Đài BBC đưa tin cậu bé Kejuan Mason lấy trộm chiếc bánh từ nhà bếp vì đói khi đang ở nhà của 2 chị em tên Glenndria và Lashirley Morris vào ngày 31-10-2017. Theo bản cáo trạng, Lashirley đã dùng một chiếc gậy bóng chày đánh đập bé Mason trong khi Glenndria, người giám hộ hợp pháp của nạn nhân, dùng tay hành hung.
Hậu quả là cậu bé đáng thương tử vong vì chấn thương nặng ở đầu và thân, theo lời một quan chức bệnh viện.
Trước đó, chị em nhà Morris đã đưa ra những lời khai trái ngược về câu chuyện khi khẳng định bé Mason thiệt mạng vì bị nghẹn bánh cupcake. Họ bị cáo buộc nhiều tội danh bao gồm giết người, hành hung nghiêm trọng và ngược đãi cấp độ 1. Các nghi phạm sẽ đối mặt với án tù chung thân không được ân xá nếu bị kết tội.
Theo các báo cáo, mẹ của bé Mason mất quyền nuôi con vì không có nhà ở nhưng cô này đã tìm cách giành lại con.
Trước khi bi kịch xảy ra, cô đã yêu cầu thẩm phán tước quyền giám hộ của Glenndria khi phát hiện ra những vết cào và bầm tím trên người con trai. Tuy nhiên, yêu cầu của người mẹ tội nghiệp bị từ chối 3 ngày trước khi Mason tử vong.
Trong một diễn biến khác, cảnh sát Ấn Độ vừa nộp đơn kiện một hiệu trưởng sau khi bà này bắt 13 học sinh để tay trên một ngọn nến. Vụ việc xảy ra vào ngày 31-1 tại một trường tư thục nằm ở bang Jharkhand.
Đài BBC đưa tin nguyên nhân của hành động trừng phạt dã man trên là do hiệu trưởng Sushanti Hembrom muốn tìm ra thủ phạm của một vụ ăn trộm tiền trong lớp học. Sau khi bị phụ huynh các học sinh khiếu nại vào ngày hôm sau, bà Hembrom đã bị đình chỉ công tác.
Cảnh sát cho biết nữ hiệu trưởng khai bà cho rằng học sinh nào ăn cắp sẽ đứng lên nhận tội vì sợ nhưng tất cả các em đều nghe lời và giơ tay lên ngọn nến. Nghiêm trọng hơn, một trong số các học sinh, người được cho là bị bà Hembrom giữ chặt tay trên ngọn nến, bị bỏng nặng và phải vào bệnh viện.
Đài BBC dẫn lời cảnh sát cho biết nữ hiệu trưởng đã thừa nhận mọi chuyện và xin lỗi các học sinh cũng như phụ huynh.
Mặc dù các hành động trừng phạt thân thể đã bị cấm ở các trường học Ấn Độ nhưng tình trạng này vẫn tiếp tục lan rộng. Ngoài ra, hình phạt lột quần áo cũng còn khá phổ biến khi vào tháng 3-2017, hàng chục phụ huynh kinh hoàng phát hiện 70 bé gái 10 tuổi bị ép cởi quần áo tại trường để kiểm tra kinh nguyệt.
Theo Bảo Hạnh (Nld.com.vn)