Theo CNN, rắc rối mới bắt nguồn từ những tranh cãi liên quan đến quy ước giờ tiết kiệm ánh sáng ban ngày (DST), quy ước chỉnh đồng hồ sớm hơn một khoảng thời gian nhất định so với giờ tiêu chuẩn, thường áp dụng vào mùa hè.
Chính phủ Lebanon đã hoãn thay đổi giờ theo quy ước. Thủ tướng lâm thời Najib Mikati tuyên bố, DST năm nay sẽ được áp dụng từ nửa đêm ngày 20/4, thay vì từ nửa đêm ngày 25/3. Tuy nhiên, nhiều tổ chức, từ các hãng thông tấn, báo chí cho đến các nhà thờ đã từ chối tuân theo quyết định, gây bối rối cho người dân.
Chính phủ Lebanon không đưa ra bất kỳ lời giải thích chính thức nào cho động thái trên, mặc dù truyền thông địa phương phỏng đoán nó được đưa ra trùng với tháng Thánh lễ Ramadan của người Hồi giáo. Ở Lebanon, trong một số trường hợp, tranh luận mang tính chất giáo phái. Chính trường Lebanon mang tính giáo phái rõ rệt, với các ghế trong quốc hội được phân bổ theo tôn giáo.
Tình hình càng thêm hỗn loạn khi chính phủ vẫn chưa cho biết liệu họ đã thông báo đến các quan chức chịu trách nhiệm đồng bộ hóa thời gian trên điện thoại di động, máy tính xách tay và các thiết bị điện tử khác về sự thay đổi hay chưa.
Quyết định của Thủ tướng Mikati đang vấp phải sự chống đối trên diện rộng. Hai kênh truyền hình lớn MTV Lebanon và LBCI Lebanon đã điều chỉnh giờ đồng hồ theo DST từ hôm 25/3. Hãng hàng không Middle East Airlines cũng cho biết sẽ chỉnh giờ sớm hơn 1 tiếng của tất cả các chuyến bay trong một tháng.
Một số người Lebanon lại thấy khía cạnh hài hước trong việc đất nước đột ngột bị chia thành 2 múi giờ khác nhau. Một đoạn clip lan truyền trên mạng xã hội cho thấy chiếc đồng hồ kỹ thuật số tại sân bay quốc tế Beirut - Rafic Hariri hiển thị 2 giờ khác nhau của địa phương cùng lúc, với một mặt nhấp nháy 10h05 và mặt còn lại hiển thị 9h05.
Tại một quán cà phê ở thủ đô Beirut tối 25/3, phóng viên Reuters đã nghe thấy một khách hàng hỏi người quản lý: “Ngày mai quán của các anh sẽ bắt đầu theo giờ Cơ đốc giáo hay Hồi giáo?”.
Theo Tuấn Anh (VietNamNet)