Sáng ngày 29/1/1991, cậu bé Lee Hyung Ho, 9 tuổi, sống tại quận Gangnam, Seoul, đột ngột mất tích. Gia đình của em tìm kiếm suốt cả một ngày dài thì đến tối hôm đó mới xác định em bị bắt cóc sau khi nhận cuộc gọi đòi tiền chuộc của tên tội phạm. Khi đó, bố của Lee đã bí mật gọi điện báo cảnh sát.
Ngay lập tức, cơ quan chức năng cử người đến gắn thiết bị nghe lén vào điện thoại của gia đình để xác định vị trí cũng như danh tính của tên tội phạm. Dựa vào giọng nói có thể xác định tên này khoảng 30 tuổi và sử dụng điện thoại trong ô tô để gọi điện tống tiền. Trong lúc gọi điện, hắn liên tục di chuyển nhằm đề phòng cảnh sát có thể xác định được vị trí.
Ở cuộc gọi đầu tiên, kẻ bắt cóc gian xảo đã giả vờ nói rằng: “Cảnh sát quận Seocho đây, xin vui lòng chuyển máy cho cảnh sát ở đó?”, để xác minh xem gia đình đã báo cảnh sát hay chưa. May thay, bố của Lee nhanh trí đáp lại: “Đây là nhà riêng của tôi, làm gì có cảnh sát gì ở đây”. Nhờ vậy mà lấy được lòng tin của kẻ bắt cóc.
Vài ngày sau, tên bắt cóc liên lạc lại lần nữa và yêu cầu bố của Lee đến lục thùng rác đặt trước cổng ngân hàng HanIl (ngày nay là ngân hàng Woori), tìm mảnh giấy ghi chú để lấy thông tin mở sổ tiết kiệm dưới tên của một người họ Yoon. Do cảnh sát đã thông báo đây là tài khoản cần được lưu ý nên khi tên tội phạm đến rút tiền, nhân viên ngân hàng thể hiện thái độ nghi ngờ khiến hắn chột dạ và nhanh chóng bỏ đi.
Tiếp đến, tên tội phạm một lần nữa yêu cầu bố của Lee mở lại một sổ tiết kiệm khác dưới tên của người họ Kim. Lần này, hắn vẫn không rút được tiền và phải bỏ trốn trong lúc nhân viên đang loay hoay làm giấy tờ. Ngân hàng có trang bị camera an ninh nhưng lại không đủ để ghi lại chính xác gương mặt của tên tội phạm.
Cảm thấy cách này không khả thi, tên tội phạm chuyển sang phương thức nhận tiền khác. Hắn ra lệnh cho gia đình Lee đem theo tiền mặt 70 triệu won (tương đương hơn 973 triệu đồng lúc bấy giờ), đi xuống phía dưới gầm cầu Seoul để lấy thông tin về nơi giao tiền. Ở mỗi cuộc gọi, tên này không quên đe dọa gia đình nạn nhân không được báo cảnh sát nếu như muốn người thân của mình toàn mạng trở về.
Bố của Lee di chuyển đến địa điểm tiếp theo là con đường gần cầu Yanghwa, sau khi đi loanh quanh vài vòng thì tìm thấy chiếc hộp thiếc được đề cập trong giấy ghi chú. Theo như bàn bạc với phía cảnh sát, bố của Lee chỉ đặt 100 nghìn won (gần 2 triệu đồng) tiền thật phía trên đống tiền giả bọc cẩn thận bằng giấy báo rồi cho vào bên trong hộp thiếc, bởi ai cũng cho rằng tên tội phạm lần này sẽ sa lưới.
Không may lúc đó, lực lượng cảnh sát lại gặp vấn đề trong việc xác định vị trí của chiếc hộp bởi họ sợ rằng tên tội phạm sẽ phát hiện nên không thể theo sát bố của Lee. Lợi dụng sơ hở cảnh sát loay hoay trao đổi thông tin qua bộ đàm, tên tội phạm đã đi đến lấy chiếc hộp thiếc đi và biến mất không dấu vết. Trước đây, cảnh sát cho rằng từ đầu đến cuối chỉ có 1 kẻ bắt cóc nhưng có vẻ như hắn có thêm 1 đồng phạm. Tên này đảm nhận nhiệm vụ lái xe và chờ sẵn để đón tên tội phạm trước khi cùng nhau tẩu thoát.
Tối ngày hôm đó, gia đình Lee nhận được cuộc gọi của kẻ bắt cóc. “Công nhận ông trộn nhiều tiền giả vào thật đấy. Giờ thì tôi đã biết ông không có ý định đón con trai trở về. Nhưng mà cũng cảm ơn gia đình vì đã không báo cảnh sát nhé” - tên tội phạm nói trong cuộc gọi cuối cùng và từ đó không bao giờ liên lạc nữa.
Cảnh sát sau đó mới mở rộng điều tra công khai nhưng mãi vẫn chưa thu được kết quả. Cho đến ngày 13/3/1991, 43 ngày sau khi cậu bé Lee bị bắt cóc, thi thể của em được tìm thấy dưới chân cầu Jamsil trong tình trạng đang phân hủy nặng. Mắt, mũi và miệng của nạn nhân bị kẻ thủ ác bị kín bằng băng keo trong khi tay chân bị trói chặt. Theo kết quả khám nghiệm tử thi, nạn nhân đã chết vào thời điểm 2 ngày sau khi bị bắt cóc, nguyên nhân cái chết được xác định là do ngạt thở.
Cái chết của cậu bé Lee sau khi được công bố khiến dư luận vô cùng bức xúc vì sự tàn độc của kẻ thủ ác, đồng thời chỉ trích cảnh sát đã quá chủ quan, nhiều lần để xổng mất tên tội phạm. Dù nỗ lực hết sức nhưng đến nay, cảnh sát vẫn chưa bắt được tên sát nhân máu lạnh kia. Vụ án chính thức khép lại khi hết hạn 15 năm điều tra vào năm 2006.
Cũng giống như vụ án “những cậu bé ếch” từng một thời gây rúng động Hàn Quốc, thì cái chết của bé Lee Hyung Ho cũng làm dậy sóng dư luận một thời gian dài. Thậm chí, cho đến tận ngày hôm nay, người dân xứ kim chi cũng chưa thể quên được vụ bắt cóc, giết người man rợ này. Năm 2007, các nhà làm phim đã dựa trên câu chuyện thương tâm của bé trai 9 tuổi kia để thực hiện tác phẩm điện ảnh "Voice of the murder" và gây tiếng vang lớn.
Theo BK (Helino)