"Cuộc khủng hoảng có nguy cơ phá hủy sinh kế của 218 triệu người lao động phi chính thức ở Đông Nam Á", báo cáo tóm tắt chính sách của Liên Hợp Quốc công bố hôm 30/7 có đoạn.
"Nếu không có nguồn thu nhập thay thế, hệ thống bảo trợ xã hội hoặc tiền tiết kiệm để bù đắp những cú sốc này, người lao động và gia đình họ sẽ bị đẩy vào cảnh túng quẫn, đảo ngược thành quả của hàng thập kỷ xóa đói giảm nghèo", báo cáo cho hay.
Cũng theo báo cáo, quy mô nền kinh tế toàn khu vực dự kiến thu hẹp 0,4% trong năm nay. Kiều hối từ những người Đông Nam Á đang làm việc ở nước ngoài có khả năng giảm 13%, tương đương 10 tỷ USD.
Báo cáo kêu gọi các quốc gia xử lý những vấn đề nhức nhối gây tổn hại ngân sách như trốn thuế, định giá chuyển nhượng và trợ cấp cho nguồn nhiên liệu hóa thạch. Từ đó, họ có thể cung cấp các gói kích thích lớn để giúp đỡ những đối tượng dân số dễ tổn thương và thúc đẩy nền kinh tế.
Báo cáo thêm rằng giá dầu thấp hiện nay tạo cơ hội lý tưởng để các nước bỏ trợ cấp nhiên liệu hóa thạch. Tại Indonesia, quốc gia đông dân nhất Đông Nam Á, khoản trợ cấp nhiên liệu hóa thạch vào năm 2020 dự kiến vượt toàn bộ ngân sách hỗ trợ kinh tế xã hội.
Theo Armida Salsiah Alisjahbana, người đứng đầu Ủy ban Kinh tế Xã hội khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Liên Hợp Quốc, bên cạnh thúc đẩy những khoản chi trả phúc lợi xã hội, các quốc gia Đông Nam Á nên ưu tiên đầu tư vào y tế nhiều hơn.
Theo thang đánh giá hệ thống y tế gồm 5 bậc của Liên Hợp Quốc, 6/11 nước trong khu vực bị xếp hạng thấp nhất về chi tiêu cho y tế, ba nước khác ở mức áp chót và hai nước còn lại ở mức giữa, bao gồm Việt Nam và Campuchia.
Theo Ánh Ngọc (Vnexpress.net)