Nước bao phủ hơn 70% diện tích Trái Đất, và đó là một cản trở không hề nhỏ đối với bất kỳ hoạt động quân sự nào. Hoa Kỳ, quốc gia đang sở hữu lực lượng hải quân mạnh nhất thế giới, từ lâu đã nhận ra được vấn đề đó.
Họ tổ chức hải quân của mình thành rất nhiều lực lượng chuyên biệt, ngoài 7 hạm đội hoạt động theo từng khu vực, hải quân Hoa Kỳ còn có lực lượng lính thủy đánh bộ và lính thủy đánh bộ trinh sát.
Tuy được đào tạo trong các nhánh khác nhau, nhưng điểm chung của tất cả các binh sĩ và sĩ quan hoạt động trong các lực lượng này là họ phải biết lặn và có khả năng chiến đấu trong môi trường hoàn toàn dưới nước. Hải quân Hoa Kỳ, thủy quân lục chiến và lực lượng trinh sát của họ đều phải theo học một trường lặn tại thành phố Panama.
Lực lượng lính lặn đặc nhiệm của hải quân Mỹ thậm chí được đào tạo theo một chương trình gian khổ hơn tại Trường Hoạt động Dưới nước của Lực lượng Đặc biệt ở Key West, Florida. Đó được đánh giá một trong những khóa học thử thách nhất với binh sĩ, nơi mà ngay cả những người điều hành đội đặc nhiệm cũng có thể bị loại.
Nhưng chương trình tại Key West thậm chí vẫn chưa thể sánh bằng những gì mà lính SEAL (lực lượng đặc biệt nhất của quân đội Hoa Kỳ có thể chiến đấu cả trên không, đất liền và dưới nước) được đào tạo.
Lính SEAL thì vẫn trực thuộc lực lượng đặc biệt của hải quân Hoa Kỳ, nhưng chương trình đào tạo cho họ thực sự được thiết lập ở một tầm cao khác hẳn, một đỉnh cao rèn luyện có thể nói là khắc nghiệt nhất thế giới.
Trong bài viết này, chúng ta cùng tìm hiểu lính hải quân SEAL của Mỹ đã được đào tạo như thế nào.
Một lực lượng tinh nhuệ
Năm 1942, đúng 9 tháng sau trận Trân Châu Cảng, quân đội Hoa Kỳ nhận thấy các chiến dịch hải quân của họ có một lỗ hổng. Đó là sự thiếu vắng của một lực lượng trinh sát bí mật, những người lính sẽ làm nhiệm vụ đổ bộ thầm lặng vào bãi biển để cài mìn và vô hiệu hóa hệ thống phòng thủ ven bờ của địch.
Hoạt động này nhằm mục đích dọn đường cho lục quân hoặc thủy quân lục chiến trước khi trận chiến chính thức bắt đầu. Và để làm được điều đó, Trường Trinh sát và đột kích đổ bộ của lục quân Hoa Kỳ đã lập ra một chương trình đào tạo cho đơn vị mới được gọi là Đội phá hủy dưới nước (UDT).
Lực lượng UDT khi đó được huấn luyện theo một nhánh nghiêng về hải quân hơn thủy quân lục chiến, nhưng vẫn giữ được các kỹ năng trên bộ. Họ chịu sự quản lý chung của cả lục quân và thủy quân lục chiến Hoa Kỳ.
Khóa đào tạo đầu tiên kết thúc vừa lúc binh sĩ UDT kịp tham gia vào trận D-Day tại Normandy, rồi sau đó là hầu hết các trận đánh lớn của quân đội Mỹ trên khu vực Thái Bình Dương. UDT chính là tiền thân của SEAL, khi lực lượng này ngày càng được tinh nhuệ hóa hơn nữa về mặt thủy chiến.
Trong quá trình tiến hóa này, mỗi lính SEAL phải được trui rèn để có khả năng lặn chiến đấu thấm vào máu, trở thành DNA của chính bản thân mình. Riêng quá trình tuyển chọn tân binh cho lực lượng SEAL cũng nổi tiếng khắt khe.
Ứng viên cần phải vượt qua một bài kiểm tra sàng lọc thể chất hết sức khắc nghiệt: Trong đó, tân binh phải bơi hơn 450 mét trong thời gian giới hạn 12 phút rưỡi. Sau đó, họ phải tiếp tục chống đẩy 50 cái trong vòng 2 phút, squat 50 lần trong 2 phút tiếp theo.
Bài kiểm tra tiếp tục với 2 phút kéo xà với mục tiêu 10 cái liên tiếp không nghỉ và cuối cùng là chạy 2,4 km trong vòng 10 phút 30 giây. Vượt qua bài kiểm tra này, tân binh mới được tham gia vào khóa đào tạo.
Chương trình huấn luyện hải quân đặc nhiệm SEAL kéo dài trong 6 giai đoạn. Giai đoạn 1 huấn luyện tuyển quân diễn ra trong 8 tuần. Giai đoạn 2, học viên sẽ được tham gia vào Trường Võ bị Chiến tranh Đặc biệt của Hải quân, cũng trong 8 tuần. Sau đó là giai đoạn 3, định hướng phá dỡ dưới nước kéo dài 3 tuần.
Sau giai đoạn này, học viên sẽ bước vào giai đoạn 24 tuần học các kỹ năng phá dỡ dưới nước cơ bản. Kết thúc, họ sẽ được tập nhảy dù trong 5 tuần. Các học viên SEAL có nguyện vọng sẽ tham gia vào giai đoạn cuối được gọi là chứng chỉ SEAL trong 26 tuần.
Kết thúc toàn bộ khóa đào tạo, chỉ có khoảng 20% học viên tốt nghiệp, 80% còn lại sẽ bị loại. Các học viên tốt nghiệp từ khóa đào tạo hải quân SEAL tiếp tục rèn luyện trong vòng 18 tháng nữa trước khi có thể nhận nhiệm vụ đầu tiên.
Trong khóa đào tạo 18 tháng này, lính SEAL sẽ được lựa chọn tham gia vào các đội SEAL hoặc đội binh vận SEAL, làm nhiệm vụ đưa lính tới địa điểm đổ bộ bí mật. Hiện tại, hải quân Hoa Kỳ đang duy trì hoạt động của 10 đội SEAL và 2 đội binh vận SEAL trên toàn thế giới.
Cho những nhiệm vụ đặc biệt
Quá trình tuyển chọn và huấn luyện khắc nghiệt ắt là phải có lý do, SEAL là đơn vị đặc nhiệm duy nhất của quân đội Mỹ có khả năng thực hiện các chiến dịch đặc biệt dưới nước, chẳng hạn như đặt mìn limpet trên tàu địch hoặc tiến hành trinh sát bến cảng của đối phương.
Một trong những nhiệm vụ dưới nước nổi tiếng của họ diễn ra vào năm 1989 trong Chiến dịch Just Cause. Một nhóm 4 lính SEAL được gửi đi để đánh chìm tàu của Manuel Noriega, nhằm ngăn chặn đường chạy trốn của nhà độc tài người Panama. Bất chấp sự kháng cự của một số lượng lớn lính canh, đội SEAL đã có thể cài mìn dưới đáy con tàu và phá hủy nó.
Hai năm sau trong chiến tranh vùng vịnh Ba Tư, một đội SEAL tham gia chiến dịch Lá chắn sa mạc đã xâm nhập thành công thủ đô Kuwait cho trong vài giờ đồng hồ. Họ đã giúp thu thập thông tin trinh sát và lên kế hoạch giải cứu các đại sứ Hoa Kỳ bị bắt làm con tin.
Trong cuộc chiến Afghabistan và chiến tranh Iraq, SEAL cũng luôn giữ vai trò tiên phong mở đường và thu thập thông tin tình báo. Họ cũng chính là lực lượng đã tiêu diệt trùm khủng bố Osama bin Laden vào năm 2011 trong một chiến dịch tại Pakistan.
Giữa thời kỳ hiện nay, khi trong khu vực Thái Bình Dương ngày càng có nhiều bất ổn và một cuộc chiến tranh lạnh có thể xảy ra với Trung Quốc, lực lượng hải quân SEAL của Mỹ càng được xem trọng.
Lầu Năm Góc hiện cũng đang tập trung quan tâm đến nhóm hải quân đặc biệt này. Họ đang dồn ngân sách cho SEAL, tiếp tục tinh nhuệ hóa và trang bị cho lực lượng của mình nhiều trang vũ khí hiện đại.
Các chuyên gia quân sự nhận định, trong bối cảnh cạnh tranh giữa các cường quốc đang xảy ra ở Thái Bình Dương, lực lượng SEAL và các chiến dịch đặc biệt sẽ là con át chủ bài của Hoa Kỳ để đối mặt với những thách thức mà họ có thể gặp phải trong thời gian tới.
Theo Thanh Long (Pháp Luật & Bạn Đọc)