Các phân tích từ công tác chống tham nhũng tại Singapore đã nhấn mạnh yếu tố thành công then chốt là quyết tâm chính trị cao độ của toàn chính quyền.
Singapore: Tài sản ngoài thu nhập công khai đều bị thu hồi
Đạo luật số 65A về thu hồi lợi ích từ tham nhũng, buôn bán ma túy và các loại tội phạm khác (CDSA) của Singapore hình sự hóa các hành vi rửa tiền từ lợi ích có được do tham nhũng mà có và yêu cầu trả lại tất cả lợi ích có được từ hành vi hình sự. Theo đó, lệnh thu hồi tài sản sẽ được ban hành để thu hồi phần lợi ích có được từ hành vi phạm tội đối với trường hợp bị kết tội. Tài sản thu nhập bất hợp pháp có được ngoài thu nhập chính đáng đều được xem là do phạm tội mà có và đều bị thu hồi.
Singapore cũng buộc tất cả quan chức và nhân viên chính phủ ngay khi được bổ nhiệm phải khai báo toàn bộ tài sản cá nhân và quá trình thống kê giám sát được thực hiện hằng năm. Singapore giao công việc kiểm tra các khai báo tài sản quan chức cho Cục Điều tra các hoạt động tham nhũng (CPIB). Đây là một cơ quan hoạt động có tính độc lập cao của chính phủ, thành lập từ năm 1952. Các nhân viên thường xuyên được xem xét lương và phúc lợi để đảm bảo công bằng với thị trường tư nhân bên ngoài và tránh nảy sinh lòng tham trước tài sản bất minh.
Ảnh biếm họa nỗ lực giám sát tài sản tham nhũng tại Trung Quốc “Còn gì khác để khai báo không”. Ảnh: BEIJING REVIEW |
Thái Lan: Quan chức về hưu một năm cũng phải khai báo tài sản
Giám sát khai báo tài sản, các khoản nợ và lối sống của các quan chức cao cấp là biện pháp phòng ngừa hữu hiệu tại Thái Lan. Những người nắm các vị trí chính trị cũng như quan chức cao cấp trong chính phủ cả trung ương và địa phương phải trình cho cơ quan chống tham nhũng quốc gia khai báo về tài sản và các khoản nợ của họ - cũng như của vợ hoặc chồng hoặc con cái đang được họ nuôi dưỡng - ba năm một lần, khi họ bắt đầu nhậm chức cũng như khi rời khỏi vị trí và một năm sau khi nghỉ họ vẫn phải khai báo.
Không chừa mọi mối liên hệ
Công ước chống tham nhũng Liên Hiệp Quốc (được thông qua năm 2003) quy ước rất bao quát những vấn đề về giám sát, công bố thu nhập, tài sản của quan chức, các bên liên quan (các công ty, tập đoàn, các đơn vị kinh doanh có cổ phần của quan chức) và thậm chí là người thân (cha mẹ, vợ chồng, con cái, anh chị em…) của các quan chức.
Trên cơ sở đó, bản kê khai tài chính thu nhập, tài sản của quan chức được so sánh, phân tích liên tục giữa năm này với năm trước, sau đó công bố rộng rãi. Đồng thời giám sát, phát hiện kịp thời những chiêu trò của quan chức nhằm che giấu tài sản cá nhân như sử dụng các kênh giữ tài sản khác nhau (vàng, cổ phần, đất đai không đứng tên); che đậy tài sản dưới các hình thức khác nhau (tiền mặt, sổ tiết kiệm…); hoặc mượn tay những cá nhân nằm ngoài tầm kiểm soát của chính phủ (người thân ở nước ngoài, rửa tiền thông qua hệ thống tội phạm quốc tế…).
Các nước phát triển áp dụng bài học từ Công ước Chống tham nhũng Liên Hiệp Quốc còn tạo ra một hệ thống đáng tin cậy để kiểm soát thu nhập và tài sản của quan chức (chẳng hạn thông qua hệ thống thu thuế, bảo hiểm, an sinh xã hội…). Thông qua hệ thống này, người dân có thể được phân quyền truy cập để kiểm tra tài sản của quan chức thuộc các ban ngành cụ thể.
Theo PV (Pháp Luật TPHCM)