Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon đề nghị kiểm toán với tinh thần không khoan nhượng với vụ hối lộ. Ảnh: Reuters |
LHQ đã xem xét khoản tiền tặng 1,5 triệu USD từ tập đoàn Sun Kian Ip cho Văn phòng Hợp tác Nam - Nam, do Chương trình phát triển LHQ (UNDP) thành lập. Ông Dujarric nói các quỹ được dùng để tổ chức các hội nghị gần đây ở Bangladesh và ở Macau, và hai cuộc họp khác dự kiến cho năm sau.
Ông này khẳng định các quỹ được dùng "tuân theo các quy định và hướng dẫn của LHQ. Không có chứng cứ nào cho thấy các quỹ được nhận bị định hướng sai hay bị biển thủ". Không có nhân viên nào bị điều tra.
Ông Ashe được cho là nhận khoản tiền lớn từ ông Ng để hỗ trợ kế hoạch xây dựng trung tâm hội nghị của LHQ tại Macau, Hongkong. Ông cũng bị cáo buộc giúp các doanh nhân người Trung Quốc mua các khách sạn ở Caribbean, theo cáo trạng của tòa tại New York.
Từng là đại sứ của Antigua và Barbuda tại LHQ, ông Ashe còn được cho là có mức lương 20.000 USD mỗi tháng để giữ chức chủ tịch danh dự của Quỹ GSF. Vợ ông này, bà Anilla Cherian, một nhà vận động về môi trường, không bị cáo buộc đến vụ tham nhũng này, được cho là nhận lương 2.500 USD mỗi tháng từ đầu 2001 đến cuối năm ngoái, với tư cách tư vấn cho tờ Tin tức Nam - Nam, báo của LHQ chuyên đưa về các vấn đề phát triển.
Theo cáo trạng, tờ báo này nhận 12 triệu USD từ ông Ng và chi trả cho chuyến đi nghỉ của gia đình Ashe tại khách sạn sang trọng New Orlean có giá 850 USD mỗi đêm.
Cũng trong ngày 6/10, Francis Lorenz, Phó đại sứ của Cộng hòa Dominica tại LHQ cũng bị bắt. Lozenz là người phụ trách tờ Tin tức Nam - Nam.
Về phía Trung Quốc, Sheri Yan, Tổng giám đốc điều hành và Heidi Hong Piao, Giám đốc tài chính quỹ GSF nằm trong số 6 người bị xem xét có liên quan đến kế hoạch hối lộ.