Nhắc đến Từ Hi Thái hậu, ấn tượng của hậu thế về bà đa phần đều là lối sống xa hoa và tư duy bảo thủ. Dân gian có rất nhiều lời đồn đại về vị Thái hậu khét tiếng này, chẳng hạn như khi Từ Hi lần đầu tiên đi tàu hỏa, bà đã đưa ra hàng loạt quy định khiến văn võ bá quan ai cũng “khóc không ra nước mắt”.
Là người cai trị thực sự vào cuối triều đại nhà Thanh, Từ Hi Thái hậu đóng một vai trò quan trọng trong lịch sử Trung Quốc. Cuộc sống của bà đầy rẫy những mâu thuẫn và tranh cãi. Bà khát khao quyền lực và sự kiểm soát mãnh liệt, nhưng lại bị ràng buộc sâu sắc bởi những quan niệm truyền thống. Những đặc điểm này đã được phản ánh trong cuộc sống và sự thống trị của bà.
Khi đại thần triều đình Lý Hồng Chương đề xuất với Từ Hi Thái hậu xây dựng tuyến đường sắt ở phía Đông Bắc, ban đầu bà đã từ chối kế hoạch này. Ngoài việc bài trừ loại công nghệ đến từ phương Tây, bà còn lo lắng hơn rằng việc xây dựng tuyến đường sắt sẽ hủy hoại vận mệnh quốc gia của nhà Thanh. Theo bà, vùng Đông Bắc là vùng đất “Long hưng chi địa” của Thanh triều, việc xây dựng một đoàn tàu sẽ gây xáo trộn "long mạch". Quan niệm này rõ ràng là bảo thủ, phản ánh sự xem trọng của bà đối với tín ngưỡng và văn hóa truyền thống. Tuy nhiên, thời gian trôi qua, trước những lời đề nghị và áp lực liên tục từ Lý Hồng Chương, Từ Hi Thái hậu cuối cùng đã đồng ý với kế hoạch xây dựng tuyến đường sắt.
Đoàn tàu này được mua từ Đức với chi phí rất lớn, tổng cộng có 16 toa, bên ngoài đều sơn màu tượng trưng cho hoàng thất, nhìn từ xa giống như một con rồng nằm hiên ngang. Các toa tàu được trang trí lộng lẫy như cung điện.
Năm 1881, Từ Hi muốn về quê hương Phụng Thiên của bà ở phía Đông Bắc để tế tổ. Vì đường xa và tuổi già, đúng lúc tuyến đường sắt Bắc Kinh-Trương Gia Khẩu từ Bắc Kinh về phía Đông Bắc đã được tu sửa xong nên bà quyết định đi bằng tàu hỏa. Tuy nhiên, trước khi khởi hành, Từ Hi đã đưa ra 3 yêu cầu khiến quan viên ngỡ ngàng.
1. Nhân viên trên tàu đều phải đứng để phục vụ Thái hậu trong suốt lộ trình.
Trong quan niệm của Từ Hi, chỉ hoàng đế và hoàng hậu mới được ngồi trên ghế, còn nhân viên thấp hèn không có quyền ngồi. Quan niệm này đã ăn sâu bám rễ và phản ánh tâm lý bảo thủ của vị Thái hậu về thứ bậc, trật tự trên dưới.
2. Nhân viên nam “không được là nam giới hoàn toàn”.
Yêu cầu này rất kỳ lạ, bởi Từ Hi Thái hậu là nữ đại diện trong văn hóa truyền thống Trung Hoa, bà rất coi trọng đặc điểm giới tính của nam giới. Vì vậy, bà yêu cầu tất cả nhân viên nam phải trải qua “tịnh thân” như thái giám, nhằm đảm bảo sự trong sạch và phẩm giá của mình. Yêu cầu này rõ ràng là do việc duy trì địa vị và quyền lực của bản thân, cũng như sự ngờ vực và sợ hãi của bà trước đàn ông.
3. Tất cả nhân viên đều phải mặc quần áo thái giám.
Theo lệnh của Từ Hi Thái hậu, tất cả nhân viên đều phải mặc quần áo thái giám, ngay cả người điều khiển tàu đến từ châu Âu cũng phải tuần thủ trước khi vào vị trí làm việc. Những bộ quần áo này được làm từ chất liệu cao cấp như lụa và có chất lượng rất tốt nhưng với người đàn ông mặc trang phục của thái giám thì ít nhiều cũng nảy sinh cảm giác khó chịu. Yêu cầu này rõ ràng là nhằm thỏa mãn sự phù phiếm và mong muốn kiểm soát của bà, cũng như để trừng phạt và làm nhục nhân viên.
Những yêu cầu này cực kỳ gây đau khổ và khó chịu cho nhân viên công tác trên đoàn tàu hỏa. Họ phải đứng trong thời gian dài, phải phẫu thuật và mặc quần áo thái giám. Những yêu cầu này thể hiện rõ ràng tâm lý độc đoán và bảo thủ của Từ Hi Thái hậu, khiến người người phẫn nộ.
Song độ tin cậy của những giai thoại này đã bị tranh cãi. Theo nghiên cứu của một số nhà sử học, các tài liệu như “Thanh sử thảo” và “Thanh thực lục” không ghi lại tính xác thực của những câu chuyện này, thay vào đó, có thể là truyện dân gian hoặc những tin đồn cường điệu nhằm “phủ thêm lớp tăm tối” vào sự tàn ác của vị Thái hậu nức tiếng của Thanh triều.
Theo Trung Hạ (Phụ nứ Thủ đô)