'Cao nhất trong lịch sử nước Nga hiện đại'
Hãng thông tấn RIA Novosti mới đây trích dẫn số liệu từ các ngân hàng trung ương trên thế giới cho hay, vào tháng 9 vừa qua, dự trữ vàng thỏi của Nga đã đạt tới mức "cao nhất trong lịch sử nước Nga hiện đại".
Cụ thể, mức dự trữ vàng của Nga đã tăng thêm 2% trong tháng 9, nâng tổng khối lượng kim loại quý này trong kho bạc lên tới 2.360 tấn.
Hiện tại, mức dự trữ vàng của Nga đang đứng thứ 5 toàn cầu, sau Mỹ, Đức, Italia và Pháp, nhưng vượt lên trên Trung Quốc (2.200 tấn).
Theo hãng tin RT, việc Nga tăng cường tích trữ vàng nằm trong xu hướng toàn cầu. Các ngân hàng trung ương trên thế giới đang gia tăng mua vàng với số lượng kỷ lục để chuẩn bị cho những bất ổn kinh tế tiếp theo.
Báo cáo gần đây của Hội đồng Vàng thế giới cho biết, Trung Quốc là nước mua vàng nhiều nhất trên toàn cầu trong quý III năm 2023. Nga, Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ nằm trong số các nền kinh tế mới nổi đang tìm cách gia tăng đáng kể lượng vàng dự trữ.
Vì sao Nga mua nhiều vàng đến vậy?
Theo tạp chí TRT World, kể từ tháng 2 năm ngoái, nhu cầu về vàng của Nga đã gia tăng và duy trì ở mức cao do sự biến động khó đoán của đồng rúp, bên cạnh đó là những rủi ro về kinh tế và chính trị.
Ngày 2/3/2022, Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin từng nói: "Những khoản đầu tư như vậy (bằng vàng) có thể là giải pháp thay thế tốt cho việc mua tiền tệ" . Cùng thời điểm đó, người đứng đầu Bộ Tài chính Nga Anton Siluanov đã gọi vàng là "sự thay thế lý tưởng" cho đồng đô la Mỹ.
"Đồng tiền Mỹ biến động mạnh, tiềm ẩn rủi ro và không phải là đối thủ xứng tầm với kim loại quý" - Ông Siluanov nói.
Russian Briefing dẫn lời ông Yulia Makarenko - Phó Giám đốc Viện Phát triển Ngân hàng Nga cho rằng: "Bất chấp tình hình địa chính trị, Nga vẫn cố gắng duy trì vị trí của mình trong bảng xếp hạng các quốc gia có dự trữ vàng lớn nhất. Điều này cho thấy tính chuyên nghiệp cao của những người ra quyết định trong Ngân hàng Trung ương".
Rủi ro từ vàng
Thế nhưng, một số nhà phân tích cho rằng vàng không phải là giải pháp duy nhất để khắc phục những bất ổn về kinh tế. Theo ông Alexander Abramov, người đứng đầu phòng thí nghiệm phân tích thị trường tài chính tại Viện Nghiên cứu Kinh tế Ứng dụng của Học viện Kinh tế Quốc gia Nga (RANEPA) cho rằng, vị trí của các quốc gia trong bảng xếp hạng dự trữ vàng và ngoại hối cho thấy một số xu hướng mâu thuẫn.
Cụ thể, việc gia tăng dự trữ vàng sẽ góp phần làm tăng sự ổn định tài chính của nhà nước. Nói cách khác, luôn có một lượng dự trữ "tài sản lưu động" có thể bán ra thị trường cho các nước thân thiện (với Nga) nếu có điều gì đó xảy ra.
"Tuy nhiên, xét trên quan điểm hấp dẫn đầu tư, tôi sẽ thận trọng với vàng" , ông Abramov nói, "vàng cũng giống như tất cả các tài sản rủi ro khác, khi thị trường tăng trưởng thì giá vàng tăng, khi thị trường suy giảm thì giá vàng giảm. Điều này làm giảm giá trị tích lũy của vàng".
"Nền kinh tế phục hồi, giá trị của vàng sẽ giảm. Tôi cho rằng, dù năm 2023 có nhiều khó khăn nhưng bước sang năm 2024, nền kinh tế toàn cầu sẽ phục hồi. Điều đó có nghĩa, các tài sản khác - như cổ phiếu, trái phiếu doanh nghiệp... sẽ tăng trưởng nhanh hơn" - Ông Abramov nêu quan điểm.
Trong trường hợp đó, để cân bằng nhu cầu dự trữ vàng, Nga sẽ cần tăng dần dự trữ Nhân dân tệ và các loại tiền tệ chiến lược khác, rất có thể là các loại tiền tệ đến từ Trung Đông và Nam Á.
Theo Tùng Chi (Phụ Nữ Mới)