Phong thủy học là một học thuyết phức tạp và thâm sâu. Người xưa vô cùng tin vào quan niệm về phong thủy. Theo đó, nghề xem phong thủy là một công việc được kính trọng và tôn sùng. Thế nhưng, thời đại ngày một phát triển, thầy phong thủy dần mất đi danh tiếng và trở nên ít ỏi.
Thôn Tam Liêu là thôn trang có lịch sử vô cùng lâu đời (nay thuộc huyện Hưng Quốc, thành phố Cám Châu, tỉnh Giang Tây, Trung Quốc). Vào cuối thời kỳ nhà Thanh, một thầy phong thủy nổi tiếng là Dương Cứu Bần đến định cư ở thôn Tam Liêu, sau đó nhận học trò để truyền nghề. Theo đó, thôn Tam Liêu ngày càng xuất hiện rất nhiều thầy phong thủy tài giỏi.
Được biết, Dương Cứu Bần chọn thôn Tam Liêu để làm nơi định cư là vì ông đã nhìn ra được phong thủy ở nơi đây vô cùng đắc địa, có thể khiến cho con cháu đời sau đăng tổ làm quan, ấm no hạnh phúc.
Sau khi quan sát kĩ càng, Dương Cứu Bần phát hiện địa hình của thôn Tam Liêu là dạng vùng đất trũng, thung lũng phì nhiêu, có sông núi bao quanh.
Điều đặc biệt hơn là trong vùng trũng có ngọn núi đá nhô cao, vây quanh là rừng cây tùng rậm rạp và những tảng đá lớn. Dương Cứu Bần cho rằng nơi đây có địa thế hội tụ linh khí, thích hợp để con cháu về sau sinh sống ấm êm nên đã quyết định cư ngụ tại thôn trang này.
Trước đó, thôn trang không hề có tên là Tam Liêu. Một câu chuyện truyền tai nhau đó là vì Dương Cứu Bần đã dựng ba ngôi nhà tranh ở trung tâm thung lũng nên dần dần thôn trang mới lấy tên thành thôn Tam Liêu.
Dương Cứu Bần lo lắng kiến thức phong thủy sẽ không có ai kế thừa và dần bị quên lãng nên đã kêu gọi nhận học trò để truyền nghề, hy vọng bộ môn nghệ thuật này sẽ được lưu truyền mãi mãi.
Phong thủy học được lưu truyền qua các thế hệ
Dưới sự ảnh hưởng của Dương Cứu Bần, hầu hết mọi gia đình trong thôn Tam Liêu đều có thể xem phong thủy và thậm chí phong thủy học còn trở thành nét văn hóa không thể thiếu trong thôn.
Từ đó, học thuyết phong thủy đã được tiếp thu, tích lũy qua từng thế hệ và ngày một phát triển. Người trong thôn Tam Liêu đã nghiên cứu phong thủy đến trình độ thâm sâu hơn. Những thầy phong thủy của thôn Tam Liêu đã đưa học thuyết gia truyền đến những vùng xa hơn của Trung Quốc và thậm chí còn vươn ra ngoài những nước châu Á khác.
Thời đại ngày một phát triển, con người bắt đầu chú trọng hưởng thụ cuộc sống tinh thần. Phong thủy học ở thôn Tam Liêu đã hấp dẫn không ít người đến học tập và tìm hiểu. Nhiều người còn đến thôn để thỏa mãn sự hiếu kì và niềm tin vào tâm linh huyền bí.
Bên cạnh đó, còn có đông đảo du khách đến thôn để trải nghiệm và cảm nhận nét văn hóa độc đáo này của dân tộc Trung Quốc.
Thuận theo trào lưu để xây dựng giáo trình phong thủy
Hiện tượng nhiều người đến thôn Tam Liêu để tìm hiểu về phong thủy đã khiến cho người dân nơi đây phát hiện được cơ hội thương mại to lớn. Người dân đã mở những khóa học đào tạo cho du khách, đồng thời áp dụng hình thức tuần tự để người học tiếp thu được tri thức phong thủy. Giáo trình bao gồm 2 phần là lý thuyết và thực hành.
Trong đó phần thực hành khá phức tạp. Học sinh phải theo giáo viên đến những địa điểm thực tiễn để nhận biết địa thế, cây cối, hướng gió,… và tất cả những phán đoán sự vật theo học thuyết phong thủy khác.
Một khóa đào tạo kéo dài nửa tháng. Sau khi khóa học kết thúc, học sinh có thể giữ liên lạc với giáo viên bằng những ứng dụng online để hỏi đáp khi cần thiết.
Cách thức kiếm tiền bằng các khóa học phong thủy đã khiến cho không ít bậc tiền bối trong thôn phải lên tiếng phản bác, vì họ cho rằng học thuyết phong thủy là một môn tri thức cao thâm và huyền diệu, muốn nắm vững trong một thời gian ngắn là chuyện không thể. Từ đó, họ tin rằng hệ lụy của các khóa học ngắn hạn là dẫn đến tiếng xấu bại hoại cho thôn trang Tam Liêu.
Nghề thầy phong thủy có thu nhập khủng
Phong thủy học là nét văn hóa truyền thống độc đáo của Trung Quốc. Bên cạnh đó, có nhiều người cho rằng đây chỉ là một sự mê tín dị đoan, một học thuyết dùng để "mị dân", mê hoặc và lừa lọc người khác mà thôi.
Thôn Tam Liêu phát triển đến nay đã có hơn 400 thầy phong thủy trong thôn. Mặc dù hiện nay đã là thời đại của chủ nghĩa duy vật, người tin tưởng vào phong thủy học đã giảm đi rất nhiều, nhưng trên thực tế vẫn có không ít người luôn có niềm đam mê với quan niệm phong thủy huyền bí.
Theo tư liệu lịch sử ghi lại, những cuộc tìm kiếm bảo tàng, báu vật hoặc tìm người,… ở Trung Quốc thời xưa đa số sẽ tìm đến thầy phong thủy để xin giúp đỡ.
Đến hiện tại, những vết tích về phong thủy vẫn còn hiện hữu qua các kiến trúc hạ tầng, mộ huyệt,... Theo đó, nghề xem phong thủy có thu nhập mỗi năm lên đến 2 triệu NDT (hơn 7 tỷ VND).
Theo sự phát triển của thôn Tam Liêu, những thầy phong thủy phải tuân theo quy định bất thành văn như sau: Phải nộp tiền thu nhập xem phong thủy cho thôn, cống hiến hết mình cho thôn trang. Từ một ngôi làng Tam Liêu vô danh đã có thể nuôi dưỡng mười mấy thế hệ chỉ bằng nghề xem phong thủy.
Trở thành điểm du lịch, thu hút khách tham quan
Số lượng đông đảo người đến học phong thủy đã tác động đến tiềm năng thương mại hóa và du lịch cho thôn Tam Liêu. Người dân nơi đây bắt đầu xây dựng những khu dịch vụ để phát triển thôn trang trở thành điểm du lịch.
Các khóa học phong thủy chỉ cung cấp bài học và không cung cấp nơi ở. Từ đó, người dân đã xây dựng những nhà nghỉ thu phí và hàng loạt các quán ăn để tiến hành hòa nhịp phát triển cho thôn trang.
Đồng thời, một điểm kích thích du lịch phải kể đến nữa là phong cảnh của thôn Tam Liêu vô cùng đặc sắc với địa hình sông núi bao quanh và ngọn núi đá chính giữa thung lũng. Địa thế độc đáo gắn liền với sự ma mị của học thuyết phong thủy càng kích thích sự hiếu kì của du khách đến tham quan hơn.
Lượng khách du lịch đến thôn Tam Liêu không ngừng gia tăng đã mang lại lợi nhuận kinh tế to lớn. Nhìn thấy được tương lai phát triển của thôn Tam Liêu, chính quyền địa phương đã cung cấp những chính sách tương ứng để hỗ trợ cho thôn.
Bằng cách khai thác tiềm lực phong thủy học, thôn Tam Liêu dần dần trở nên nổi tiếng với danh xưng Phong Thủy Đệ Nhất Thôn. Cùng với xã hội ngày một phát triển, thôn trang phong thủy này càng trở nên phồn vinh và hưng thịnh. Theo đó, sự tính toán khi xưa của Dương Cứu Bần đã ứng nghiệm: Thôn Tam Liêu quả là nơi để con cháu được sống trong ấm no.
(Nguồn: 163)
Theo Phan (Pháp Luật & Bạn Đọc)