Mất nghề buôn hàng sang Triều Tiên vì lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc (LHQ), người dân Trung Quốc vùng biên giới lo không còn cách kiếm tiền nuôi gia đình hơn là nguy cơ nổ ra chiến tranh hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.
Tại Hồn Xuân (tỉnh Cát Lâm, Trung Quốc), thành phố có khoảng 230.000 dân Trung Quốc sống giáp biên giới Triều Tiên và Nga, những cuộc biểu tình nổ ra chóng vánh vào tháng trước, sau khi Hội đồng Bảo an LHQ thông qua nghị quyết cấm Triều Tiên xuất khẩu hải sản và nhiều mặt hàng khác. Hàng chục cửa hàng bán buôn ở Hồn Xuân phải đóng cửa, ảnh hưởng đến cả những người cung cấp dịch vụ liên quan như đóng gói, phân phối, vận chuyển và nhà hàng. “Bây giờ nhiều người thất nghiệp. Các biện pháp trừng phạt đáng ra phải nhằm vào chính phủ Triều Tiên nhưng lại ảnh hưởng đến người dân thường ở Trung Quốc và Triều Tiên”, ông Liu Guanghua, 41 tuổi, chủ một cửa hàng thuộc số ít vẫn còn mở cửa trên Phố Hải sản ở Hồn Xuân, nói.
Các thị trấn ở vành đai phía bắc của Trung Quốc (gồm các tỉnh Liêu Ninh, Cát Lâm và Hắc Long Giang) đã phải hứng chịu sự xuống dốc của các ngành công nghiệp nặng như sản xuất thép, than đá… trước khi bị tổn thất từ nỗ lực do Mỹ đứng đầu nhằm cô lập
Khả năng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ sẽ giúp củng cố vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Vì thế, trong khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đe dọa chiến tranh thương mại nếu ông Tập không sử dụng đòn bẩy kinh tế để kiềm chế tham vọng hạt nhân của Triều Tiên, chính quyền ở Bắc Kinh cũng phải cân đo tổn thất của họ khi triển khai các biện pháp trừng phạt Bình Nhưỡng, Bloomberg đánh giá.
Cát Lâm và Liêu Ninh không mấy thành công trong việc tìm ra những động lực tăng trưởng mới từ khi Bắc Kinh bắt đầu giảm hỗ trợ doanh nghiệp nhà nước trong những năm 1990, mở đường để nước này gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) năm 2001. Chính quyền trung ương từng bao cấp và đầu tư mạnh mẽ vào các địa phương này trong thập kỷ qua, nhưng rất ít nhà máy được mở ra để thay thế các xưởng đóng tàu, nhà máy hóa dầu từng đóng vai trò động lực tăng trưởng trước đây.
Liêu Ninh, nơi chính quyền gần đây thừa nhận đã khai khống số liệu thống kê kinh tế suốt nhiều năm, chứng kiến sản lượng công nghiệp giảm 2,5% trong năm 2016, trở thành tỉnh duy nhất sụt giảm năng suất. Điều này kéo tốc độ tăng trưởng kinh tế cả nước của Trung Quốc xuống 6,7%, mức thấp nhất trong khoảng 1/4 thế kỷ qua. Đến thăm một khu công nghiệp ở Thẩm Dương, thủ phủ tỉnh Cát Lâm, vào tháng trước, các phóng viên đã chứng kiến nhiều nhà máy bị đóng cửa, trong khi nhiều đàn ông đứng trên phố cầm biển ghi chữ đỏ để xin làm thuê.
“Giảm sút thương mại ở vùng biên có thể gây bất ổn cho kế hoạch chiến lược của Trung Quốc nhằm phục hồi nền công nghiệp ở vùng đông bắc, một kế hoạch mà chính quyền trung ương sẽ không để ảnh hưởng bởi các vấn đề quốc tế”, Bloomberg dẫn lời ông Lyu Chao, chuyên gia nghiên cứu về các vấn đề biên giới đang công tác tại Viện Khoa học xã hội Liêu Ninh. “Duy trì ổn định ở vùng đông bắc Trung Quốc là nhiệm vụ rất quan trọng của chính phủ”, ông Lyu nói.
Không sợ ông Trump dọa
Bắc Kinh cũng tham gia lên án việc Triều Tiên phóng tên lửa và thử hạt nhân nhưng họ không muốn xảy ra chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên hoặc chính quyền Bình Nhưỡng sụp đổ, các nhà phân tích nhận định. Cả hai điều này đều có thể gây ra một làn sóng người tị nạn tràn vào Trung Quốc và nguy cơ Mỹ đưa quân tiến sát cửa nhà của Trung Quốc, gây ra bất ổn xã hội và càng hạn chế thương mại.
Theo số liệu thống kê của Observatory of Economic Complexity (một dự án của Học viện Công nghệ Massachusetts, Mỹ), Trung Quốc cung cấp 85% lượng hàng hóa nhập khẩu của Triều Tiên trong năm 2015. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nói trong cuộc họp báo thường kỳ tháng này rằng, Trung Quốc “đã hy sinh rất nhiều và trả giá cao” để thực hiện các biện pháp trừng phạt của LHQ.
Một thương lái họ Wang ở Đan Đông, thành phố 2,4 triệu dân bên sông Áp Lục ngăn cách Trung Quốc và Triều Tiên, nói rằng, ông bán mọi thứ, từ quần ảo vải vóc đến lốp xe qua biên giới trong những năm 1990, sau khi ông mất vị trí phụ trách mua sắm tại một doanh nghiệp nhà nước. “Giờ tôi chỉ ngồi chơi. Những thương lái như tôi mất tiền vì các biện pháp trừng phạt”, ông Wang nói.
Có bằng chứng cho thấy chính quyền các tỉnh biên giới của Trung Quốc đã cân bằng giữa việc tuân thủ yêu cầu của Bắc Kinh với nhiệm vụ bảo đảm kinh tế địa phương, ông Zhao Tong, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Chính sách toàn cầu Carnegie - Thanh Hoa tại Bắc Kinh, cho biết. Nhưng điều đó đang thay đổi. “Giờ chính quyền trung ương đã có quan điểm mạnh mẽ hơn và quyết hy sinh nền kinh tế địa phương, nên chính quyền địa phương cũng phải thích nghi”, ông Zhao nói.
Người dân biên giới có vẻ không lo về hàng loạt đe dọa của ông Trump rằng có thể sẽ dùng vũ lực với Triều Tiên. “Đây là khu vực hòa bình. Họ đã ở đây từ khi chúng tôi còn nhỏ và chưa hề có chiến tranh xảy ra”, ông Fang Hexiang, 37 tuổi, một người bán rượu ở Đan Đông, nói.
Ông Piao Zhongzhe, chủ một nhà hàng Triều Tiên ở Hồn Xuân, tin rằng, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un sẽ không chĩa tên lửa sang Trung Quốc. “Họ làm điều đó với Mỹ, không phải Trung Quốc. Họ không dám làm điều gì với Trung Quốc vì Trung Quốc sẽ phá hủy họ chỉ trong vài phút”, người đàn ông 59 tuổi nói.
Việt Nam thực hiện nghiêm túc nghị quyết trừng phạt Triều Tiên Là thành viên có trách nhiệm của Liên Hợp Quốc và cộng đồng quốc tế, Việt Nam luôn tuân thủ nghiêm túc các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, trong đó có các nghị quyết liên quan đến Triều Tiên. Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng khẳng định như vậy tại cuộc họp báo thường kỳ ngày 21/9. |
Theo Trúc Quỳnh (Tiền Phong)