Đang có làn sóng phụ nữ trẻ Trung Quốc sang Mỹ để đông lạnh trứng, trong khi chính phủ Trung Quốc cấm dịch vụ này đối với họ.
Trứng của phụ nữ được đông lạnh |
Việc gây mê đã xong, Lu Yi dần dần thiếp đi. 30 phút sau, một bác sĩ lấy 8 trứng từ cơ thể của cô Lu và chuyển tới một phòng lưu trữ nitơ lỏng để đông lạnh chúng.
Cô Lu có bằng kinh doanh từ trường đại học Stanford và thành lập một công ty ở Thượng Hải, kết nối các bệnh nhân ung thư Trung Quốc với các chuyên gia y tế ở Mỹ. Nhưng giống như nhiều phụ nữ khác, cô Lu cảm thấy khó khăn khi theo đuổi cả sự nghiệp và gia đình cùng một lúc.
"Tôi biết tôi cần có gia đình và những đứa con, nhưng chắc chắn không phải bây giờ", cô Lu - người vẫn còn độc thân nói, theo New York Times hôm 30.8.
Vì vậy, năm 2015, ở tuổi 34, cô đã quyết định đi đông lạnh trứng. Trung Quốc không cho phép phụ nữ chưa lập gia đình làm việc này; vì vậy cô bay sang California (Mỹ).
Không phải chỉ có Lu mà nhiều phụ nữ độc thân Trung Quốc tham gia trào lưu ra nước ngoài đông lạnh trứng như một cách để bảo tồn nòi giống của mình.
Trào lưu này xuất hiện ở Trung Quốc hồi năm ngoái khi nữ diễn viên Từ Tịnh Lôi khoe trên mạng xã hội Weibo của Trung Quốc rằng cô đã đông lạnh trứng ở Mỹ hồi năm 2013.
"Đây là lần đầu tiên nhiều người biết đến công nghệ này. Nếu cô ấy (Từ Tịnh Lôi) có thể làm được, tại sao tôi không thể?", cô Lu tâm sự.
Theo Ủy ban Y tế và Kế hoạch hóa gia đình Trung Quốc, các công nghệ hỗ trợ sinh sản không áp dụng đối với "phụ nữ độc thân và các cặp vợ chồng không tuân thủ các quy định về kế hoạch hóa gia đình". Ngay cả phụ nữ đã lập gia đình muốn có được dịch vụ này phải cung cấp bằng chứng đã kết hôn, giấy phép sinh con và bằng chứng vô sinh hoặc các phương pháp điều trị y tế có thể làm giảm khả năng sinh sản như hóa trị liệu.
Nhiều phụ nữ Trung Quốc sang Mỹ để đông lạnh trứngTHE TELEGRAPH |
"Hiện vẫn còn thiếu sự quan tâm cho công nghệ sinh sản, vì chính phủ đang phải lo các tác động tiêu cực về chính sách dân số và cả thị trường đen mua bán trứng", bà Wang Hongxia, nhà nghiên cứu tại Viện Khoa học xã hội Thượng Hải, nói.
Bà Wang trình bày suy nghĩ và kinh nghiệm của riêng mình liên quan đến vấn đề này trên mạng xã hội và nhận rất nhiều bình luận từ công chúng. Đài truyền hình nhà nước CCTV chỉ trích những quan điểm của bà Wang liên quan đến việc đông lạnh trứng. Tuy nhiên, một cuộc thăm dò do Weibo tiến hành đã thu hút hơn 83.000 người trả lời, với gần 80% chống lại lệnh cấm đông lạnh trứng với phụ nữ chưa lập gia đình.
Trong số đó có Ye Qinmin, 39 tuổi, một nhà thiết kế nội thất tại Thượng Hải, người đã sử dụng dịch vụ đông lạnh trứng tại một phòng khám ở Canada. "Chính phủ không nên dính vào chuyện buồng trứng của tôi chỉ vì tôi không kết hôn", bà Ye nói.
Nhiều phòng khám Mỹ mở văn phòng tại Trung Quốc nhằm cung cấp dịch vụ sinh sản này cho cộng đồng người đồng tính, lưỡng tính và chuyển giới, người nhiễm HIV và cả phụ nữ độc thân để giúp họ đạt được ước mơ có con của mình.
"Hầu hết khách hàng của chúng tôi giàu có, là những phụ nữ Trung Quốc có trình độ trong độ tuổi 30. Họ có đủ tài chính để sử dụng dịch vụ này (đông lạnh trứng)'', Deng Xuyang, giám đốc điều hành phòng khám Mengmei có trụ sở ở California, vừa mới mở thêm 10 văn phòng đại diện ở Trung Quốc, nói. Tại Mỹ, đông lạnh trứng có giá từ 11.000 đến 16.000 USD, và phí lưu kho lạnh hàng năm từ 450 đến 600 USD.
Theo số liệu từ Hiệp hội Công nghệ sinh sản hỗ trợ (Mỹ), 33 trong số 51 phòng khám tại California cung cấp dịch vụ cho các khách hàng Trung Quốc. Họ có tài liệu, trang web bằng tiếng Hoa, thậm chí nhân viên cũng nói tiếng Trung Quốc để phục vụ nhóm khách hàng này.
Tiến sĩ Kevin Doody, Chủ tịch hiệp hội cho biết từ năm 2009 đến 2014 số lượng trứng đông lạnh ở Mỹ đã tăng từ 568 đến 6.165 ca. Tuy nhiên, tỷ lệ sống của trứng đông lạnh chỉ dưới 24%. Nguyên nhân là do chất lượng và số lượng trứng của phụ nữ suy giảm theo thời gian, đặc biệt là sau tuổi 34; chưa kể xảy ra tác dụng phụ trong quá trình thực hiện.
Theo Minh Quang (Thanh Niên Online)