Trump: Kim Jong Un thích video cảnh phồn vinh Mỹ chiếu tại hội đàm
Đó là một ngày hứng khởi "bay đầy trong không khí" và rất nhiều người bỗng nhiên nhắc đến một viễn cảnh mới cho Triều Tiên.
Trên một phông nền chưa từng được bày ra trước đó với cờ Mỹ và Triều Tiên dựng xen lẫn, Tổng thống Donald Trump cùng nhà lãnh đạo Kim Jong Un bắt tay nhau trên một hòn đảo nhỏ ở phía nam Singapore. Cả thế giới nhìn vào, từ Mỹ đến Seoul, từ Tokyo đến Bắc Kinh.
Cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều đầu tiên trong lịch sử đã kết thúc bằng một tuyên bố bị một số người chỉ trích là mơ hồ, nhưng tín hiệu tích cực mà nó mang lại ngay lập tức kéo theo một loạt những niềm lạc quan rằng Triều Tiên đã sẵn sàng cho sự thay đổi. Những ví dụ về sự chuyển mình sau khi hàn gắn quan hệ với Mỹ tại nhiều nước chính là động lực cho chuyến đi lịch sử này của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un.
Hành trình không thể đảo ngược sẽ bắt đầu?
Singapore cung cấp một phông nền vừa chỉn chu vừa thờ ơ cho cuộc gặp Mỹ - Triều. Người Singapore không quá háo hức để được nhìn thấy nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un. Những người dân được hỏi chỉ nói về kiểu tóc hoặc trang phục kỳ lạ của Kim, không có đám đông nào được ghi nhận đang tụ tập để chờ đợi đoàn xe của ông đi qua.
Nếu ai đó lạc quan từ phút đầu thì đó là giáo sư Vũ Minh Khương, Trường Chính sách công Lý Quang Diệu thuộc Đại học Quốc gia Singapore. Trả lời Zing.vn từ trước cuộc gặp, ông Khương cho rằng ông thật sự tin tưởng vào thành ý của ông Kim trong cuộc gặp gỡ này và thời điểm để Triều Tiên phát triển kinh tế, mở cửa ra với thế giới cuối cùng đã đến. Triều Tiên và bản thân ông Kim nhận thức rõ ràng rằng đã đến lúc họ phải thay đổi.
"Bản thân Kim Jong Un muốn tạo ra một hình ảnh mới, trở thành nhà lãnh đạo sẽ đưa Triều Tiên đến kỷ nguyên mới, và biến đất nước Triều Tiên mới này làm thành tựu trong triều đại của ông ấy", ông Khương nói.
"Cả Trump và Kim đều là những người có tư duy đột phá, không bị bó buộc bởi khái niệm political correctness (tạm dịch "sự đúng đắn về chính trị"), đều muốn làm gì đó lớn, mang tính đột phá và lịch sử".
"Họ là mẫu lãnh đạo không chỉ muốn tồn tại", ông Khương nói.
Một lý do khác là những biện pháp trừng phạt mà Mỹ và cộng đồng quốc tế áp dụng giáng lên nước này đã đặt Bình Nhưỡng vào tình thế vô cùng khó khăn, không còn tình thế nửa chừng, nửa khép nửa mở. Trong hoàn cảnh đó, sự thay đổi là bắt buộc, không có lựa chọn nào khác, không có đường lùi lại và Triều Tiên phải bước vào "một hành trình không thể đảo ngược".
Trước cái bắt tay và vỗ lưng ông Trump và Kim dành cho nhau, quan điểm của các học giả phương Tây là sự hoang mang và hoài nghi. Nhưng trong trung tâm báo chí ở Singapore ngày 12/6, giữa mùi bánh mì nướng phết với mứt kaya phảng phất trong không khí, nhiều người tự cho phép mình tưởng tượng xa hơn về nhà lãnh đạo bí ẩn nhất thế giới đang ở cùng một thành phố. Họ cho phép mình tin tưởng rằng ngày hôm đó sẽ viết ra những dòng mới về lịch sử cả Triều Tiên lẫn Đông Á, thay vì chỉ là một màn phô diễn ngoại giao hoàn hảo giữa 2 nhà lãnh đạo khó lường.
Thế kỷ của châu Á và những kỳ diệu nhãn tiền
Kenichi Asano, một nhà báo tự do hơn 70 tuổi của Nhật Bản và là người từng thường trú ở Việt Nam, nói rằng dù đã sống qua nhiều cuộc đàm phán về vấn đề hạt nhân Triều Tiên cũng như trong quan hệ Mỹ - Triều, chứng kiến nhiều lần cơ hội đến rồi bị bỏ lỡ, ông vẫn tin rằng “lần này là lần cuối”.
"Nếu Mỹ thực hiện những lời hứa họ đã nói, Triều Tiên sẽ giải giáp hạt nhân. Lý do duy nhất Triều Tiên có vũ khí hạt nhân là họ lo lắng, sợ bị tấn công", nhà báo Asano nói với Zing.vn.
Ông là một trong số nhà báo Nhật Bản không chia sẻ mối quan ngại của Thủ tướng Shinzo Abe, người đã đến Nhà Trắng để thuyết phục Tổng thống Trump đề cập đến vấn đề người Nhật bị bắt cóc trong cuộc trò chuyện với Kim. Trái với nhiều đồng nghiệp người Nhật bi quan về cuộc gặp và tiếp tục hoài nghi dù Trump đã nói rằng ông "đương nhiên có đề cập" quan ngại của Abe, Asano thích nói về chuyện Triều Tiên rồi sẽ trở thành một câu chuyện thần kỳ mới.
Lập luận của ông là nếu Bình Nhưỡng không cần sử dụng thì họ cũng không phải lưu trữ vũ khí hạt nhân. Nếu Triều Tiên thấy an toàn, họ không cần hạt nhân nữa. Ngày 12/6, Tổng thống Trump đã có một lời hứa trước Triều Tiên nhưng là lời hứa có sự chứng kiến của cộng đồng quốc tế, rằng nếu Bình Nhưỡng tin tưởng Trump, họ sẽ viết lên một lịch sử mới và tiến đến một nền kinh tế phát triển. Lời hứa đó có thể kết thúc cuộc khủng hoảng trên bán đảo Triều Tiên.
"Trung Quốc vào năm 1970 là một đất nước nghèo khó, đến năm 1972 họ mới có hiệp ước hòa bình với Nhật Bản. Nhưng hãy nhìn họ giờ xem? Trump đã có một lời hứa rất quan trọng rằng nếu họ (Triều Tiên) tin tưởng Trump, họ có thể có nền kinh tế tốt", ông nói.
Trả lời Zing.vn về nỗi lo "Libya", Asano cho rằng câu chuyện của Triều Tiên sẽ đi theo hướng Hàn Quốc, những người đồng bào chia sẻ một ngôn ngữ, một nền văn hóa, nhiều hơn là sa vào vết xe đổ của Trung Đông.
Giáo sư Khương chia sẻ với nhà báo Asano về tương lai của Triều Tiên. Ông cho rằng người dân Triều Tiên sẽ tương đồng hơn với nhiều dân tộc châu Á, có lòng yêu nước cao và sự tin tưởng của người dân đối với thể chế. Những đổi thay còn đến trong một kỷ nguyên mà châu Á đang trỗi dậy mạnh mẽ, khi sự thành công của Trung Quốc hay Hàn Quốc đang được chứng minh.
Ông Khương cho rằng con đường cụ thể mà Triều Tiên sẽ đi trong thời gian tới vẫn chưa rõ ràng, nhưng ông có thể nhìn thấy rõ ràng họ sẽ thay đổi và việc này sẽ diễn ra rất nhanh chóng. Bình Nhưỡng sẽ ưu tiên ổn định chính trị để phát triển kinh tế. Chúng ta phải chờ một thời gian nữa để định hình rõ con đường mà Triều Tiên sẽ đi, nhưng xung lực đã có. Bản thân Kim, trong phát biểu sau khi gặp Trump, cũng ý thức rằng ông phải vượt qua xiềng xích của quá khứ.
"Vũ khí hạt nhân như một tấm bùa hộ mệnh, nó bảo vệ Triều Tiên nhưng cũng là gông cùm trói lấy Triều Tiên. Muốn thay đổi, ông Kim phải vứt bỏ hoàn toàn chiếc bùa hộ mệnh đó", ông Khương nói.
"Tôi có thể thấy được cảnh Mỹ mở sứ quán ở Bình Nhưỡng, hàng không của họ bay đi khắp nơi, khách du lịch lũ lượt".
Về địa chính trị, sẽ có nhiều lo lắng từ phía Trung Quốc hay Nhật Bản khi Triều Tiên mở cửa và bình thường hóa với Mỹ, cũng như thế giới. Nhưng ở mặt khác, theo ông Asano, một Triều Tiên mở cửa có thể đẩy lính Mỹ khỏi bán đảo Triều Tiên.
"Trung Quốc sẽ có cách của họ để không bị mất ưu thế khi Triều Tiên mở cửa. Họ lại không có tranh chấp biên giới với Triều Tiên nên mọi việc sẽ thuận lợi hơn, Bắc Kinh có thể đóng vai nhà thầu trong quá trình phát triển kinh tế. Khi nền kinh tế đã mở ra thì không thể đóng lại được", ông Khương nói.
"Triều Tiên sẽ ổn thôi", ông Asano nói.
Đến Singapore tìm kiếm những viễn tượng
Jan Lund, bình luận viên về châu Á của Jyllands-Posten (Đan Mạch), nói rằng dù đã 20 năm tường thuật về châu Á và hoài nghi Triều Tiên, ông thật sự thấy lạc quan về cuộc gặp vừa qua. Lund thừa nhận rằng sự lạc quan chỉ đến sau cuộc gặp, khi ông nhìn hàng chục chiếc màn hình liên tục tua lại cảnh Trump và Kim bắt tay, đi dạo trong vườn và Trump khoe với Kim chiếc xe "Quái thú".
"Tôi có thể tưởng tượng cảnh Kim nói với Trump rằng ông chắc có một chiếc xe đẹp, tôi có thể xem được không, thế là Trump nói 'tất nhiên rồi'. Họ có vẻ thật lòng muốn làm bạn với nhau", Lund nói.
"(Sự lạc quan này) chủ yếu vì tôi cảm thấy tin tưởng Kim Jong Un lần này".
Các chuyên gia hãy còn tranh cãi về mức độ thực thi của tuyên bố chung, vốn bị cáo buộc là không khác gì tuyên bố cấp bộ trưởng vào năm 1993. "Nhưng nội chuyện cuộc gặp diễn ra đã là thành công rồi", tiến sĩ Lim Tai Wei, Viện nghiên cứu Đông Á thuộc Đại học Quốc gia Singapore, nói với Zing.vn.
Còn rất nhiều điều khác như việc Triều Tiên đã né được một mốc thời gian cụ thể cho việc phi hạt nhân hóa, dù giáo sư cho rằng Bình Nhưỡng chính là bên sẽ đẩy nhanh quá trình này vì họ thật sự muốn được dỡ bỏ cấm vận. Tổng thống Donald Trump đã nói rằng Mỹ giữ các lệnh cấm vận cho đến khi họ chắc chắn thành tâm của Triều Tiên.
"Đến khi quá trình phi hạt nhân hóa đạt đến giai đoạn không thể đảo ngược và các thiết bị nguyên tử không sử dụng được nữa, khi đó Mỹ có thể cân nhắc dỡ bỏ lệnh trừng phạt. Sau đó người ta có thể nghĩ đến một hiệp định hòa bình và những dòng chảy đầu tư từ Mỹ, Nhật, Hàn Quốc và Trung Quốc vào Triều Tiên", ông Lim nói.
Về nhân quyền, dù tổng thống Mỹ nói rằng ông đã đề cập vấn đề này trong cuộc gặp với nhà lãnh đạo Triều Tiên, phần phát biểu mở đầu họp báo của ông lẫn tuyên bố chung không nhắc gì vấn đề này.
Ông Khương nói nhiều về một “tầm nhìn”, thứ đáng giá nhất để trở thành “át chủ bài” trong cuộc đàm phán với Triều Tiên và thuyết phục họ phi hạt nhân hóa, mở cửa ra với thế giới. Thay vì sự ép buộc Triều Tiên thay đổi theo các giá trị Mỹ, ông Trump đã mang đến hội đàm Mỹ - Triều một chiếc iPad, chiếu cho người Triều Tiên xem tầm nhìn về những nguồn lực từ nước ngoài sẽ đổ vào nền kinh tế Triều Tiên, công nghệ tiên tiến và những khám phá mới.
Việc thực thi tuyên bố chung tại Sentosa sẽ cần nhiều thời gian và sự "hứng khởi bay đầy trong không khí" (chữ dùng của Trump) ngay sau cuộc gặp sẽ lắng xuống. Tuy nhiên, nếu chúng ta nói về một viễn cảnh đẹp, thì Singapore, với Gardens by the Bay (Khu vườn bên Vịnh) mà ông Kim ghé qua, hẳn đã là những tầm nhìn đáng để Kim nghĩ về, rồi biết đâu Triều Tiên mới trở thành viễn tượng đẹp khác.
Theo Phương Thảo (Tri Thức Trực Tuyến)