"Cần phải kêu gọi mọi người nhận ra rằng nguy cơ chiến tranh hạt nhân hiện nay rất cao và nguy cơ sử dụng vũ khí hạt nhân cao hơn bất cứ thời điểm nào sau Thế chiến II", giám đốc Viện Nghiên cứu Giải trừ vũ khí của Liên Hợp Quốc (LHQ) Renata Dwan ngày 21/5 nói.
Phát biểu trước các phóng viên tại Geneva, bà Dwan nhận định rằng tất cả quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân hiện đều có chương trình hiện đại hóa lực lượng hạt nhân riêng, trong khi tình hình kiểm soát vũ khí đang thay đổi, một phần do cạnh tranh chiến lược giữa Trung Quốc và Mỹ.
Ngoài ra, các thỏa thuận kiểm soát vũ khí thường xuyên bị vi phạm do sự xuất hiện của những hình thái chiến tranh mới, sự gia tăng của các nhóm vũ trang, quân đội tư nhân và công nghệ mới, làm mờ đi ranh giới giữa hoạt động tấn công và phòng thủ.
"122 nước đã ký Hiệp ước Cấm vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, các cuộc đối thoại nhằm giải giáp hạt nhân bị bế tắc trong 2 thập kỷ qua do nhiều quốc gia thất vọng về thỏa thuận hoặc nhận ra nguy cơ về an ninh", quan chức LHQ cho biết.
Hiệp ước Cấm vũ khí hạt nhân thông qua vào tháng 7/2017 và được 23 nước ủng hộ. Hiệp ước cần ít nhất 50 nước ủng hộ để có hiệu lực trong khi Mỹ, Nga và một số quốc gia hạt nhân phản đối thỏa thuận.
Tuyên bố của chuyên gia LHQ được đưa ra trong bối cảnh hội nghị thượng đỉnh lần hai giữa Mỹ và Triều Tiên về giải giáp hạt nhân đã không thu được kết quả, trong khi căng thẳng giữa Mỹ và một quốc gia hạt nhân khác là Iran đang gia tăng tại vùng Vịnh với những diễn biến phức tạp. Mỹ và Nga mới đây đều tuyên bố rút khỏi Hiệp ước Các lực lượng Hạt nhân Tầm trung, vốn hạn chế đáng kể việc phát triển tên lửa hạt nhân của hai nước trong nhiều năm qua.
Theo Nguyễn Hoàng (VnExpress.net)