Cái ôm giữa Bình Nhưỡng của lãnh đạo 2 miền Triều Tiên
Lãnh đạo ba tập đoàn lớn nhất Hàn Quốc, gồm Lee Jae-yong – Phó chủ tịch Samsung, Chey Tae-won – Chủ tịch SK và Chủ tịch LG - Koo Kwang-mo đến Triều Tiên cùng Tổng thống Moon Jae-in hôm nay (19/8), theo nguồn tin từ Nhà Xanh.
Ba nhân vật này đều nắm quyền tuyệt đối trong các quyết định đầu tư tại doanh nghiệp của mình. Đây cũng là lần đầu tiên có một thành viên trong gia đình sở hữu Samsung đến Bình Nhưỡng.
Ông Chung Eui-sun – Phó chủ tịch, người thừa kế của Hyundai Motor Group cũng được Nhà Xanh mời đi nhưng không thể tham dự vì có cuộc họp với Bộ trưởng Thương mại Mỹ - Wilbur Ross. Do đó, Kim Yong-hwan – Phó chủ tịch Hyundai Motor thay thế ông Chung.
Trước khi khởi hành, Phó chủ tịch Lee đã họp giờ chót với các CEO Rhee In-yong và Chung Hyun-ho về các kế hoạch kinh doanh có thể của Samsung tại Triều Tiên cũng như chốt thông điệp về chuyến thăm Bình Nhưỡng này. Nhờ cựu Phó chủ tịch Samsung - Yun Jong-yong, người từng tháp tùng cựu tổng thống Kim Dae-jung và Roh Moo-hyun tới Triều Tiên hai lần năm 2000 và 2007, Lee cũng hiểu được các cơ hội kinh doanh tiềm năng, bao gồm việc thiết lập một khu công nghiệp tập trung vào điện tử tại phía Bắc.
Giới phân tích nhận định, chuyến đi này sẽ là một cơ hội cho các lãnh đạo chaebol có những ý tưởng ban đầu về kế hoạch kinh doanh tại Triều Tiên khi tình hình chính trị được cải thiện.
Trong khi đó, Nhà Xanh thừa nhận, chuyến đi Bình Nhưỡng lần này là cơ hội để các doanh nghiệp chuẩn bị cho tương lai, thay vì thiết lập các hoạt động kinh doanh ngay lập tức.
“Lãnh đạo của bốn tập đoàn trên đã đến Bình Nhưỡng vào năm 2000 và 2007. Tôi nghĩ kinh tế sẽ hòa bình hơn sau khi thỏa thuận phi hạt nhân hóa diễn ra suôn sẻ, các doanh nghiệp đã chuẩn bị rất nhiều cho điều này”, Im Jong-seok, Tổng thư ký của Tổng thống Hàn Quốc cho biết.
Trong khi đó, giáo sư Lee Byung-tae tại Viện Khoa học và Công nghệ Hàn Quốc nhận định, cần phải tiếp cận thận trọng trong hợp tác kinh tế. “Chính phủ hiện vẫn có xu hướng nỗ lực để đạt được các mục tiêu chính trị với những biện pháp trừng phạt Triều Tiên vẫn còn hiệu lực. Nếu không có các đánh giá về pháp lý, các doanh nghiệp sẽ không thể hành động”, ông Lee cho hay.
Tại hội nghị thượng đỉnh liên Triều năm 2000 và 2007, CEO Samsung Electronic khi đó - Yun Jong yong tháp tùng cựu Tổng thống Kim Dae Jung và Roh Moo Hyun tới miền Bắc. Chủ tịch SK - Chey Tae Won, Chủ tịch Hyundai Motor Chung Mong Koo và Chủ tịch Hyundai Group – Hyun Jeong Eun cũng đến Bình Nhưỡng trong chuyến thăm năm 2007.
Theo Nhà Xanh, hội nghị thượng đỉnh lần này không chỉ tập trung vào vấn đề phi hạt nhân hóa mà còn bàn luận về việc thiết lập “một bản đồ kinh tế mới” cho bán đảo Triều Tiên. Lãnh đạo các tập đoàn phía Hàn Quốc có thể đến thăm các khu công nghiệp lớn tại Triều Tiên.
Do các lệnh trừng phạt quốc tế với Triều Tiên, các tập đoàn Hàn Quốc đã dừng hoạt động tại phía Bắc năm 2010, ngoại trừ khu công nghiệp Kaesong – nơi tập trung chủ yếu các doanh nghiệp nhỏ. Tuy nhiên, Kaesong cũng bị đóng cửa năm 2016.
Trước đây, giai đoạn 1999 – 2010, Samsung từng vận hành các dự án sản xuất tivi, điện thoại cố định, dệt may tại Bình Nhưỡng. Trong khi đó, LG cũng có một dự án láp ráp tivi tại đây từ năm 1996 đến 2009.
Một nhà phân tích cho rằng, hợp tác kinh tế giữa Hàn Quốc và Triều Tiên vẫn chưa chắc chắn. "Còn rất rủi ro với các công ty toàn cầu của Hàn Quốc khi nghĩ đến việc kinh doanh tại Triều Tiên vì các lệnh cấm vận", ông nói.
Ngoài lãnh đạo ba tập đoàn lớn nhất Hàn Quốc, Choi Jeong-woo – Chủ tịch Posco, Lee Jae-woong – CEO SoCar, Shin Han-yong – Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp khu công nghiệp Kaesong, Oh Young-sik – Chủ tịch Tập đoàn đường sắt, Ahn Young-bae – Chủ tịch Tổng cục Du lịch, Kim Jong-gap – Chủ tịch công ty Điện lực và Lee Dong-geol – Chủ tịch Ngân hàng Phát triển Hàn Quốc cũng tới Bình Nhưỡng lần này. Những quan chức này dự kiến sẽ gặp Ri Yong-nam – Phó thủ tướng phụ trách kinh tế của Triều Tiên.
Theo Anh Tú (VnExpress.net)