Lính Myanmar dọa bắn người biểu tình trên TikTok

05/03/2021 10:18:23

Binh lính và cảnh sát Myanmar đang sử dụng TikTok để đe dọa người biểu tình, theo các nhà nghiên cứu. Ứng dụng chia sẻ video của Trung Quốc sau đó tuyên bố sẽ loại bỏ nội dung kích động bạo lực.

Nhóm Myanmar ICT for Development (MIDO) cho biết phát hiện hơn 800 video có nội dung ủng hộ quân đội nước này và đe dọa người biểu tình, trong bối cảnh đã có 38 người biểu tình thiệt mạng chỉ trong ngày 03/03, theo Liên Hợp Quốc.

"Đây chỉ là phần nổi của tảng băng," giám đốc điều hành MIDO Htaike Htaike Aung cho biết, bổ sung thêm rằng có "hàng trăm" video binh lính và cảnh sát mặc đồng phục đưa ra lời đe dọa trên TikTok.

Lính Myanmar dọa bắn người biểu tình trên TikTok
Binh lính Myanmar trên một con đường ở Naypyidaw (Ảnh: AFP)

Phát ngôn viên của quân đội Myanmar không đưa ra bình luận về thông tin trên.

Theo Reuters, một đoạn video quay hồi cuối tháng 02 mà hãng tin này tiếp cận được cho thấy một người đàn ông chia súng về phía máy quay, nói với người biểu tình rằng "Tôi sẽ bắn vào mặt các người... và tôi dùng đạn thật".

"Tối nay tôi sẽ đi tuần tra cả thành phố và tôi sẽ bắn bất cứ ai tôi thấy. Nếu các người muốn làm liệt sĩ, tôi sẽ đáp ứng nguyện vọng đó", người này nói thêm.

Reuters cho biết chưa thể liên hệ với người đàn ông trong đoạn video, hay những người mặc đồng phục khác xuất hiện trong các đoạn video trên TikTok để xác nhận họ là thành viên quân đội Myanmar.

Trước đó, Facebook đã khóa tất cả các trang liên quan tới quân đội Myanmar, trong khi bản thân mạng xã hội này cũng bị chặn.

Trong một thông báo, TikTok cho biết: "Chúng tôi có Nguyên tắc Cộng đồng rõ ràng, không cho phép các nội dung kích động bạo lực hay thông tin gây hiểu nhầm có thể gây tổn thương... Về những vấn đề liên quan Myanmar, chúng tôi đã và đang xóa những nội dung kích động bạo lực hay lan truyền thông tin sai sự thật, và tích cực giám sát để xóa các nội dung vi phạm nguyên tắc của chúng tôi".

Chính sách của TikTok cấm sử dụng súng trong các viddeo, trừ khi "trong môi trường an toàn".

Reuters cho biết đã xem xét hàng chục video ghi lại cảnh những người mặc quân phục, đôi khi cầm súng, dọa bắn người biểu tình phản đối cuộc đảo chính và yêu cầu thả bà Aung San Suu Kyi.

Một số video thu hút hàng chục ngàn lượt xem. Các video được Reuters xem xét sau đó đã bị xóa. Một vài video sử dụng hashtag liên quan tới người nổi tiếng ở Mỹ.

Hồ Anh (Nguoiduatin.vn)