“Chiến tranh đang làm cuộc khủng hoảng ‘ba chiều’ gồm lương thực, năng lượng và tài chính trở nên trầm trọng, từ đó gây ra nguy hiểm tới nền kinh tế và người dân ở một số quốc gia dễ bị tổn thương nhất”, trang web của LHQ dẫn lời ông Guterres phát biểu hôm 13/4.
“Và cuộc chiến ở Ukraine nổ ra ở thời điểm các quốc gia đang phát triển phải vật lộn với hàng loạt thách thức như đại dịch Covid-19, sự biến đổi khí hậu, thiếu khả năng tiếp cận các nguồn lực đầy đủ để phục vụ cho quá trình phục hồi, cũng như sự bất bình đẳng đang tăng lên”, ông Guterres nói thêm.
Theo Tổng Thư ký LHQ, tác động từ cuộc chiến Nga-Ukraine mang tính hệ thống và tác động tới toàn cầu.
“Khoảng 1,7 tỷ người, 1/3 trong số đó đang phải sống trong cảnh nghèo đói, và phải đối mặt với sự gián đoạn về lương thực, năng lượng, tài chính. Từ đó, những vấn đề của họ khiến sự nghèo đói gia tăng. Có tới 36 quốc gia sống dựa vào nguồn xuất khẩu lúa mì từ Nga và Ukraine, trong đó có nhiều quốc gia nghèo và dễ bị tổn thương nhất”, ông Guterres cho biết.
“Giá dầu mỏ đã tăng 60% trong năm qua. Giá khí đốt cũng vậy, đã tăng thêm 50% trong những tháng gần đây. Trong khi đó, giá phân bón dành cho cây trồng cũng tăng gấp đôi. Khi giá cả mọi thứ leo thang, thì tình trạng đói và suy dinh dưỡng, nhất là ở trẻ nhỏ cũng tăng theo”, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc nói thêm.
“Lạm phát gia tăng khiến cho sức mua từ người tiêu dùng giảm, dẫn đến số liệu tăng trưởng bị giảm bớt. Đồng thời, nhiều nền kinh tế đang phát triển đã bị ‘chìm’ trong tình trạng nợ nần”, ông Guterres nhận định.
“Chúng ta phải ngăn chặn các vấn đề trên, tức là đảm bảo nguồn thực phẩm và năng lượng ổn định thông qua các thị trường mở. Điều này đồng nghĩa với việc dỡ bỏ các lệnh hạn chế xuất khẩu không cần thiết. Tiếp đó, chúng ta không để cuộc khủng hoảng năng lượng trầm trọng hơn nữa, nghĩa là các quốc gia cần ngừng việc tích trữ cũng như cho mở các kho dự trữ chiến lược”, ông Guterres kết luận.
Theo Tuấn Trần (VietNamNet)
https://vietnamnet.vn/lien-hop-quoc-nhan-dinh-chien-su-ukraine-gay-khung-hoang-ba-chieu-2008911.html