg đúng vào ngày Quốc tế lao động, 1/5/1942.

Thông qua Feliksov, Julius và vợ đã cung cấp cho Liên Xô hàng ngàn tài liệu thu thập được, có giá trị quân sự quan trọng, chẳng hạn như mẫu thiết kế hoàn chỉnh chiếc phản lực P-80 Shooting Star của hãng Lockheed. Song, tài liệu giá trị nhất là các thông tin về dự án nguyên tử Manhattan tối mật, do vợ chồng Rosenberg khai thác được từ David Greenglass. Ngoài ra, theo cựu điệp viên Feklisov, ông cũng hướng dẫn Julius chiêu dụ được nhiều cá nhân làm việc cho tình báo Liên Xô.

Wikileaks và những tiết lộ bí mật quân sự chấn động nhất lịch sử Mỹ

Ngày 23/10/2010 (giờ Việt Nam), WikiLeaks đã tung ra gần 400.000 trang tài liệu quân sự bí mật trong đó có chứa nhiều thông tin gây chấn động thế giới về cuộc chiến đẫm máu và đau thương ở Iraq. Đây là vụ tiết lộ bí mật quân sự lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ.

Những trang tài liệu quân sự bí mật vừa được công bố đã miêu tả lại chi tiết và sinh động về những vụ tra tấn người dã man, các vụ giết hại dân thường ở Iraq. Qua những tài liệu trên, người ta có thể thấy rõ, các tướng lĩnh Mỹ đã nhiều lần nhắm mắt làm ngơ trước những vụ tra tấn, hành hung dân thường của lực lượng liên quân cũng như của giới chức Iraq.

Lộ bí mật nhà nước và những vụ án gây chấn động lịch sử nhân loại - 2
Wikileaks tung ra hàng loạt tài liệu bí mật quân sự khiến giới chức Mỹ đau đầu.

Ít nhất 109.000 người, trong đó có tới 63% là dân thường, đã thiệt mạng ở Iraq trong khoảng thời gian Mỹ và đồng minh đưa quân vào quốc gia vùng Vịnh này. Điều đó cho thấy các lực lượng Mỹ đã lập danh sách những người Iraq tử vong, mặc dù họ công khai bác bỏ việc này. Có thể nói, gần 400.000 trang tài liệu quân sự mật đã phác họa lại toàn cảnh bức tranh tối tăm và ghê rợn về cuộc chiến đẫm máu cũng như sự thống khổ của người dân Iraq trong giai đoạn từ năm 2004 đến 2009.

Đến ngày 28/11/2010, trang mạng Wikileaks này tiếp tục công khai nội dung của hơn 250.000 văn thư ngoại giao nội bộ của Mỹ, được gửi từ các đại sứ quán Mỹ trên khắp thế giới về Washington. Trong đó bao gồm nhiều thông tin nhạy cảm về chủ nghĩa khủng bố và vấn đề phổ biến hạt nhân.

Tờ "Thời báo New York" cho biết, những thông tin được tiết lộ trong các văn thư nội bộ vừa nêu, có vụ từ năm 2007 khi Mỹ tìm cách bí mật tháo dỡ chất urani (uranium) tinh chế từ một lò phản ứng nghiên cứu của Pakistan do lo sợ chất này có thể được chuyển đi nơi khác để sử dụng trong một "thiết bị hạt nhân bất hợp pháp". Báo này tường trình rằng cho tới nay nỗ lực đó đã thất bại.

Một thông tin nhạy cảm khác đó là tình báo Mỹ tin rằng Iran đã sở hữu 19 quả tên lửa BM-25 tiên tiến có khả năng tấn công các mục tiêu ở châu Âu và hiện đang dốc sức phát triển một thế hệ tên lửa mới. Tờ "Người bảo vệ" của Anh công bố các văn thư ngoại giao khác cho thấy giới chức Mỹ đã được lệnh bí mật theo dõi các nhà lãnh đạo tại Liên Hợp Quốc theo một chỉ thị được ký với tên Hillary Clinton năm 2009.

Một trong những thông tin gây chú ý nhất là Quốc vương Saudi Arabia Abdullah bin Abd al-Aziz, các nhà lãnh đạo Israel và nhiều đồng minh khác của Mỹ từng hối thúc Mỹ tấn công quân sự nhằm ngăn chặn tham vọng hạt nhân của Iran. Ngoài ra, giới chức Mỹ - Hàn cũng đã thảo luận về triển vọng thống nhất bán đảo Triều Tiên một khi Triều Tiên gặp khó khăn về kinh tế và chính trị.

Ngay sau khi những thông tin ngoại giao nhạy cảm bị tung ra, Nhà Trắng và Lầu Năm Góc đã cực lực lên án, cho rằng hành động này không những gây phương hại đến các nỗ lực bênh vực nhân quyền mà còn đe dọa sinh mạng cũng như sự nghiệp của những người có tên trong các tài liệu.

Lộ bí mật nhà nước và những vụ án gây chấn động lịch sử nhân loại - 3
Binh nhì Bradley Manning, người cung cấp tài liệu cho Wikileaks.

Ngày 31/7/2013, một tòa án quân sự Mỹ đã kết án binh nhì Bradley Manning, người cung cấp tài liệu mật cho trang mạng WikiLeaks, tội làm gián điệp và đối mặt 136 năm tù. Tuy nhiên, Manning thoát tội giúp đỡ kẻ thù. Với vai trò là một chuyên gia phân tích tin tình báo của quân đội Mỹ tại Baghdad, Iraq, Manning tiếp cận và cung cấp hơn 70.000 tài liệu quân sự, ngoại giao Mỹ cho trang mạng WikiLeaks.

Manning bị bắt giữ tại Iraq ngay sau đó rồi bị giam ở trại Arifjan, thuộc doanh trại quân đội Mỹ ở Kuwait 1 tuần trước khi được chuyển về nước nhà. Trong phiên tòa ngày 31-7, Manning bị kết tội tổng cộng 20 tội danh. Cụ thể, chàng trai 25 tuổi bị kết 7 tội trong số 8 cáo buộc gián điệp, 5 tội danh trộm cắp, 2 tội danh gian lận máy tính, 5 tội vi phạm các quy định của quân đội và 1 tội công bố bừa bãi thông tin tình báo trên mạng. Tuy nhiên, Manning không bị kết tội hỗ trợ kẻ thù của Mỹ cũng như sở hữu trái phép thông tin quốc phòng nhạy cảm.

Tháng 12/2010, ông Julian Assange (lúc đó 39 tuổi), người sáng lập WikiLeaks cũng đã bị bắt tại London, song lại theo lệnh bắt giữ của chính quyền Thụy Điển với tội danh quấy rối tình dục và cưỡng bức hai cô gái người Thụy Điển trong một chuyến đi đến nước này vào tháng 8-2010, dù ông liên tục phủ nhận các cáo buộc. Tuy nhiên, sau đó không lâu, ông chủ WikiLeaks được tại ngoại sau khi đóng 240.000 bảng Anh bảo lãnh. Nhưng ngày 15-6-2012, Anh đã quyết định dẫn độ Assange tới Thụy Điển do ông không thể kháng cáo thành công. Việc này khiến nhà sáng lập WikiLeaks phải tới Đại sứ quán Ecuador ở London nộp đơn xin tị nạn chính trị tại Ecuador và được chấp nhận.

Lộ bí mật nhà nước và những vụ án gây chấn động lịch sử nhân loại - 4
Julian Assange, người sáng lập Wikileaks.

Sau hơn 2.000 ngày ẩn náu tại Đại sứ quán Ecuador ở London với tư cách tị nạn chính trị, nhà sáng lập WikiLeaks bất ngờ bị cảnh sát Anh bắt giữ hôm 11/4/2019. Cảnh sát Anh sau đó cho hay, Assange bị bắt trước hết là vì vi phạm thỏa thuận bảo lãnh, sau là "theo yêu cầu của cơ quan chức năng Mỹ". Cảnh sát cũng khẳng định, việc bắt giữ được tiến hành dựa trên sự chấp thuận của Đại sứ Ecuador và không lâu sau khi chính phủ Ecuador rút quy chế cho phép tị nạn đối với ông chủ WikiLeaks.

'Kẻ phản bội nước Mỹ' Edward Snowden và vụ rò rỉ tài liệu mật gây chấn động

Lộ bí mật nhà nước và những vụ án gây chấn động lịch sử nhân loại - 5
Chân dung Edward Snowden.

Theo Reuters, vào ngày 26/9/2022, Tổng thống Vladimir Putin đã thông qua việc cấp quốc tịch Nga cho Edward Snowden. Snowden vốn là một cựu nhân viên của NSA, bị coi là "kẻ phản bội nước Mỹ" sau khi tiết lộ hàng loạt tài liệu mật liên quan đến chương trình do thám toàn cầu của tình báo Mỹ cách đây một thập kỷ.

Edward Snowden, 39 tuổi, là một kỹ sư an ninh mạng. Từ năm 2005-2008, người này làm việc tại trung tâm nghiên cứu ngôn ngữ Đại học Maryland và bộ phận liên lạc toàn cầu thuộc Cục tình báo trung ương Mỹ (CIA) ở Langley, Virginia. Tới năm 2009, Snowden ngừng làm việc cho CIA và xin vào tập đoàn Dell.

Tập đoàn Dell sau đó đã cử Snowden tới làm việc cho Văn phòng chia sẻ thông tin của NSA ở Hawaii. Vào tháng 5/2013, người đàn ông 39 tuổi từ bỏ công việc tại cơ sở của NSA. Tới đầu tháng 6/2013, Snowden bắt đầu liên lạc với các nhà báo của Guardian và Washington Post để tiết lộ về chương trình do thám toàn cầu của cơ quan tình báo Mỹ.

Thông tin từ Snowden cho thấy, các nhà mạng lớn như Verizon, AT&T and Sprint Nextel đã cung cấp bản ghi âm cuộc gọi của khách hàng cho NSA và FBI. Ngoài ra, 2 cơ quan này cũng có truyền truy cập vào máy chủ của các tập đoàn công nghệ như Microsoft, Yahoo, Google, Facebook và Apple.

Ngoài việc giám sát công dân Mỹ, Snowden cũng đưa ra những tiết lộ gây sốc về việc Washington do thám các quan chức chính phủ nước ngoài. Các tài liệu bị rò rỉ cho thấy, NSA và cơ quan thông tin của Anh đã chặn cuộc điện thoại mà các quan chức nước ngoài thực hiện trong thời gian hội nghị G20 diễn ra ở London năm 2009. 

Bên cạnh đó, tình báo Mỹ đã cài máy nghe lén tại một số văn phòng của Liên minh châu Âu, giám sát các cuộc điện thoại của 35 nhà lãnh đạo thế giới và theo dõi ít nhất 38 đại sứ quán nước ngoài. Các tài liệu do Snowden cung cấp cũng tiết lộ về các chương trình do thám bí mật Blarney và Rampart-T, vốn được dùng để thu thập thông tin về khủng bố và do thám lãnh đạo nước ngoài từ. Rampart-T tập trung vào 20 quốc gia, bao gồm Nga và Trung Quốc. Một chương trình bí mật khác mang tên PRISM cũng được Snowden hé lộ, chương trình này tập trung vào thu thập dữ liệu mà người dùng truyền tải thông qua việc truy cập internet.

Theo CNN, sau khi thông tin về chương trình giám sát bị tiết lộ, NSA và Lầu Năm Góc đã cáo buộc Snowden với các tội danh ăn cắp tài sản chính phủ, truyền tin quốc phòng trái phép và cố ý tiết lộ tài liệu tình báo mật. Với việc đánh cắp 1,7 triệu tài liệu mật liên quan đến hoạt động của các cơ quan tình báo Mỹ, Snowden có thể đối mặt với bản án 30 năm tù.

Ngày 21/6/2013, Bộ Tư pháp Hoa Kỳ đã công bố chính thức các cáo buộc chống lại Snowden, đồng thời yêu cầu Bộ Ngoại giao thu hồi hộ chiếu của người đàn ông này. Tuy vậy, chỉ 2 ngày sau đó, Snowden đã tới Nga. Do hộ chiếu bị hủy bỏ, Snowden phải ở lại ở sân bay trong hơn một tháng. Moscow sau đó đã cấp cho Snowden quyền tị nạn với thị thực cư trú ban đầu trong 1 năm và các lần gia hạn lặp lại đã cho phép Snowden ở lại Nga ít nhất cho đến năm 2020.

Tổng hợp

QT (SHTT)

Nổi bật