Kim Jong Un sẽ là 'Đặng Tiểu Bình của Triều Tiên'?

23/04/2018 10:25:35

Từ chỗ vừa xây dựng năng lực răn đe hạt nhân vừa phát triển đất nước, Bình Nhưỡng giờ đây tuyên bố muốn tập trung hẳn vào việc tái thiết nền kinh tế. Phải chăng ông Kim đang muốn làm "Đặng Tiểu Bình của Triều Tiên"?

Kim Jong Un sẽ là 'Đặng Tiểu Bình của Triều Tiên'?
Ảnh công bố ngày 10-1-2016 cho thấy lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đi thăm Bộ Các lực lượng vũ trang nhân dân Triều Tiên nhân dịp năm mới - Ảnh: REUTERS

Kể từ khi lên lãnh đạo Triều Tiên, ông Kim Jong Un đã kêu gọi theo đuổi phát triển song song vũ khí hạt nhân và kinh tế nhằm mục đích xây dựng Triều Tiên thành một "cường quốc hạt nhân xã hội chủ nghĩa vĩ đại".

Thế nhưng hôm 21-4, ông Kim bất ngờ có động thái cho dừng chính sách mang dấu ấn trên của mình, mà vốn được biết tới là "Byungjin" hay "phát triển song song".

"Thắng lợi to lớn" giữa nghi ngờ

Chiến lược này nằm ở vị trí trung tâm trong kế hoạch phát triển của Triều Tiên dưới thời ông Kim Jong Un. Giờ đây ông Kim tuyên bố đã đến lúc đón nhận một "con đường chiến lược mới" và tập trung các nguồn lực của quốc gia để tái thiết nền kinh tế.

Đối với các vũ khí hạt nhân đang cất giữ trong kho, ông Kim về cơ bản tuyên bố năng lực đã hoàn thiện và Triều Tiên hiện nay không cần thiết phải thử thêm tên lửa hay hạt nhân, đồng thời sẽ đóng bãi thử hạt nhân duy nhất Punggye-ri.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên nói rằng chính sách "Byungjin" đã đạt được "thắng lợi to lớn" và kho vũ khí của nước này hiện có năng lực ngăn chặn các lực lượng thù địch.

Giới chuyên gia Hàn Quốc đánh giá ông Kim đang cho thấy sự sẵn sàng dẹp bỏ kho hạt nhân để đổi lại các lợi ích khác, như viện trợ kinh tế, hiệp ước hòa bình với Seoul và các cam kết đảm bảo an ninh từ Mỹ. Đây sẽ là các yếu tố cần thiết để Triều Tiên xây dụng lại nền kinh tế.

Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc và Nhật Bản đều hoan nghênh động thái, nhưng các nước này vẫn tỏ ra hoài nghi vì đây chỉ là một trong nhiều bước hướng tới phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên. Ngoài lời hứa trên, Triều Tiên không đề cập tới bước đi nào kế tiếp.

Ông Lee Sung Yoon, một chuyên gia về Triều Tiên tại Đại học Tufts (Mỹ), thì cho rằng quyết định của ông Kim chỉ là lặp lại một chiến thuật cũ kỹ của Triều Tiên. Đó là cố gắng "tung hỏa mù" để nhận được nhượng bộ từ các lực lượng thù địch, nhưng rồi lại không thật tâm từ bỏ vũ khí hạt nhân.

Các quan chức Mỹ nói rằng họ liên tục bị Triều Tiên "lừa lọc" trong các cuộc đàm phán về phi hạt nhân hóa trước đây. Một thỏa thuận vào năm 1994 đã đổ vỡ khi Mỹ cáo buộc Triều Tiên bí mật làm giàu uranium. Một thỏa thuận khác vào năm 2005 cũng chẳng ra hồn sau cuộc tranh cãi làm cách nào để xác minh đã đóng băng hạt nhân hoàn toàn. Còn năm 2012, Triều Tiên lại phóng tên lửa tầm xa sau khi cam kết dừng thử nghiệm.

Kim Jong Un sẽ là 'Đặng Tiểu Bình của Triều Tiên'? - 1
Nông dân đi làm đồng án ở Sangwon, Triều Tiên hồi năm 2017. Ông Kim Jong Un từng tuyên bố sẽ không để người dân "thắt lưng buộc bụng lần nữa"

Cơ hội làm "Đặng Tiểu Bình" sẽ đến?

Dưới chính sách "Byungjin", ông Kim Jong Un đẩy mạnh chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo xuyên lục địa. Cuối năm ngoái, ông tuyên bố đã hoàn thiện "lực lượng hạt nhân quốc gia". Thời điểm đó, nhà lãnh đạo Triều Tiên cũng đã tiến hành các cải cách theo định hướng thị trường, khởi động các dự án xây dựng quy mô ở thủ đô Bình Nhưỡng.

Theo báo New York Times, ông Kim cũng đã công bố kế hoạch mở các đặc khu kinh tế, nơi ông kỳ vọng sẽ thu hút các nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, giấc mơ này chỉ có thể đạt được nếu các vòng vây trừng phạt quốc tế nhằm vào Triều Tiên được dỡ bỏ.

"Ông Kim Jong Un đang tìm kiếm sự phát triển kinh tế mau lẹ như đã được chứng kiến tại Trung Quốc. Triều Tiên mà ông ấy mường tượng khác hẳn với Triều Tiên trong mắt cha của ông ấy (tức ông Kim Jong Il)" - ông Lee Jong Seok, một cựu quan chức làm việc trong Bộ Thống nhất Hàn Quốc, nhận định.

Vị chuyên gia đánh giá ông Kim Jong Un sẽ sẵn sàng từ bỏ vũ khí hạt nhân để đổi lấy phát triển kinh tế. Ông nói: "Chúng ta chỉ nhìn vào khía cạnh hạt nhân của chế độ ông Kim Jong Un, mà không cố nhìn vào khía cạnh khác. Nếu ông ấy chỉ hài lòng với việc đáp ứng người dân 3 bữa ăn mỗi ngày, ông ấy sẽ không từ bỏ vũ khí hạt nhân đâu!".

Cố lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Il, cha của ông Kim Jong Un, cầm quyền đất nước với chính sách "Songun", tức "Quân đội trước nhất". Theo đó, Bình Nhưỡng tập trung các nguồn lực để phát triển quân sự, tạo đặc quyền cho các tướng cấp cao để xuất khẩu khoáng sản và hải sản.

Quân đội đã đứng trung thành sau lưng ông Kim Jong Il khi ông dẫn dắt đất nước qua nạn đói thập niên 1990, mà đã cướp đi sinh mạng của hơn 2 triệu người.

Năm 2012, trong bài phát biểu công khai đầu tiên với tư cách là lãnh đạo Triều Tiên, Kim Jong Un nói rằng ông sẽ không để người dân "thắt lưng buộc bụng một lần nữa". Sự thừa nhận thất bại từ chính một thành viên của gia đình cầm quyền họ Kim khi đó được xem là một động thái đáng ngạc nhiên.

Năm 2013, đảng Lao động Triều Tiên đã thông qua chính sách "Byungjin". Họ khẳng định phát triển kinh tế đất nước sẽ chỉ diễn ra nếu quốc gia được đảm bảo anh ninh.

Trong một đại hội đảng hồi năm 2016, ông Kim nói rằng "Byungjin" không phải là một bước đi tạm thời, mà là một chiến lược vĩnh viễn. Trong một đại hội đảng khác hồi tháng 10-2017, ông Kim nói rằng Triều Tiên đã "hoàn toàn đúng đắn" khi theo đuổi chính sách "Byungjin".

Động cơ thật sự của Triều Tiên vẫn chưa cho thấy chắc chắn. Một số nhà phân tích đánh giá chính sự "đói khát" tuyệt vọng trước vòng vây trừng phạt quốc tế đã khiến ông Kim xuống nước như vậy, và ông có thể chỉ tạm thời dừng chương trình hạt nhân để đổi lấy sự nhượng bộ.

Tuy nhiên, ông Cheong Seong Chang - một chuyên gia cao cấp tại Viện Sejong ở Hàn Quốc - bình luận rằng trước mắt tuyên bố của ông Kim sẽ đáp ứng hơn nữa "sự trông mong của nhân dân Triều Tiên vào cải thiện kinh tế".

Nếu ông Kim nghiêm túc về phát triển kinh tế, ông sẽ cần sự giúp đỡ của thế giới. Giới chuyên gia đánh giá Triều Tiên đang đứng trước ngưỡng cửa giống với trường hợp của Trung Quốc vào thời kỳ lãnh đạo của Đặng Tiểu Bình thập niên 1980 khi việc mở cửa với phương Tây đã đem lại cơ hội to lớn cho sự phát triển kinh tế vượt bậc của Trung Quốc.

"Ông Kim Jong Un sẽ trở thành Đặng Tiểu Bình của Triều Tiên hay không sẽ tùy thuộc liệu cộng đồng quốc tế, gồm Mỹ và Hàn Quốc, có thể cung cấp những đảm bảo về an ninh và cơ hội phát triển để Triều Tiên phi hạt nhân hóa hay không" - ông Cheong đánh giá.

Kim Jong Un sẽ là 'Đặng Tiểu Bình của Triều Tiên'? - 2
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un (trái) bắt tay với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong chuyến thăm Trung Quốc hồi cuối tháng 3 - Ảnh: REUTERS

Đặng Tiểu Bình được biết tới là người tung ra kế hoạch "cải cách mở cửa" và chính sách này đã được Hội nghị trung ương III khóa 11 vào tháng 11-1978 chính thức thông qua.

Chính sách của Đặng Tiểu Bình chú trọng đặc biệt tới khía cạnh mở cửa, cụ thể là nhắm tới các nước phương Tây. Nó đã đánh dấu sự thay đổi đáng kể và phát triển chóng mặt của nền kinh tế Trung Quốc trong 30 năm sau đó.

Theo Bình An (Tuổi Trẻ)

Nổi bật