Chính phủ của bà Angela Merkel đang tìm cách thắt chặt quy định với người nhập cư sau bê bối tấn công tình dục, trong khi một số chính khách cho rằng đã quá muộn để có thể đảo ngược tình thế.
Người Đức cầm biểu ngữ biểu thị thái độ không đón chào người tị nạn sau một loạt vụ tấn công tình dục xảy ra trong đêm giao thừa ở Cologne. |
Tuần này, căng thẳng càng dâng thêm khi 200 người biểu tình đeo mặt nạ tràn xuống đường ở thành phố phía đông nước này, Leipzig, vào đêm 11/1, đốt xe, phá hoại nhà cửa, và giơ các biểu ngữ phân biệt chủng tộc. Đồng thời, một cuộc biểu tình chống Hồi giáo cũng diễn ra ở trung tâm thành phố, thu hút khoảng 2.000 người tham gia, họ hô to "bà Merkel phải ra đi".
Đã có hơn 500 đơn khiếu nại hình sự liên quan đến một nhóm hơn 1.000 người đàn ông tụ tập trước nhà ga Cologne vào đêm giao thừa. Khoảng 45% đơn khiếu nại là về tấn công tình dục đối với phụ nữ. 22 trong số 32 nghi phạm được xác định là người tị nạn, Bộ Nội vụ Đức cho biết. Một quan chức cảnh sát cấp cao Đức gọi vụ việc này là "đêm giao thừa nhục nhã và đáng hổ thẹn".
"Chúng ta (châu Âu) đang trong thế nguy hiểm vì chúng ta chưa kiểm soát và quản lý được người tị nạn", Thủ tướng Đức Angela Merkel hôm qua thừa nhận trong một bài phát biểu tại Mainz.
Bà Merkel đang phải xoay xở giải quyết điều bà gọi là thách thức "phức tạp nhất" trong 10 năm cầm quyền. Sự xuất hiện của 1,1 triệu người tị nạn năm ngoái đang đè nặng lên khả năng xử lý của Đức.
Theo Bloomberg, mức ủng hộ dành cho đảng Liên minh Dân chủ Kitô giáo Đức của bà Merkel và đảng đồng minh Dân chủ Xã hội đều giảm 1%, xuống còn lần lượt 35% và 21,5%, trong cuộc thăm dò công bố trên báo Bild vào hôm qua. Đảng Giải pháp khác cho nước Đức, kêu gọi đóng cửa với người di cư và không có ghế trong quốc hội, tăng 2% lên 11,5% trong cuộc khảo sát ngày 8-11/1.
Hồi tháng 4, bà Merkel có mức tín nhiệm 75% trong cuộc thăm dò của mạng lưới truyền hình ARD. Đến tháng này, mức đó giảm xuống còn 58%.
Thay đổi
Thủ tướng Đức Angela Merkel. Ảnh: Reuters |
Các bộ trưởng Đức đã đề nghị thay đổi luật pháp để dễ dàng trục xuất người nước ngoài phạm tội hình sự. Cụ thể, các luật được đề xuất sẽ giảm án hình sự tối thiểu để trục xuất người tị nạn, hoặc những người đang xin tị nạn, từ ba năm xuống còn một. Nước này cũng sẽ đưa ra thêm những điều kiện dẫn đến trục xuất, trong đó có tội tấn công tình dục và chống người thi hành công vụ.
Họ muốn những đề xuất này được quốc hội thông qua nhanh chóng để kịp áp dụng chúng với những người bị kết án từ sự kiện đêm giao thừa.
"Đây là một phản ứng cứng rắn, nhưng thích hợp với những người muốn cư trú ở đây nhưng lại tin rằng họ có thể phạm tội mà không phải đối mặt với hậu quả", Bộ trưởng Nội vụ Đức Thomas de Maizière nói.
Tuy nhiên, một số người trong chính quyền của bà thừa nhận có thể đã quá muộn để đảo ngược tình thế. Bộ trưởng Phát triển Đức Gerd Mueller cảnh báo cuối tuần qua rằng chỉ 10% người di cư Syria và Iraq đã đến châu Âu cho đến nay, và rằng "8 đến 10 triệu người vẫn còn trên đường đi". Ông cũng cảnh báo hàng triệu người nữa đang đến từ châu Phi.
Nhật báo Mỹ Investor's Business cho rằng, bà Merkel và EU không có kế hoạch thực sự nào cho thảm họa nhân khẩu học này. Một "cơn lũ" người nhập cư ập đến một lục địa không còn là điều được ngưỡng mộ, tôn trọng hay tin tưởng vào nền văn hóa và văn minh, mà có thể đem đến cái chết cho Đức, và trên hết là châu Âu, tờ này viết.
5 bang của nước Đức sẽ tổ chức bầu cử vào năm nay để chuẩn bị cho cuộc bầu cử liên bang vào năm 2017. Những phiếu bầu này sẽ là dấu hiệu cho thấy mức độ ủng hộ hay phản đối bà Merkel và đảng của bà.