Lấy khủng bố 11-9 làm đề toán, trường học Mỹ phải xin lỗi

04/11/2017 10:20:20

Một trường trung học ở Massachusetts vừa chính thức xin lỗi về đề toán bài tập về nhà liên quan vụ tấn công khủng bố 11-9 bị dư luận phản ứng.

Lấy khủng bố 11-9 làm đề toán, trường học Mỹ phải xin lỗi
Đề bài tập toán gây bức xúc của giáo viên đại số trường trung học Newburyport ở Massachusetts, Mỹ - Ảnh: FOX NEWS

Theo đài Foxnews (Mỹ), giáo viên đại số của Trường trung học Newburyport đã ra bài tập toán về nhà cho học sinh với nội dung sau: Chuyến bay 175, một trong các máy bay trong vụ tấn công ngày 11-9, đang bay với tốc độ 586 dặm/giờ thì lao vào Trung tâm Thương mại Thế giới sau khi đã đi được 440 dặm. Câu hỏi đặt ra là máy bay đã ở trong không trung bao nhiêu phút.

Nhiều phụ huynh học sinh trường này đã rất phẫn nộ sau khi biết nội dung bài toán. "Tôi nghĩ nó hoàn toàn không phù hợp", bà Paula Quill, một phụ huynh nói. "Tôi hoàn toàn không chấp nhận được".

Tuy nhiên điều khiến vấn đề trở nên căng thẳng hơn là ngôi trường Newburyport này cũng có mối liên hệ đặc biệt với thảm kịch xảy ra năm 2001. Anh Tom Pecorelli, một học sinh tốt nghiệp từ trường này, đã thiệt mạng trong vụ tấn công khủng bố 11-9.

Chị Angela Wadleigh, em gái của Tom Pecorelli cho biết chị rất bất bình trước cách giáo viên đưa nội dung này vào bài tập toán.

Chị nói: "Có hàng ngàn ví dụ để người ta có thể đưa vào bài toán, nhưng không ai nên sử dụng ví dụ này", chị nói. Cũng theo chị Wadleigh, khi biết chuyện, ngay lập tức chị nhớ lại những ký ức đau lòng nhất của gia đình.

"Nó có thể đã xảy ra 16 năm trước, nhưng với chúng tôi, nó chỉ như mới 16 phút trước. Đó là điều người ta chưa từng trải qua", chị Wadleigh nói, cũng cho rằng người giáo viên kia đã nợ chị và những gia đình nạn nhân trong vụ khủng bố 11-9 một lời xin lỗi.

Trong văn bản xin lỗi của nhà trường sau vụ việc, hiệu trưởng Susan Viccaro cho biết bài tập toán đã không có ý xúc phạm hay gây tổn thương tới mọi người.

Theo bà, đó chỉ là do người giáo viên đã đánh giá chưa đúng mức độ sự việc khi muốn sử dụng một sự kiện lịch sử để các học sinh suy nghĩ và thảo luận nghiêm túc hơn.

Theo D.Kim Thoa (Tuổi Trẻ)

Nổi bật