Đó là những gì xảy ra với bác sĩ động vật biển có vú Claire Simeone, người đã phát hiện ra danh tính của kẻ liên tục gọi điện phá phách cô là kẻ mà chẳng ai ngờ tới.
Thời điểm đó, Simeone, giám đốc bệnh viện Ke Kai Ola Hawaiian dành riêng cho hải cẩu nhà sư tại Kailua-Kona, Hawaii, đang chuẩn bị ra khỏi văn phòng đi ăn trưa thì nhận được một cuộc gọi mà cô cho là đến từ các bác sĩ liên quan tới hải cẩu.
Thế nhưng, khi nữ bác sĩ bắt máy thì phía đầu dây bên kia im lặng. Cứ như thế trong suốt 15 phút, Simeone liên tục nhận được 9 cuộc gọi tương tự. Điều này khiến nữ bác sĩ bắt đầu lo lắng, sợ rằng có ai đó đang gọi đến nhờ trợ giúp vấn đề liên quan đến hải cẩu nhưng không liên lạc được.
Simeone đến bệnh viện để kiểm tra. Tại đây, cô nhận thấy mọi thứ vẫn rất yên bình, dường như không phải ai trong số những người ở đây gọi điện cho cô. Đó cũng là lúc điện thoại của Simeone rung lên một lần nữa.
"Tôi nhận được một cuộc gọi khác. Số gọi đến từ đường dây điện thoại của bệnh viện" - Simeone kể lại.
Thế là Simeone quyết định gọi cho dịch vụ viễn thông Hawaiian Telcomy yêu cầu họ kiểm tra xem liệu có lỗi kỹ thuật nào trong đường dây điện thoại hay không. Khi Simeone đang cố giải thích tình hình thì cô biết được một chuyện kỳ lạ hơn, đó là một số người cũng đang phàn nàn vì liên tục nhận được cuộc gọi từ bệnh viện.
Liệu đây là trò chơi khăm có chủ đích hay là một thế lực siêu nhiên nào đó đang thực hiện các cuộc gọi bí ẩn?
Sau khi nghe lời khuyên của công ty viễn thông, Simeone đã đi khắp bệnh viện để kiểm tra tất cả điện thoại bàn. Nhà bếp, không. Phòng làm việc, không. Phòng ngắm cảnh, cũng không nốt. Khi nữ bác sĩ đến phòng thí nghiệm, cô tiến tới chiếc điện thoại duy nhất ở đây thì phát hiện kẻ phá phách gọi điện làm phiền mọi người không ngừng, đó chính là: Một con tắc kè xanh lè. Nó đã bám dính trên màn hình cảm ứng và không rõ là "vô tình hay cố ý" mà nó đã dùng chân gọi điện cho tất cả những số mà gần đây bệnh viện đã liên lạc.
"Một con tắc kè đang bám dính màn hình cảm ứng của điện thoại và thực hiện cuộc gọi bằng những cái chân nhỏ xíu của nó" - Simeone viết trên Twitter.
Không có gì ngạc nhiên khi một con tắc kè có thể quay số bằng chân - xét cho cùng, các ngón chân nhỏ của chúng nổi tiếng có khả năng bám dính vào hầu hết các bề mặt, miễn là chúng khô và sạch. Trên thực tế, tắc kè là loài có khả năng sử dụng bàn chân để leo trèo vô cùng tuyệt vời, khả năng sinh học của chúng còn truyền cảm hứng cho chất kết dính và robot bám dính.
Khi "kẻ chơi khăm ác độc" bị vạch mặt, Simeone đã gửi mail cho tất cả nhân viên bệnh viện và các tình nguyện viên để giải thích danh tính thủ phạm. Được biết, ngay sau khi vừa quay lưng đi, Simeone lại nhận được cuộc gọi từ con tắc kè kia. Thế là cô không còn cách nào khác là buộc lòng phải mang nó ra khỏi phòng thí nghiệm, tìm cho nó một nơi bám dính êm ả hơn màn hình cảm ứng điện thoại.
Bài đăng của Simeone nhận được hàng nghìn lượt thích và chia sẻ trên Twitter. Mọi người ai cũng hồi hộp theo dõi diễn biến câu chuyện được nữ bác sĩ cập nhật liên tục để rồi cuối cùng ai cũng phải bật cười trước cái kết quá đỗi đáng yêu. Một người dùng mạng khẳng định đây chính là câu chuyện mang đậm màu sắc Hawaii, hòn đảo nổi tiếng với sự đa dạng sinh vật, trong đó có rất rất nhiều tắc kè và các loài bò sát khác, mà cô từng được nghe. Tuy nhiên, một số người mong chờ sẽ tìm ra được một sự thật nhuốm màu kinh dị nào đó lại cảm thấy thất vọng và cho rằng cái kết thật... đoản hậu.
Theo Thái Anh (Pháp Luật & Bạn Đọc)