Tại khu du lịch núi Kumgang (thuộc tỉnh Kangwon, Triều Tiên), người ta có thể nhìn thấy một khách sạn nổi cao 7 tầng với cái tên Haekumgang. Khách sạn được neo tại cầu cảng với vẻ ngoài trầm lặng, khác với quá khứ sôi nổi của nó mà có thể nhiều người dân địa phương chưa từng biết đến.
Khách sạn 5 sao trên biển
Ý tưởng táo bạo xây dựng khách sạn này là của ông Doug Tarca, chủ một công ty xây dựng ở thành phố Townsville (Úc). Theo Đài ABC dẫn lời kể của người con trai Peter Tarca, cha ông cực kỳ say mê vẻ đẹp của rạn san hô Great Barrier ở vùng biển phía đông thành phố và mong muốn xây một công trình có thể neo đậu lâu dài tại đây. Sau một thời gian cân nhắc về những ưu thế tiết kiệm chi phí cũng như bảo vệ môi trường, nhà Tarca quyết định xây khách sạn nổi thay vì phải ủi đất, xây nền trên đất liền. Năm 1986, bản thiết kế hoàn tất và được giao cho một công ty tại Singapore thi công với chi phí 55 triệu AUD. Đầu năm 1988, khách sạn mang tên John Brewer Reef thành hình và được lai dắt hơn 5.000 km từ Singapore về rạn san hô Great Barrier.
Chính thức đi vào hoạt động vào tháng 3.1988, John Brewer Reef trở thành khách sạn nổi đầu tiên trên thế giới. Công trình dài khoảng 90 m, cao 7 tầng với 201 phòng chất lượng 5 sao. Khách sạn được trang bị hồ bơi, bar, phòng tập thể dục, sân quần vợt, thậm chí cả bãi đáp trực thăng. Thực phẩm phục vụ tại nhà hàng trong khách sạn cũng được chuyển đến mỗi ngày bằng tàu hoặc trực thăng. Vì neo đậu tại khu vực bảo tồn nên John Brewer Reef tuân thủ những tiêu chuẩn môi trường nghiêm ngặt như lớp vỏ không được dùng nước sơn độc hại, nước thải phải qua xử lý và đổ cách rạn san hô nhiều hải lý. Ngoài ra, rác phải được gom lại và đưa vào đất liền.
Ý tưởng xây thị trấn nổi
Trước tình trạng mực nước biển dâng cao, có thể nhấn chìm nhiều hòn đảo, chính quyền vùng lãnh thổ hải ngoại Polynesia thuộc Pháp đã ký biên bản ghi nhớ với Tổ chức Seasteading Institute (Mỹ) hồi năm 2017 để khảo sát xây dựng một thị trấn nổi trên biển cho 300 người sinh sống. Tuy nhiên, nhiều người chỉ trích dự án chỉ dành cho “giới tinh hoa”, phi thực tế và tốn kém, nên thị trấn nổi đến nay vẫn chỉ nằm trên giấy, theo trang Business Insider.
Đối với nhiều người, được làm việc tại đây thực sự là điều đáng mơ ước. “Đó là công việc tốt nhất tôi từng làm. Tôi được trả lương để bơi, đi bộ và tận hưởng ánh mặt trời”, cựu nhân viên Luke Stein chia sẻ với Đài ABC. Ông Peter Tarca thì tự hào khi nói về “con đẻ” của mình: “Nó đã giúp Townsville xuất hiện trên bản đồ thế giới, vì đó là công trình độc nhất vô nhị trong khu vực và trên thế giới”.
Số phận nổi trôi
Hào nhoáng là thế, nhưng khách sạn nổi đầu tiên này lại chịu cảnh bấp bênh trong suốt 30 năm tuổi đời. Theo tờ The Christian Science Monitor, John Brewer Reef ban đầu dự kiến mở cửa từ năm 1987, nhưng bị chậm tiến độ 6 tháng, gây thất thu hàng triệu đô la. Năm đầu tiên đi vào hoạt động, thời tiết xấu liên tục nên lượng khách đến nghỉ dưỡng chẳng được bao nhiêu. Ngoài ra, các vấn đề về quản lý điều hành, quảng cáo tiếp thị yếu đã ảnh hưởng không nhỏ đến doanh thu. Chỉ sau một năm, chủ sở hữu buộc phải bán lại khách sạn cho Công ty phát triển EIE của Nhật Bản, theo NK News.
Số phận đẩy đưa, John Brewer Reef lại vượt hơn 5.000 km đến TP.HCM và được đổi tên thành khách sạn nổi Sài Gòn, neo đậu tại khúc sông gần tượng đài Trần Hưng Đạo, đường Tôn Đức Thắng (Q.1) từ năm 1989. Với 2 quán bar mới gồm Q Bar và Downunder Disco, khách sạn nhanh chóng trở thành điểm vui chơi giải trí sôi động bậc nhất TP.HCM lúc bấy giờ. Được ít năm, lượng khách đến đây giảm dần vì sự cạnh tranh ngày càng nhiều từ các khách sạn mới được tân trang trong thành phố. Khách sạn nổi Sài Gòn bị bỏ không một thời gian rồi rời Việt Nam sau 8 năm.
Năm 1998, khách sạn một lần nữa sang tên đổi chủ khi được Tập đoàn Hyundai của Hàn Quốc mua lại. Sau quá trình trùng tu ở Singapore, khách sạn mở cửa trở lại vào năm 2000 với tên gọi Haekumgang, neo tại khu du lịch Kumgang Triều Tiên, ở thời điểm quan hệ giữa hai miền nước này đang suôn sẻ. Không được bao lâu, khách sạn này phải ngưng hoạt động vì khu nghỉ dưỡng bị chính quyền Triều Tiên buộc đóng cửa sau vụ một nữ du khách Hàn Quốc bị lính Triều Tiên bắn chết với cáo buộc xâm phạm khu vực quân sự.
Theo Vi Trân (Thanh Niên Online)