Mọi cuộc xung đột đều dẫn tới việc cần phải đè bẹp kẻ thù bằng xe bánh xích. T-72 và T-90 là những cỗ xe tăng tuyệt vời. Nhưng không phải vĩnh cửu!
«Terminator» và BMPT-72 được cử tới Syria để làm gì. Và nhiều điều khác nữa liên quan tới đề tài rất thú vị này.
- Ông là một chuyên gia độc lập, sống và làm việc tại Nizny Tagil, có lẽ bởi vậy ông gần gũi với đề tài «Armata», với đề tài chế tạo chiếc xe tăng thế hệ mới của chúng ta. Ông có thể chia sẻ về tiến triển công việc này như thế nào?
- Không có gì bí mật, các xe tăng của chúng ta đã lỗi thời cả về thể chất lẫn tinh thần. Ngay cả chiếc xe tăng nổi danh như T-90 cũng vậy. Những công tác cải tiến đội xe tăng T-72 đang được thực hiện chỉ là giải pháp tình thế.
Nó giúp chúng ta tiết kiệm chi phí để giữ được hiện trạng có thể chấp nhận được của đội xe tăng. Nhưng tôi xin nhắc lại, đây chỉ là giải pháp tình thế, không hơn. Đối với quân đội Nga, tất cả hi vọng đặt vào chiếc xe tăng "Armata".
Chỉ nó mới giúp chúng ta bứt phá khỏi NATO trong lĩnh vực vũ khí dành cho lục quân. Như đã biết, các xe tăng là lực lượng chủ lực của lục quân. Chúng "kéo theo" tất cả những loại vũ khí khác.
Những vũ khí hiện đại nhất của Lục quân Nga đã được đưa ra trình diễn trong Lễ duyệt binh mừng chiến thắng 2015. |
Hiện nay, hàng chục chiếc xe tăng T-14 đang trong quá trình thử nghiệm tại các đơn vị nhằm mục đích đẩy nhanh quá trình khai thác, nhanh chóng thu thập số liệu về những khiếm khuyết, các lỗi khác nhau, và tất nhiên, xử lý chúng một cách nhanh nhất.
Theo tôi được biết, nếu như mọi thứ diễn ra như hiện giờ, thì đến năm 2018 chúng ta sẽ có khoảng gần 100 chiếc Armata được bàn giao cho các đơn vị.
Xe tăng, xe chiến đấu bộ binh hạng nặng và xe hỗ trợ kỹ thuật sẽ được bàn giao cho quân đội và sẽ được sản xuất hàng loạt.
Nếu các bạn còn nhớ, tại các đơn vị chúng ta phải có khoảng 2300 chiếc xe tăng trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu, còn tổng thống đã chỉ đạo đó phải là những mẫu xe tăng thực sự tối tân nhất. Có nghĩa là phải triển khai sản xuất «Armata» hàng loạt.
- Ông đã nhắc, ngoài T-14, còn xe chiến đấu bộ binh hạng nặng và xe kéo-cứu hộ. Có thêm khí tài nào được chế tạo trên nền tảng «Armata» nữa hay không?
- Chính thế mới gọi là nền tảng. Theo như tôi biết, bộ phận thiết bị chuyên dụng của "Uralvagonzavod" đề xuất Bộ Quốc phòng 28 mẫu khác nhau trên khung sườn hạng nặng này.
Đó không phải là bí mật. Thông tin này nhiều lần được các đại diện của "Uralvagonzavod" đưa ra. Tuy nhiên, vì lý do chưa rõ, Bộ Quốc phòng chỉ hạn chế bởi 3 mẫu nêu trên.
Căn cứ vào việc thiết kế của từng mẫu, dù trên một khung sườn cơ sở, vẫn mất một thời gian nhất định, và kéo dài, nên quyết định này không thể gọi là có tầm nhìn dài hạn. Ngay bây giờ, Bộ Quốc phòng nên đặt hàng toàn bộ các dòng xe mà thiếu chúng thì Nga không thể được coi là quân đội hiện đại.
Không thể hoàn thành công việc này trong 1-2 năm. Hiện giờ, trong bối cảnh công nghệ phức tạp, thời gian chế tạo một mẫu xe thiết giáp có lẽ phải mất ít nhất 5 năm.
- Vậy «Uralvagonzavod» đề xuất điều gì? Ông có thể đưa ra những ví dụ?
- Theo quan điểm của tôi, hiện nay đối với quân đội, căn cứ vào kinh nghiệm tại Syria và thậm chỉ cả tại Ukraine, các xe hỗ trợ hoả lực có lẽ là vô cùng cần thiết. «Uralvagonzavod» đã đề xuất hai mẫu trên cơ sở xe tăng T-72/T-90 – đó là BMPT (xe hỗ trợ chiến đấu cho xe tăng) «Terminator» và BMPT-72.
Theo tôi được biết, quân đội Syria sẽ sẵn lòng mua và sử dụng những chiếc xe này. Chúng được chế tạo để dành cho những điều kiện đó.
Mặt khác, Syria hiện nay không có khả năng mua chúng. Cá nhân tôi không nhìn thấy bất cứ rào cản nào đối với việc Quân đội Nga mua chúng. Chỉ cần có mong muốn. Hiện giờ có cơ hội đặc biệt để chạy thử và đánh giá hiệu quả của xe BMPT tại Syria.
Tại sao nó không được sử dụng trong quân đội của chúng ta, tôi vẫn không hiểu. Điều này liên quan tới các xe hỗ trợ được trang bị vũ khí tự động nòng nhỏ.
Nhưng «Uralvagonzavod» đề xuất một thứ nghiêm túc hơn nhiều – đó là «Xe pháo chiến đấu» (BAM) hay gọi cách khác là «Xe tăng tấn công».
Về ý nghĩa, đây là loại vũ khí tự hành, nhưng có hệ thống phòng vệ hạng nặng để đi tiên phong trong hàng ngũ xe tăng và bộ binh. Có lẽ, tôi sẽ chú trọng tới sự cần thiết phải có xe cứu thương-quân y tuyến đầu.
Lấy ví dụ, quân đội Mỹ vượt xa quân đội Nga về tốc độ đưa người bị thương từ tuyến đầu tới bàn phẫu thuật. Điều này sẽ giúp hạn chế đáng kể thiệt hại về người. Hiện nay, Bộ Quốc phòng sẽ tiến hành mở thầu thiết kế những xe cứu thương kiểu này.
Một mẫu xe dự kiến sẽ thiết kế trên cơ sở xe ô tô, mẫu thứ hai trên khung sườn xe chiến đấu bộ binh. Nhưng trong cả hai mẫu, vì khả năng phòng vệ kém trước hoả lực của đối phương, các xe này không thể sơ tán người bị thương ngay dưới làn đạn.
Và vì nhiều lý do khác nhau, giai đoạn đầu của gói thầu không được công nhận. Tại sao Bộ Quốc phòng từ chối khả năng chế tạo loại khí tài này trên khung sườn "Armata" – loại khung sườn thích hợp nhất, câu hỏi lại dành cho Bộ Quốc phòng giải đáp.
- Có thể Bộ Quốc phòng không có tiền? Đang có nhiều câu chuyện xung quanh việc cắt giảm ngân sách, về sự đối đầu với Bộ Tài chính…
- Trên thực tế không ai cắt giảm ngân sách của Bộ Quốc phòng. Đúng ra là đang cố gắng. Nhưng nói chung, Bộ Quốc phòng không gặp vấn đề về tiền bạc. Mặt khác, đang diễn ra việc tái phân bổ trong nội bộ. Chúng ta luôn phân bổ cho lục quân theo nguyên tắc "số tiền còn lại".
Hiện nay, tình hình ngày càng trở nên tồi tệ - hạm đội, phòng không và không quân kéo về mình rất nhiều tiền. Đặc biệt là hạm đội! «Thuỷ thủ» là «kẻ thù» chính của «lính xe tăng». Họ chi ra những số tiền không tương xứng.
Lấy ví dụ, chi phí hiện nay cho «Đô đốc Kuznetzov» tới lãnh hải Syria nhiều tới mức tất cả lực lượng Lục quân có thể cả năm trời không chui ra khỏi các cuộc tập trận.
Nói chung, không quân cũng lãnh đủ… họ cũng bắt đầu gặp phải nhiều vấn đề. Mặt khác, các máy bay và xe tăng của chúng ta dù đang lỗi thời, nhưng vẫn ở mức độ cần thiết, và vẫn còn khá đủ. Còn với các tàu chiến, trong vòng vài chục năm gần đây mọi thứ vô cùng tồi tệ.
Bởi vậy, hiện nay chúng được ưu tiên. Nhưng vẫn là vấn đề thời gian chế tạo. Các tàu chiến, đặc biệt là đẳng cấp loại 1 thì phải đóng mất 10 năm trở lên.
- Về nguyên lý, các doanh nghiệp công nghiệp quốc phòng tồn tại trong điều kiện kinh tế hiện đại ra sao?
- Tất nhiên, rất không hề đơn giản. Hãy nhìn xem, đơn đặt hàng quốc phòng – gần như không có lãi. Còn nếu tính cả những hoạt động tiếp thị như tham gia vào các triển lãm chẳng hạn, hoặc các lễ duyệt binh, thì chắc chắn sẽ lỗ.
Mặt khác, hoạt động xuất khẩu mà đáng lẽ phải mang lại tiền để phát triển lại được thực hiện thông qua công ty môi giới – công ty «Rosoboronexport». Và không nhìn thấy tương lai. Kể cả từ những thông tin công khai có thể thấy rõ rằng, đơn đặt hàng quốc phòng đối với xe thiết giáp lúc tăng, lúc giảm… Lên kế hoạch ở đây như thế nào?
Cũng giống như xuất khẩu, chúng ta có thể tự nhận thấy ở đây sự quan liêu ra sao và để ký được các hợp đồng khó khăn như thế nào.
- Điều đó có ảnh hưởng tới «Armata» hay không? Có vấn đề gì với T-14 và những xe thiết giáp khác trên khung sườn "Armata" hay không?
- Mọi thứ đều theo đúng kế hoạch, nhưng nếu xảy ra công tác tái tổ chức nào đó liên quan tới «Uralvagonzavod» thì điều đó có thể đặt dấu chấm hết cho «Armata».
- Tại sao?
- Bởi vì giai đoạn chuyển giao phải mất từ 2-3 năm. Trong thời gian này sẽ không ai làm gì. Những công việc liên quan tới chiếc xe tăng này hiện giờ dự kiến sẽ hoàn tất vào cuối năm 2017 - đầu năm 2018. Nếu hai năm ngồi không – sẽ hoàn tất vào năm 2020.
Tôi nghi ngờ rằng, nếu đội quản lý mới lên tiếp quản, «Armata» sẽ bị khép lại một cách nhẹ nhàng giống như đề án 195 (mẫu xe tăng T-195) trước đây. Và 15-20 năm nữa chúng ta sẽ lại không có xe tăng thế hệ mới.
Hiện giờ, dù «Uralvagonzavod» gặp nhiều vấn đề, công tác sản xuất «Armata» hàng loạt đã được chuẩn bị. Công tác cải tiến nhiều dây chuyền đã được hoàn tất, có thứ phải lắp đặt mới hoàn toàn. Tất cả những thứ này đều bằng tiền đi vay. Vậy từ đâu mà Uralvagonzavod lại nợ nhiều đến thế?
Mục đích mà ông Sienko (tổng giám đốc Uralvagonzavod) đặt ra - đó là bằng mọi giá phải đảm bảo việc thực hiện nhiệm vụ quan trọng quốc gia – thiết kế và chuẩn bị cho công tác sản xuất chiếc xe tăng mới. Tôi cho rằng, họ đã làm tốt nhiệm vụ này.
Còn từ phía một vài cơ quan nhà nước thì lại cho thấy sự thiếu thiện chí trong việc hỗ trợ doanh nghiệp này thực hiện nhiệm vụ đó.
Điều tối đa mà Chính phủ chấp thuận đó là cấp bảo lãnh chính phủ và chỉ một phần – nhà nước chưa bao giờ bảo lãnh toàn phần. Thế nào gọi là bảo lãnh chính phủ? Đó chỉ là bảo lãnh các khoản vay và cho chậm thanh toán trong vài năm.
Có nghĩa là «Uralvagonzavod» chỉ cắm đầu vào thực hiện chương trình cải tiến và chuẩn bị sản xuất. Còn khi nào trả nợ và bằng gì? Chỉ khi nào chính phủ mua "Armata". Đó là những gì cá nhân tôi cảm nhận.
- Không lẽ mọi thứ lại nghiêm trọng đến vậy?
- Tất nhiên là không, người ta sẽ không để «Uralvagonzavod» phải chết. Sẽ liên kết với ai đó, sáp nhập, lựa chọn đội ngũ quản lý mới. Nhưng tất cả những thứ này sẽ khiến chúng ta mất thời gian và nguồn lực.
Bản thân Chính phủ khi đó sẽ phải thanh toán các khoản nợ bảo lãnh của nhà máy này cho các ngân hàng. Nhưng nhà nước sẽ có được chiếc xe tăng mới – sự đảm bảo cho an ninh quốc gia. Nếu không sẽ phải chiến đấu bằng những gì hiện có.
Chúng ta có đầu tư bao nhiêu vào hạm đội thì cũng không bao giờ theo kịp được hạm đội của Mỹ. Và không chỉ của Mỹ. Nếu như xem xét một cách riêng lẻ thì hạm đội của Nhật Bản cũng đang và sẽ vượt trội so với hạm đội Thái Bình Dương của chúng ta.
Các hạm đội của Châu Âu đang và sẽ vượt trội tất cả các hạm đội chúng ta đang có ở Biển Bắc, Biển Baltic và thậm chí cả Biển Đen.
Thật nực cười khi nghe các tuyên bố từ những phương tiện truyền thông tung hô lòng yêu nước của chúng ta về việc một chiếc tàu mang tên lửa hạng nhẹ nào đó với 8 quả "Calibr" ra khơi để tuần tra trên Địa Trung Hải, trong khi người Mỹ mang tới đó cả một hạm đội đúng nghĩa với các tàu sân bay, tàu tuần dương và hàng loạt các khí tài khác.
Tôi nói điều này bởi vì Nga là một cường quốc về lục quân. Mọi cuộc xung đột đều dẫn tới việc cần phải đè bẹp kẻ thù bằng xe bánh xích. T-72 và T-90 là những cỗ xe tăng tuyệt vời. Nhưng không phải vĩnh cửu!
Cần phải hiểu rõ điều này, và trước tiên, các quan chức nhà nước cần phải hiểu. Chúng ta cần chiếc xe tăng mới như cần không khí để thở! Có nhiều người từ lâu đã biết rằng, tôi không phải là kẻ hâm mộ cuồng tín đối với "Armata".
Không có gì là tuyệt đối – luôn có cái gì đó để chỉ trích. Nhưng… Chúng ta vẫn cần chiếc xe tăng này. Rất cần. Cần từ 5 năm trước! Và đẩy lùi thời gian bổ sung các xe tăng này cho quân đội tới vài năm – tôi cho rằng đó là tội ác!
- Nhưng có phải toàn những kẻ "ăn hại" đang ngồi ở "Rostech" đâu…
- Tôi đồng ý… Nhưng yếu tố quan liêu trong chuyển đổi sở hữu vẫn chưa ai bãi bỏ và sẽ không bãi bỏ - đó là sự thật khách quan ở Nga. Và không phải nhà máy này và các xe tăng này sẽ được "Rostech" coi là hướng ưu tiên và phải được quan tâm đặc biệt.
Ở đó có 17 tập đoàn liên kết khoảng gần 700 công ty. Mặt khác, "Uralvagonzavod" phải được tăng cường bằng các cổ đông, biến nó từ tổng công ty thành một tập đoàn mạnh thực sự. Hiện nay ở đó đang xảy ra tình trạng trớ trêu – tổng công ty có 30 công ty thành viên, nhưng liên kết với nhau bằng nhà máy chứ không phải công ty điều hành.
Từ đó thường xuyên nảy sinh những xung đột lợi ích của các doanh nghiệp sản xuất mà cần phải nỗ lực để giải quyết. Tất cả có lẽ sẽ dễ dàng hơn nếu như đứng đầu là công ty điều hành.
Thêm nữa, nếu như cổ phần của các doanh nghiệp đóng tàu và chế tạo hàng không đã hợp nhất toàn bộ trong khuôn khổ các tập đoàn liên kết tương ứng thì những gì liên quan tới lĩnh vực quan trọng hơn cả trên quan điểm khả năng quốc phòng của một quốc gia – lĩnh vực lục quân, lại hỗn loạn và thiếu đồng bộ. "Uralvagonzavod" chỉ hợp nhất một số các cổ phần.
Còn lấy ví dụ như Kurganmash (chế tạo xe BMP), Nhà máy Volgogradsky (chế tạo xe BMD) và thậm chí một trong những đơn vị hàng đầu trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học là Viện Nghiên cứu khoa học Thép, lại do một doanh nghiệp tư nhân "Nhà máy chế tạo máy kéo" quản lý.
Có một số doanh nghiệp cũng hoạt động trong lĩnh vực chế tạo vũ khí cho lục quân nhưng lại nằm dưới sự quản lý của "Rostech". Đây là vấn đề lịch sử. Nhưng theo suy nghĩ của tôi, tất cả những thứ đó là không đúng.
- Ông có thể giải thích tại sao?
- Hãy thử nhìn xem điều gì đang diễn ra: "Uralvagonzavod", khi là doanh nghiệp nhà nước, chưa bao giờ không thực hiện các đơn đặt hàng quốc phòng, hơn nữa, còn thường xuyên vượt tiến độ. Thế nhưng tại "Kurganmash" tình hình hoàn toàn trái ngược.
Không ít lần Bộ Quốc phòng phải cảnh cáo về thời hạn bàn giao. Tại sao lại có sự khác nhau như vậy? Rất đơn giản thôi. Cả hai doanh nghiệp không chỉ phục vụ Bộ Quốc phòng Nga, mà còn xuất khẩu. Mà sản phẩm của 2 doanh nghiệp này (T-90 và BMP-3) lại rất được ưa chuộng trên thị trường.
Nhưng "Uralvagonzavod" ưu tiên thực hiện đơn đặt hàng quốc phòng thay vì kiếm ngoại tệ để thanh toán các khoản nợ. Có nghĩa là việc thực hiện các đơn đặt hàng quốc phòng gần như không mang lại lợi nhuận, nhưng đó là trách nhiệm trước Tổ quốc, trước Các lực lượng vũ trang Nga.
Còn đối với "Kurganmash" thuộc "Nhà máy chế tạo máy kéo", vì là doanh nghiệp tư nhân, trước tiên, theo suy nghĩ của tôi, họ quan tâm nhiều hơn tới lợi nhuận.
Bởi vậy, BMP-3 dành cho quân đội Nga là ưu tiên thứ yếu đối với "Kurganmash". Ưu tiên chính là thực hiện các hợp đồng xuất khẩu. Tôi không nói rằng điều đó rất tồi. Tôi không nói rằng hiện giờ cần phải đưa tất cả về "Uralvagonzavod".
Tất nhiên không phải vậy. Mỗi một doanh nghiệp đều có đặc thù của mình, lợi ích của mình và nhiệm vụ của mình. Điều này cũng cần phải tính đến.
Theo Quang Huy (Soha.vn/Trí Thức Trẻ)