"Một cuộc đàm phán nghiêm túc đang diễn ra lúc này giữa Văn phòng Ủy viên Nhân quyền Liên Hợp Quốc và giới chức Trung Quốc", Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres phát biểu trong cuộc họp báo trực tuyến ngày 28/3. "Tôi hy vọng họ sẽ sớm đạt thỏa thuận cho phép chuyến thăm không có hạn chế".
Ông Guterres nói rằng ông cũng đang theo dõi một cách "lo lắng" số phận 2 công dân Canada đang bị giam ở Trung Quốc với tội danh gián điệp là Michael Kovrig và Michael Spavor.
"Lập trường của chúng tôi rất rõ ràng", Guterres nói. "Trong tất cả các tình huống như thế này, phải có quy trình phù hợp và tôn trọng đầy đủ các quyền con người của những người liên quan".
Các phát biểu trên được ông Guterres đưa ra trong bối cảnh vấn đề Tân Cương thời gian vừa qua bất ngờ trở thành tâm điểm của giai đoạn căng thẳng mới trong quan hệ giữa phương Tây và Trung Quốc.
Liên minh châu Âu ngày 22/3 tuyên bố trừng phạt 4 quan chức và 1 thực thể kinh tế Trung Quốc với cáo buộc vi phạm quyền con người đối với người Duy Ngô Nhĩ tại Tân Cương. Điều này đã khơi mào cho những hành động đáp trả liên tiếp từ phía Trung Quốc.
Bắc Kinh hôm 27/3 đã thông báo áp lệnh trừng phạt hai quan chức Mỹ, một nghị sĩ và một uỷ ban thuộc Hạ viện Canada với cáo buộc "thao túng chính trị, phát tán thông tin sai lệch về tình hình ở Tân Cương và can thiệp vào chuyện nội bộ của Trung Quốc".
Trước đó một ngày, Trung Quốc cũng trừng phạt 4 thực thể và 9 cá nhân tại Anh, trong đó có cựu lãnh đạo đảng Bảo thủ Iain Duncan Smith và Ủy ban Quyền con người của đảng này, cũng với cáo buộc "phát tán thông tin sai lệch về Tân Cương, đài BBC đưa tin.
Theo các nhóm nhân quyền Mỹ và Australia, ít nhất 1 triệu người Duy Ngô Nhĩ và các nhóm Hồi giáo khác đang bị giam trong các trại cải tạo ở khu tự trị Tân Cương, tây bắc Trung Quốc. Họ cáo buộc Trung Quốc ép phụ nữ triệt sản và cưỡng bức lao động, nhưng Bắc Kinh nhiều lần bác bỏ.
Minh Ngọc (Nguoiduatin.vn)