Theo hãng thông tấn Reuters, nghị quyết được Ukraine và các đồng minh soạn thảo đã nhận được 140 phiếu thuận và 5 phiếu chống từ các nước Nga, Syria, Triều Tiên, Eritrea và Belarus. Trong khi đó, 38 quốc gia đã bỏ phiếu trắng.
Ngoài việc yêu cầu Nga phải chấm dứt chiến dịch quân sự, nghị quyết cũng yêu cầu bảo vệ dân thường, nhân viên y tế, nhân viên cứu trợ, nhà báo, bệnh viện và các cơ sở hạ tầng dân sự khác ở Ukraine, đồng thời kêu gọi chấm dứt việc bao vây các thành phố ở nước này, đặc biệt là Mariupol.
Nghị quyết mới có nội dung lặp lại nghị quyết được Đại hội đồng Liên Hợp Quốc thông qua ngày 2/3, khi một lần nữa yêu cầu Moscow ngưng chiến và rút quân khỏi Ukraine. Các nghị quyết của Đại hội đồng dù không mang tính ràng buộc, nhưng có sức nặng về mặt chính trị.
Cuộc bỏ phiếu hôm 24/3 của Đại hội đồng diễn ra chỉ một ngày sau Nga soạn thảo nghị quyết kêu gọi tiếp cận viện trợ và bảo vệ dân thường ở Ukraine, song không đề cập đến chiến dịch quân sự. Nghị quyết đã bị Hội đồng Bảo an bác bỏ, khi chỉ có Nga và Trung Quốc bỏ phiếu thuận, trong khi 13 nước thành viên còn lại bỏ phiếu trắng.
Mỹ muốn loại Nga khỏi nhóm G20
Tổng thống Mỹ Joe Biden đã bày tỏ ủng hộ việc loại Nga khỏi nhóm 20 nền kinh tế lớn (G20), và chủ đề này đã được nêu ra trong cuộc gặp của ông với các nhà lãnh đạo thế giới tại Brussels (Bỉ).
"Câu trả lời của tôi là có, nhưng nó còn phải phụ thuộc vào quyết định của G20", Tổng thống Biden phát biểu tại một cuộc họp báo tại trụ sở của NATO, bên lề cuộc họp đặc biệt giữa lãnh đạo liên minh lẫn các nước thuộc nhóm G7 hôm 24/3.
Tuy nhiên, người đứng đầu nước này cho biết nếu các quốc gia G20 khác không đồng ý với việc loại bỏ Nga, thì Ukraine nên được phép tham dự các cuộc họp của G20 với tư cách quan sát viên.
Tổng thống Biden cũng cảnh báo Trung Quốc không hỗ trợ chiến dịch quân sự của Nga, hoặc nền kinh tế của nước này sẽ gặp rủi ro. Ông cũng nhấn mạnh Washington và NATO sẽ có phản ứng thích hợp đối với việc sử dụng vũ khí hóa học.
Ngoài ra, Mỹ cũng tuyên bố sẽ chào đón 100.000 người tị nạn ở Ukraine vào nước này. Đây được xem là một trong những đợt tiếp nhận người tị nạn lớn nhất của Mỹ trong nhiều năm qua.
G7 tuyên bố ‘không từ nỗ lực’ để buộc Nga ‘chịu trách nhiệm’
Trong một tuyên bố chung hôm 24/3, lãnh đạo các nước G7 đã lên án chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine, đồng thời yêu cầu Moscow ngay lập tức và "không chậm trễ" tuân thủ phán quyết của Tòa án Công lý Quốc tế, đình chỉ các hoạt động quân sự ở nước láng giềng.
Các nhà lãnh đạo G7 cũng cảnh báo Belarus "tránh leo thang căng thẳng và kiềm chế sử dụng quân đội để giao tranh với Ukraine", và kêu gọi "tất cả các nước không cung cấp hoặc hỗ trợ quân sự cho Nga".
G7 còn cảnh báo sẽ chống lại bất kỳ mối đe dọa sử dụng vũ khí hóa học, sinh học và hạt nhân. Nhóm cũng ủng hộ một cuộc điều tra của Tòa án Hình sự Quốc tế về những “tội ác chiến tranh” có thể xảy ra ở Ukraine.
UNICEF: Hơn một nửa trẻ em Ukraine mất nhà cửa
Một báo cáo của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) hôm 24/3 cho biết, gần 1 tháng chiến tranh ở Ukraine đã khiến hơn một nửa số trẻ em của nước này rơi vào cảnh mất nhà cửa.
Theo UNICEF, 4,3 triệu trong tổng số ước tính 7,5 triệu trẻ em ở Ukraine đã phải rời bỏ nhà cửa. Khoảng 1,8 triệu trong số này đã rời khỏi đất nước và 2,5 triệu đang phải di tản tới những nơi khác trong lãnh thổ Ukraine.
“Chiến tranh đã gây ra một trong những cuộc di cư trẻ em có quy mô lớn và nhanh nhất kể từ Thế chiến 2”, Catherine Russell, Giám đốc điều hành UNICEF, cho hay. “Đây là một cột mốc nghiệt ngã có thể để lại hậu quả lâu dài cho các thế hệ sau này. Sự an toàn, sức khỏe và khả năng tiếp cận các dịch vụ thiết yếu của trẻ em đều đang bị đe dọa bởi tình trạng bạo lực không ngừng”.
Thượng viện Mỹ trì hoãn tước quy chế 'tối huệ quốc' của Nga
Dự luật xóa bỏ quy chế thương mại “tối huệ quốc” của Nga đã bị trì hoãn thông qua tại Thượng viện Mỹ ít nhất cho đến tuần tới, sau khi vấp phải sự phản đối từ một số thành viên đảng Cộng hòa.
Dự luật đã bị chặn bất chấp việc các nhà lập pháp lưỡng đảng ở Mỹ khẳng định họ muốn thể hiện một mặt trận thống nhất trong việc ủng hộ chính phủ Kiev, 1 tháng sau khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.
Sự trì hoãn này đã cản trở nỗ lực từ các cộng sự của Tổng thống Joe Biden ở đảng Dân chủ trong việc thông qua dự luật trước thời điểm ông Biden tham gia cuộc họp với các đồng minh ở châu Âu.
Theo Việt Anh (VietNamNet)