Một cô gái trẻ ở Iraq đã gan lì lén duy trì cửa hiệu làm đẹp của mình hơn 2 năm nay, dù cho khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tuyên bố đó là hành vi có tội.
Đồ nghề làm đẹp chui của Safaa lúc còn IS - Ảnh: VOA |
Một tháng sau khi lực lượng Nhà nước hồi giáo (IS) chiếm đóng thành phố Mosul, nhiều tay súng đã xuất hiện và buộc gia đình Safaa phải đóng cửa tiệm lâu đời của mình, tuyên bố công việc mà gia đình cô đang làm là có tội.
Tuy nhiên, cô gái này vẫn “lì lợm” lén duy trì được công việc của mình hơn 2 năm nay, dù không hoàn toàn là bí mật.
“Lúc đó bọn họ tịch thu gần hết đồ nghề của chúng tôi, nói nếu lần sau quay lại mà chúng tôi vẫn làm thì sẽ phải gánh lấy hậu quả”, Safaa kể lại vụ việc với nhà báo Mỹ sau khi chính quyền Iraq giành lại được quyền kiểm soát khu vực này hồi cuối tháng 1 vừa qua.
Tuy nhiên lúc đó gia đình cô không biết phải làm gì để kiếm tiền, khi công việc này đã gắn bó với gia đình họ 20 năm qua.
Với số ít đồ nghề còn sót lại, Safaa quyết định mở cửa lại dưới vỏ bọc tiệm may.
“Khách hàng mang quần áo đến chỗ tôi, giả vờ là cần sửa đồ, nhưng thực chất là cắt tóc và làm đẹp để chuẩn bị cho lễ cưới của họ”, cô Safaa vẫn còn nhớ cảm giác nơm nớp lo sợ bị người của IS phát giác.
Và không chỉ là để kiếm tiền, cửa tiệm của Safaa còn là nơi mà phụ nữ ở thành phố này gặp nhau và chia sẻ về ước mơ được giải phóng của họ.
Đồ nghề làm đẹp chui của Safaa lúc còn IS. Sắp tới cô dự định mở một cửa tiệm khang trang hơn - Ảnh: VOA |
IS nói một đằng, làm một nẻo
Cửa tiệm của Safaa tuy vậy thường xuyên tiếp khách hàng là các cô gái sắp lấy các tay súng IS.
Theo Safaa, các cô dâu này dường như chẳng phải tuân thủ theo bất cứ luật lệ nào cả.
Có cô còn mặc cả đầm lộ khe ngực và kể rằng chồng tương lai của mình là một người bạn mới của anh trai cô.
“Yêu một người lạ chẳng phải là có tội sao?”, Safaa hỏi cô gái đó. “Chẳng phải IS nói là hôn nhân phải được sắp đặt sao?”.
Sau khi làm đẹp xong, cô gái này rời đi với mạng che mặt, nhưng để lộ đôi bàn tay.
“Cô gái đó và bạn mình còn ngân nga hát một đoạn giai điệu truyền thống cho đám cưới của chúng tôi mà IS đã tuyên bố cấm”, Safaa kể lại.
Các cô đó còn cười và nói “tôi là người của IS mà, tôi muốn đi ra ngoài thế nào chả được” khi Safaa thắc mắc đi ra ngoài mà không có đàn ông đi kèm như vậy là có tội.
Lúc còn IS, nếu phụ nữ đi ra ngoài với mạng che mặt không đúng cách, họ sẽ gặp phải rắc rối lớn, Safaa kể.
“Một người bạn của tôi đi ra chợ, có mang mạng che nhưng để hở mắt. Thế là một tay súng đến tóm lấy gáy và dí mặt cô ấy xuống chỗ vũng nước cống bên đường. Họ nói là việc chạm tay vào người phụ nữ không phải vợ mình là có tội, vậy mà họ làm như vậy sao”, cô thợ làm đầu Safaa bức xúc.
Theo Ngọc Đồng (Tuổi Trẻ)