Làm sao để xua đi ác mộng và câu chuyện về cách người dân Nhật Bản muốn loại bỏ những giấc mơ xấu xa

18/01/2024 09:48:53

Giấc mơ luôn là một trong những điều bí ẩn của nhân loại. Mọi nền văn hóa trên thế giới đều có những câu chuyện riêng để giải thích về điều bí ẩn này.

Thần thú Baku, linh vật trừ tà mộng của Nhật Bản

Làm sao để xua đi ác mộng và câu chuyện về cách người dân Nhật Bản muốn loại bỏ những giấc mơ xấu xa

Baku, hay còn gọi là "Kẻ ăn giấc mơ", là một thực thể hoặc linh hồn trong thần thoại và văn hóa các nước như Trung Quốc và Nhật Bản. Tương truyền rằng chúng có thể nuốt chửng những cơn ác mộng. Tuy nhiên, nếu Baku không được triệu hồi đúng cách và hài lòng với cơn ác mộng mà nó nhấm nháp, thì nó sẽ tiêu diệt toàn bộ hy vọng và ước mơ của con người.

Câu chuyện Baku ăn ác mộng bắt nguồn từ văn hóa dân gian Trung Quốc, sau đó xuất hiện trong truyện dân gian Nhật Bản vào khoảng thế kỷ 14-15, dưới thời Muromachi. Mặc dù Baku là một thực thể tâm linh, nhưng nó có hình dạng rất rõ ràng. Người ta miêu tả nó giống chimera – dạng quái vật thần thoại được ghép từ nhiều bộ phận động vật khác nhau. Baku có thân gấu, vòi voi, chân hổ, đuôi bò và mắt tê giác. Theo truyền thuyết, Baku được các vị thần tạo thành từ những mảnh ghép còn thừa sau khi sáng tạo ra muông thú.

Làm sao để xua đi ác mộng và câu chuyện về cách người dân Nhật Bản muốn loại bỏ những giấc mơ xấu xa - 1

Xuyên suốt lịch sử, niềm tin của con người với Baku đã thay đổi. Ban đầu, truyền thuyết Trung Hoa cổ kể rằng Baku là con vật bị săn lùng để lấy da. Bất cứ ai giết được Baku sẽ có một tấm da như một tấm bùa hộ mệnh mang sức mạnh ma thuật, giúp bảo vệ họ khỏi những linh hồn xấu xa. Tục lệ này dần được giản lược từ quấn da đổi thành vẽ hình Baku treo gần giường để xua đuổi ác linh. Mãi cho đến khi các truyền thuyết về Baku xuất hiện ở Nhật Bản, nó trở thành kẻ ăn giấc mơ. Sự chuyển đổi này trở nên nhất quán theo thời gian và dần thống nhất cho đến tận ngày nay.

Truyền thuyết kể rằng, một người thức dậy sau ác mộng có thể triệu hồi Baku đến. Một đứa trẻ gặp ác mộng ở Nhật Bản sẽ thức dậy và lặp đi lặp lại ba lần "Baku-san, hãy ăn giấc mơ của tôi. Baku-san, đến ăn giấc mơ của tôi. Baku-san, hãy đến ăn giấc mơ của tôi". Khi Baku vào phòng đứa trẻ, nó sẽ nuốt chửng cơn ác mộng và đứa trẻ có thể ngủ ngon giấc trở lại.

Làm sao để xua đi ác mộng và câu chuyện về cách người dân Nhật Bản muốn loại bỏ những giấc mơ xấu xa - 2

Tuy nhiên, việc triệu hồi Baku nên được thực hiện một cách vừa phải, vì nếu Baku vẫn đói sau khi ăn giấc mộng, nó sẽ ăn sạch cả hy vọng lẫn mơ ước của họ, khiến họ phải sống một cuộc đời trống rỗng. Baku cũng có thể được triệu hồi để bảo vệ khỏi những cơn ác mộng trước khi đi ngủ. Do đó, ngày nay, trẻ em Nhật Bản vẫn có thói quen để một lá bùa Baku ở đầu giường.

Khi con trẻ quấy khóc, người lớn vừa gặp chuyện buồn, người Nhật Bản lại khấn xin Baku hiện hình, đem đi nỗi sợ hãi, lo lắng. Đặc biệt vào dịp cuối năm, áp Tết công việc bộn bề gây khó ngủ, mất tập trung, ai nấy đều nhớ tới Baku, mong nó giúp mình đỡ mệt. Nhờ có Baku canh gác vào đêm, giấc ngủ sẽ ngon và sâu hơn.

Làm sao để xua đi ác mộng và câu chuyện về cách người dân Nhật Bản muốn loại bỏ những giấc mơ xấu xa - 3

Để giúp mọi người tĩnh tâm, trong nhà, người Nhật thường chuẩn bị sẵn một vài bức hình Baku treo trên vách hay ngay đầu giường. Và vì Baku là con vật liên quan đến giấc ngủ, nên nhiều người cũng hay đặt nó dưới gối. Hễ trẻ em bị tỉnh giấc vì một cơn mơ nào đó, nhằm quay lại giấc ngủ đều chỉ cần úp mặt vào gối, gọi ba lần: Baku-san, Baku-san ơi, hãy đến ăn ác mộng đi, nuốt chửng giấc mơ ấy đi.

Và nếu nghe thấy lời gọi, con thú sẽ bay đến nuốt sạch chúng. Ngoài cách ngắm tranh, kêu gọi Baku, còn có khá nhiều phương pháp để triệu hồi Baku tùy theo phong tục từng vùng, song đa số vẫn dùng câu khấn mời mọc hoặc là khấn tặng giấc mơ ấy cho Baku, thì giấc mơ xấu cũng tự ra đi.

Vậy Baku là con vật như thế nào? Dựa trên những bức tranh xuất hiện từ thế kỷ 17 của Nhật Bản, đây là một thần thú vừa giống sư tử, báo đốm vừa như một con voi, có ngà hay răng lợn lòi do trong miệng chứa rất nhiều răng sắc để ngấu nghiến, còn cái ngà thì húc đổ mọi thứ.

Làm sao để xua đi ác mộng và câu chuyện về cách người dân Nhật Bản muốn loại bỏ những giấc mơ xấu xa - 4

Con vật cũng có móng vuốt của hổ, mắt to của tê giác, tai dài và đuôi của bò, vừa sắc lạnh, vừa gan lì, mạnh mẽ. Tất cả những đặc điểm ấy cho thấy một con vật rất hung dữ có thể trấn át hung tà.

Đi tới đâu, trên mình nó còn phát ra lửa thiêu rụi mọi sự mê muội. Về xuất xứ, giới nghiên cứu cho rằng, những thủy thủ của Nhật Bản khi đến thăm nhiều nước châu Á đã tạo ra một sinh vật lai, chắp nối từ nhiều con thú nước bạn để sở hữu một nguồn sức mạnh thần kỳ giúp họ khi khó ngủ, khi say sóng và lênh đênh trên biển. Nó có khá nhiều điểm lành mà một trong đó là cái đầu sư tử cùng tiếng gầm rú oai nghiêm trấn át muôn loài, thứ nữa là cái vòi và cặp ngà to đánh đổ và hút sạch sự xấu xa…

Rất nhiều đền thờ của Nhật Bản đều có hình của Baku từ tranh đến tượng, phù điêu đặt ngay dưới hiên và ở cửa trấn địa. Tuy hay dùng Baku, song không phải lúc nào người ta cũng gọi Baku đến. Chỉ là khi gặp ác mộng hay khó ngủ, vì nhiều người e ngại, với sức lực mãnh thú như thế, biết đâu con vật sẽ đói khát mà ăn cả những giấc mơ xấu lẫn tốt. Nên trước khi ngủ ai nấy đều xem, đọc, nghe những gì vui tươi, lành mạnh để trong giấc ngủ sẽ mơ thấy điều đẹp đẽ, không cần gọi con Baku.

Những kẻ xâm nhập vào những giấc mơ

Ngoài Baku, thế giới còn có rất nhiều những truyền thuyết khác về những vị thần hoặc linh thú có thể "can thiệp" vào giấc mơ của con người.

Morpheus trong thần thoại Hi Lạp

Làm sao để xua đi ác mộng và câu chuyện về cách người dân Nhật Bản muốn loại bỏ những giấc mơ xấu xa - 5

Có rất ít nền văn hóa tập trung sâu vào thế giới giấc mơ như người Hi Lạp. Như hầu hết mọi mặt cuộc sống, họ có một vị thần đại diện cho giấc mơ, đó là Morpheus. Ông là con của Hypnos, vị thần của giấc ngủ và Morpheus có khả năng nhập vào giấc mơ của người thường để chuyển các thông điệp của các vị thần. Morpheus xuất hiện lần đầu trong bài thơ Metamorphoses, được viết bởi nhà thơ Ovid vào thế kỉ thứ nhất.

Dù Morpheus có thể mang hình dáng con người khi truyền tải thông điệp, hình dáng thực của ông là một người giống quỉ với đôi cánh màu đen khổng lồ để di chuyển giữa các giấc mơ. Morpheus được chọn làm sứ giả vì trong hàng nghìn đứa con của Hypnos, ông là người có thể giả trang thành con người giống nhất.

Mara trong thần thoại Tây Âu

Làm sao để xua đi ác mộng và câu chuyện về cách người dân Nhật Bản muốn loại bỏ những giấc mơ xấu xa - 6

Trong thần thoại Tây Âu, "mara" là một hồn ma ác ngồi trên ngực một người đang ngủ, khiến họ khó thở và biến các giấc mơ thành cơn ác mộng. Nó xuất hiện dưới nhiều hình dạng trong các nền văn hóa này, dù tên và mô tả về nó thay đổi tùy vào các nền văn hóa khác nhau.

Đáng chú ý nhất, từ trong tiếng Anh của nó là "mare", là khởi nguồn của từ "nightmare" (ác mộng). Người Croatia tin rằng mara có hình dạng của một phụ nữ xinh đẹp vào ban đêm. Nó đi vào giấc mơ của đàn ông và tra tấn họ, từ từ hút sinh lực của họ trong hàng chục năm. Trong các câu truyện khác, mara xuất hiện trong hình dáng của một con quỉ lùn da dày.

Bóng đè trong nhiều truyền thuyết khác nhau

Làm sao để xua đi ác mộng và câu chuyện về cách người dân Nhật Bản muốn loại bỏ những giấc mơ xấu xa - 7

Hiện tượng kì lạ này diễn ra khi bạn thức dậy đột ngột và không có khả năng di chuyển hay kêu la. Hầu hết những người trải qua đều có cảm giác bị "theo dõi" và nó thường rất đáng sợ. Người ta kể về các con quỉ, người ngoài hành tinh và các hồn ma ở bên cạnh họ. Dù đây chỉ là một vấn đề tâm lý, ý nghĩ về một kẻ lạ mặt theo dõi bạn lúc nửa đêm vẫn rất đáng sợ.

Gần như mọi nền văn hóa đều có các câu chuyện về bóng đè. Hình tượng mara được tạo ra để giải thích cho hiện tượng này. Ở Kashmir, người ta cho rằng bóng đè xảy ra khi con quỉ vô hình pasikdhar tấn công người đang ngủ. Ở Thổ Nhĩ Kì, con djinn ngồi lên ngực, bịt miệng và thắt cổ người ngủ say. Còn theo truyền thuyết Pakistan cho rằng bị bóng đè là khi quỷ Shaitan (Satan) nhập vào người này.

Sandman trong văn hóa phương Tây

Làm sao để xua đi ác mộng và câu chuyện về cách người dân Nhật Bản muốn loại bỏ những giấc mơ xấu xa - 8

Đây là một hình tượng rất nổi tiếng với trẻ em phương Tây, với một thực thể chuyên vẩy cát vào mắt trẻ em để chúng có các giấc mơ đẹp. Khi bọn trẻ ngủ dậy và thấy rỉ mắt, đó là do Sandman đã tới thăm chúng vào đêm hôm trước.

Nhân vật Sandman lần đầu xuất hiện trong truyện cổ Andersen. Nhưng phải tới năm 1816, với câu truyện Der Sandman thì nhân vật này mới thật sự nổi tiếng. Trong truyện, Sandman chỉ tới thăm những đứa trẻ không chịu đi ngủ. Cát của ông ta khiến mắt trẻ em rơi ra ngoài, sau đó ông ta thu thập chúng để làm thức ăn cho đám quỉ của mình.

QT (SHTT)

Nổi bật