Nhưng hiện chưa rõ ông Putin có thể hoặc sẽ đồng ý những gì.
Quan hệ giữa Bình Nhưỡng và Moscow không phải lúc nào cũng suôn sẻ dù hai bên từng là láng giềng hữu hảo. Vậy trong hành trình tới Nga cho cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên với Tổng thống Putin, ông Kim Jong Un mang theo những gì?
Theo hãng tin AP, nhà lãnh đạo Triều Tiên có hai mối quan tâm khẩn thiết.
Hơn 10.000 lao động Triều Tiên hiện vẫn đang làm việc ở Nga, chủ yếu trong lĩnh vực khai thác gỗ vùng Viễn Đông, và họ sẽ phải về nước vào cuối năm nay khi theo nghị quyết cấm vận của Liên Hợp Quốc năm 2017.
Đội ngũ nhân công này – trước kia được thống kê vào khoảng 50.000 người – cung cấp cho Bình Nhưỡng một nguồn thu mà giới chức Mỹ ước tính lên đến hàng trăm triệu đôla. Chính quyền Kim Jong Un rất muốn nguồn tiền đó tiếp tục chảy về nước.
Ông Kim cũng quan tâm đến viễn cảnh thiếu lương thực trong mùa hè này. Nga đã thể hiện thiện chí cung cấp hỗ trợ nhân đạo, và mới tháng trước công bố đã chuyển hơn 2.000 tấn mì tới cảng Chongjin của Triều Tiên.
Nhưng ý định của người đứng đầu Triều Tiên khi công du Nga còn lớn hơn thế. Dù đối thoại với Mỹ toàn về phi hạt nhân hóa nhưng trọng tâm hàng đầu của Kim Jong Un vẫn là cải thiện kinh tế đất nước.
Sau khi thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2 sụp đổ, mọi nỗ lực của Kim Jong Un nhằm thoát khỏi những đòn cấm vận cản trở ông đạt mục tiêu đã rơi vào bế tắc.
Trung Quốc là một đối tác thương mại chính của Triều Tiên nhưng sự phụ thuộc vào nước láng giềng khiến cho giới chức Bình Nhưỡng cảm thấy lo lắng. Ông Kim cũng thúc đẩy Hàn Quốc tham gia vào các dự án liên Triều nhằm tái thiết hệ thống đường sắt và cải thiện cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, lời kêu gọi thống nhất của ông lại đi ngược mối quan hệ liên minh Mỹ - Hàn trong khi Washington từng cảnh báo Seoul không hành động ảnh hưởng đến cấm vận Triều Tiên.
Theo các tài liệu nội bộ mà một nhà nghiên cứu Hàn Quốc có được và cung cấp cho một tờ báo Nhật Bản đăng tải, ông Kim muốn thúc đẩy thương mại với Nga gấp 10 lần – lên đến 1 tỷ USD vào năm 2020.
Để đạt được mục tiêu đó, Triều Tiên phải được nới lỏng cấm vận đáng kể nhưng viễn cảnh này khó có thể xảy ra. Tuy nhiên, nó đòi hỏi Nga phải thay đổi hành xử.
Không giống Trung Quốc, Nga có ít dấu ấn ở Triều Tiên hơn. Các nhà chức trách từ lâu đã nói về các dự án lớn – trong đó có các tuyến đường sắt tới châu Âu, đường ống dẫn dầu trên Bán đảo Triều Tiên – nhưng tất cả đều chưa trở thành hiện thực.
Cuộc gặp Putin – Kim diễn ra sau hơn một năm nhà lãnh đạo Triều Tiên thông báo kế hoạch thoát khỏi cô lập quốc tế và mở rộng quan hệ ngoại giao với Trung Quốc và Hàn Quốc, đồng thời mở cửa đối thoại phi hạt nhân hóa với Washington. Đến nay ông đã bốn lần gặp Chủ tịch Trung Quốc, ba lần gặp Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In và hai lần gặp lãnh đạo Mỹ Donald Trump.
Các hoạt động ngoại giao liên tiếp đã nâng tầm vị thế của Kim Jong Un trên trường quốc tế. Nhưng hội nghị Trump – Kim ở Hà Nội không mang lại kết quả như mong đợi khi không có thỏa thuận nào được ký kết và cấm vận cũng không được dỡ bỏ. Hai bên càng khó đàm phán cứng rắn hơn.
Việc Kim Jong Un quyết định sang Nga gặp Putin có thể cho thấy ông đang không hài lòng về những gì đã diễn ra thời gian qua. Putin là người có kinh nghiệm với các lãnh đạo Triều Tiên hơn cả. Ông từng thăm Bình Nhưỡng năm 2000, gặp Chủ tịch Kim Jong Il, bố của Kim Jong Un, ở Moscow năm 2001 và ở Vladivostok năm 2011.
Giống như Kim Jong Un, ông Putin không ưa việc Washington sử dụng cấm vận như một công cụ chính trị. Dù chỉ một thông cáo thận trọng thể hiện tình đoàn kết với Bình Nhưỡng, hay một sự bác bỏ chính sách “áp lực tối đa” của Washington được đưa ra, thì nó cũng đều mang ý nghĩa chiến thắng cho Kim Jong Un.
Nhưng Putin có nhiều lý do để thận trọng về các cam kết mới quan trọng. Ông không muộc chọc giận Trung Quốc, đặc biệt là sau thượng đỉnh Nga – Triều, ông bay luôn sang Bắc Kinh dự diễn đàn “Vành đai và Con đường”.
Nếu ông Putin chọn cách tiếp cận thực tiễn hơn với Triều Tiên thì các nỗ lực của Washington nhằm thúc ép Kim Jong Un giải trừ hạt nhân sẽ phức tạp hơn nhiều. Nhà lãnh đạo Nga từng phản đối cách tiếp cận tập trung vào trừng phạt của người đồng cấp Mỹ. Ông còn muốn làm suy yếu ảnh hưởng của Washington trong khu vực.
Do vậy, kể cả chưa có ý định tạo ra bất kỳ sự thay đổi tức thời nào trong chính sách đối với Triều Tiên, ông Putin vẫn có một cơ hội tốt từ cuộc gặp với Kim Jong Un nhằm chứng tỏ ông là một chủ thể tích cực trong cuộc cạnh tranh ảnh hưởng chính trị liên quan Triều Tiên.
Đối với Chủ tịch Kim, do áp lực từ Washington khó có thể chấm dứt sớm, nên việc duy trì mọi lựa chọn để ngỏ có ý nghĩa vô cùng quan trọng.
Theo Thanh Hảo (VietNamNet)