Không khí chính trị ở những quốc gia như Ba Lan và Slovakia đang trở nên căng thẳng vì mâu thuẫn thương mại với Ukraine, và sự chia rẽ trong đảng Cộng hòa ở Mỹ về khoản viện trợ lớn dành cho Ukraine gây ra cảm giác bất ổn về cam kết của phương Tây trong ủng hộ Kiev, khi cuộc xung đột đã kéo dài hơn 18 tháng.
Và chắc chắn Nga sẽ tranh thủ cơ hội nếu nhận thấy Ukraine thiếu các hệ thống phòng không hoặc những loại vũ khí tối tân khác.
Phương Tây lâu nay kề vai sát cánh với Ukraine để chống lại Nga. Nhưng sau những lời khẩn cầu giúp đỡ liên tục từ Ukraine và những khoản tài trợ khổng lồ, dấu hiệu bất hòa đã xuất hiện.
Hồi tháng 7, Bộ trưởng Quốc phòng Anh nói rằng Ukraine nên thể hiện “lòng biết ơn” với phương Tây, sau khi Kiev tiếp tục thúc giục việc kết nạp họ vào Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) nhưng không thành công.
Tuần này, mâu thuẫn mới lại nổi lên sau khi Ukraine đệ đơn khiếu nại lên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) chống lại ba nước láng giềng, gồm Hungary, Ba Lan và Slovakia, vì những quốc gia này cấm nhập khẩu nông sản Ukraine. Nông sản đang là hàng xuất khẩu chủ chốt của nền kinh tế bị tàn phá bởi chiến tranh ở Ukraine.
Cả ba quốc gia đều nổi giận trước bước đi này của Ukraine. Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki tuyên bố sẽ không chuyển bất kỳ vũ khí nào cho Ukraine nữa, với lý do là Ba Lan đang nỗ lực trang bị vũ khí hiện đại cho quân đội của mình.
Một số quan chức Liên minh châu Âu (EU) cảnh báo rằng Nga chắc chắn đang vui mừng khi thấy những biểu hiện bất hòa mới ở phương Tây, vào thời điểm lực lượng Ukraine mới giành được những thành tựu hạn chế trong chiến dịch phản công ở miền đông và nam đất nước.
Tuy nhiên, từ Washington đến Warsaw, các quan chức gạt bỏ bất kỳ ý kiến nào nói về sự rạn nứt.
Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda phát biểu: “Tôi không tin một tranh chấp chính trị sẽ dẫn đến đổ vỡ”. Ông cho biết thêm rằng thủ tướng nước này chỉ đề cập đến vũ khí mới đặt hàng, những loại sẽ không được chuyển đến Ukraine.
Ngày 21/9, Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan bày tỏ tin tưởng rằng “Ba Lan sẽ tiếp tục là nước ủng hộ Ukraine”.
Trong chuyến thăm Washington tuần này, Tổng thống Ukraine Volodymir Zelensky nỗ lực vận động Washington duy trì viện trợ, trong bối cảnh Mỹ sẽ có một cuộc bầu cử tổng thống vào năm tới. Cựu Tổng thống Donald Trump và đối thủ hàng đầu của đảng Cộng hòa - Thống đốc Ron DeSantis của bang Florida – đều khẳng định họ muốn Mỹ ngừng gửi vũ khí tới Ukraine.
Sau cuộc gặp ông Zelensky ngày 21/9, Thượng nghị sĩ Joe Manchin thừa nhận rằng “mọi người đang nói về số tiền” chi tiêu. Tuy nhiên, ông nói thêm: “Chúng tôi đang đầu tư vào nền dân chủ”.
Trong khi đó, các ứng cử viên tổng thống khác của đảng Cộng hòa như cựu Phó Tổng thống Mike Pence, cựu Thống đốc Nam Carolina Nikki Haley và cựu Thống đốc New Jersey Chris Christie vẫn ủng hộ Ukraine.
Tình hình tương tự đang diễn ra ở Đông Âu. Tổng thống Lithuania Gitanas Nausea, một người ủng hộ Ukraine mạnh mẽ, đăng lên mạng xã hội X lời kêu gọi lãnh đạo Ukraine và Ba Lan “giải quyết những khác biệt hiện tại”, đồng thời khẳng định Lithuania sẵn sàng làm trung gian cho hai nước đối thoại.
“Mối quan hệ Ba Lan - Ukraine trở thành con tin cho chiến dịch bầu cử Ba Lan”, Piotr Buras, thành viên cấp cao của Hội đồng Quan hệ Đối ngoại châu Âu tại Warsaw, nói về cuộc bầu cử quốc hội nước này vào tháng tới.
Tuy nhiên, ông vẫn cảnh báo tác hại từ những phát biểu của Thủ tướng Ba Lan Morawiecki.
“Nó gây thiệt hại rất lớn cho Ukraine, vì câu chuyện này củng cố một dòng tư tưởng hoài nghi ở châu Âu về sự cần thiết phải cung cấp vũ khí cho Ukraine”, Buras nói với AP .
Ông Robert Fico , người từng hai lần giữ chức thủ tướng Slovakia, đang trở lại với tư cách ứng viên dẫn đầu trong cuộc bầu cử quốc hội nước này. Đảng dân túy, cánh tả của ông đưa ra tư tưởng ủng hộ Nga và tuyên bố sẽ đảo ngược sự hỗ trợ chính trị và quân sự mà Slovakia đang dành cho Ukraine nếu họ chiến thắng trong cuộc bầu cử ngày 30/9.
Niklas Masuhr, một nhà phân tích quân sự tại Trung tâm Nghiên cứu An ninh thuộc Viện Công nghệ Liên bang ở Zurich, cho rằng một số chính đảng đang đề cao chủ nghĩa dân tộc để lấy lòng cử tri, khi ấn tượng về “sự đoàn kết quá mức cho Ukraine” gây tổn hại đến lợi ích trong nước.
“Sẽ thật ngây thơ nếu nghĩ rằng không có sự đánh đổi giữa lợi ích của từng quốc gia NATO và lợi ích của Ukraine”, Masuhr nói.
Theo Bình Giang (Tiền Phong)