Các nhà khoa học phát hiện dấu vết một địa danh được coi là kỳ quan thiên nhiên thứ 8 của thế giới biến mất từ 131 năm trước.
Hình vẽ mô tả nền đất bậc thang màu hồng và trắng ở bờ hồ Rotomahana trong những năm 1870. Ảnh: Đại học Otago. |
Nền đất bậc thang màu hồng và trắng trên bờ hồ Rotomahana từng thu hút du khách từ khắp nơi đến đảo Bắc, New Zealand, vào giữa những năm 1800, theo National Post. Đây được coi là kỳ quan thiên nhiên thứ 8 của thế giới, với những lớp trầm tích silica lớn nhất Trái Đất.
Ngày 10/6/1886, núi lửa Tarawera phun trào dữ dội, giết chết 120 người và để lại một vết nứt dài 17 km trên núi. Nhiều người tin rằng, vụ phun trào núi lửa này làm phá hủy các bậc thang bên hồ Rotomahana, khiến chúng biến mất vĩnh viễn.
Trong bài báo công bố trên Tạp chí của Hiệp hội Hoàng gia New Zealand hôm 7/6, hai nhà nghiên cứu Rex Bunn và Sascha Nolden cho biết họ đã xác định được vị trí của các nền bậc thang nằm dưới mặt đất, theo Guardian. Nếu kỳ quan thiên nhiên này vẫn còn tồn tại, nó sẽ bị chôn vùi dưới lớp tro bụi núi lửa dày khoảng 10-15 m.
"Các nền đất bậc thang từng là địa điểm hút khách bậc nhất ở Nam bán cầu. Nhiều người bất chấp nguy hiểm đến đây chỉ để tận mắt nhìn thấy địa hình độc đáo và đẹp mắt lạ thường. Nhưng chính phủ lúc đó không thực hiện khảo sát nên không có tư liệu về tọa độ của khu vực", Bunn nói.
Bunn và Nolden sử dụng nhật ký thực địa viết năm 1859 của Ferdinand von Hochstetter, nhà địa chất người Áo gốc Đức, để xác định vị trí của kỳ quan thiên nhiên thứ 8. Cuốn nhật ký chứa nhiều mô tả về khu vực hồ Rotomahana trước khi núi lửa phun trào năm 1886, cho phép các nhà nghiên cứu lập bản đồ ba vị trí tiềm năng của kỳ quan hình bậc thang này.
Theo Lê Hùng (VnExpress.net)