Sau khi "rã băng" quan hệ với Hàn Quốc trong thời gian tổ chức Thế vận hội mùa đông, lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un bất ngờ thăm Bắc Kinh ngày 25 - 28/3, đánh dấu chuyến thăm nước ngoài đầu tiên của ông từ khi lên nắm quyền vào năm 2011. Kim Jong-un sẽ có buổi làm việc với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in vào tháng 4 - động thái mở đầu cho cuộc họp dự kiến với Trump vào tháng 5.
Sự căm ghét nước Mỹ là một trong những nguyên tắc cơ bản từ thời thành lập của Triều Tiên. Kim Nhật Thành lên nắm quyền vào năm 1948 và xây dựng tư tưởng quốc gia xoay quanh học thuyết Juche (Chủ thể), đề cao tự lực tự cường và cực đoan dân tộc. Hậu duệ của ông tiếp tục củng cố quyền lực bằng cách tuyên truyền rằng các quốc gia khác đang âm mưu phá hủy Triều Tiên dựa trên sự hậu thuẫn của Mỹ, theo Time.
Tại sao chỉ trong vòng vài tháng, hai lãnh đạo kiêu hãnh nhất thế giới có thể đi từ chế giễu lẫn nhau tới thể hiện sự tôn trọng bằng một cuộc gặp mặt trực tiếp?
Với ông Kim, câu trả lời ngắn gọn là tài chính và an ninh. Ba đợt trừng phạt mới của Liên Hợp Quốc (LHQ) với Triều Tiên từ khi Trump nhậm chức đã chặn đứng các nguồn thu chính từ xuất khẩu than đá, lao động và vải của nền kinh tế bị cô lập và đang lao đao. Kim Jong-un cũng biết Bình Nhưỡng sẽ thua trong bất cứ cuộc chiến thực sự nào. Theo các chuyên gia, điều này ám chỉ ông Kim có thể sẽ đưa việc xóa bỏ chương trình hạt nhân lên bàn cân và chấp thuận ngừng thử vũ khí.
Mỹ và đồng minh có nhiều động lực để ngồi vào bàn đàm phán với ông Kim, nhưng tất cả đều sẽ hưởng lợi từ việc vô hiệu hóa một quốc gia hạt nhân. Hàn Quốc có thể bị tổn hại nặng nề nếu chịu sự tấn công từ biên giới Triều Tiên. Trung Quốc và Nhật Bản - hai nền kinh tế lớn của thế giới - cũng sẽ gặp rủi ro nghiêm trọng nếu có giao tranh trên bán đảo.
Địa lý không còn là lợi thế của nước Mỹ. Các chuyên gia cho rằng Bình Nhưỡng có thể tấn công vùng nội địa của Mỹ bằng bom xung điện từ hạt nhân, gây hỗn loạn mạng lưới điện, các dịch vụ công, cơ sở hạ tầng và bất cứ ngành công nghiệp nào phụ thuộc vào chúng. Nếu Mỹ tấn công phủ đầu Triều Tiên, họ có nguy cơ làm lung lay mối quan hệ các với đồng minh Đông Á.
Tại một nhà hàng ở khu Gangnam, Hàn Quốc, người có chức vụ cao nhất từng đào tẩu khỏi Triều Tiên dưới thời Kim Jong-un tiết lộ tư duy của người từng là lãnh đạo tối cao của mình. Clive (tên được thay đổi để bảo đảm an toàn) cho biết ông quyết định bỏ trốn do một họ hàng gần đã đào tẩu, đồng nghĩa với việc sớm muộn ông cũng sẽ bị tống vào trại lao động khổ sai.
Clive tin rằng Kim Jong-un có thể thực sự muốn "làm lành" với Washington để cải thiện cuộc sống của 25 triệu dân Triều Tiên. Ông cũng tin người đứng đầu Bình Nhưỡng có thể sẽ đồng ý giải trừ vũ khí hạt nhân để đổi lại một hiệp ước phòng thủ đa phương với 4 người hàng xóm có ảnh hưởng lớn nhất - Nga, Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản - được LHQ phê chuẩn, được quốc hội Mỹ thông qua và Tổng thống Trump xác nhận. Để đạt được thỏa thuận này, Kim Jong-un có thể còn không có ý kiến gì về việc Mỹ giữ lại 28.500 lính đang đóng ở Hàn Quốc.
Những điều đó chỉ có thể đạt được nếu vượt qua hàng rào nghi ngờ và hiềm khích lịch sử, và lợi ích tiềm năng về kinh tế có thể khiến Triều Tiên cố thực hiện điều đó. Quan hệ có chiều hướng rã băng với Tokyo có thể sẽ đem lại nguồn lợi thiết yếu cho Bình Nhưỡng. Triều Tiên chưa nhận được tiền đền bù vi phạm nhân quyền của Nhật Bản trong thời kỳ quốc gia này chiếm đóng bán đảo (1910 - 1945). Năm 1965, Hàn Quốc nhận được 800 triệu USD tiền tài trợ và cho vay từ Nhật trong dàn xếp tương tự. Nếu quan hệ giữa Triều Tiên và Nhật Bản trở nên tốt đẹp hơn, Triều Tiên có thể nhận được 5 -10 tỷ USD tiền đền bù dưới hình thức tương tự như ở Hàn Quốc.
Thỏa thuận đa quốc gia mà Clive mong đợi sẽ vấp phải nhiều khó khăn. Nga, Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản phải gạt những xung đột về lợi ích sang một bên. Quốc hội Mỹ cũng khó thông qua thỏa thuận vì đảng Cộng hòa thường không muốn làm theo dẫn dắt của LHQ. Hơn nữa, Trump cũng có xu hướng phản đối các thỏa thuận đa phương.
Chuyến đi bất ngờ của ông Kim tới Bắc Kinh cho thấy ông có thể cần sự trợ giúp của Trung Quốc trong đàm phán với Mỹ. Ngược lại, ông Tập có thể dùng mối quan hệ với Triều Tiên để làm đòn bẩy khiến Mỹ nhượng bộ trong vấn đề thuế nhập khẩu gần đây.
Tính cách của Kim và Trump là một yếu tố khó đoán khác. Ông Trump có vẻ thoải mái hơn những người tiền nhiệm. Ông đã chúc mừng Putin tái đắc cử và khen ngợi quyết định bỏ giới hạn nhiệm kỳ chủ tịch của ông Tập. Những người ủng hộ Trump cho rằng sự thoải mái này thể hiện tư duy linh hoạt của một nhà giao dịch. Nhà khoa học chính trị Cheong Seong-chang của Viện Sejong, Hàn Quốc, nhận định: "Tôi thấy một số điểm tương đồng giữa Trump và Kim Jong-un. Họ ăn nói khoa trương, nhưng là người thực dụng".
Tất nhiên, điều đó không có nghĩa họ có thể dễ dàng phá bỏ mối bất hòa 50 năm qua. Cuộc gặp còn đối mặt với hàng loạt trở ngại như hoạt động rời rạc của Bộ ngoại giao Mỹ dưới thời Trump, Hàn Quốc vẫn chưa có đại sứ tại Mỹ, Joseph Yun, chính trị gia hàng đầu của Mỹ gắn bó với các chính sách về Triều Tiên, đã từ bỏ chính trường vào tháng hai.
Nhiều người cũng lo ngại cuộc gặp diễn ra quá gấp gáp. Các cuộc gặp thượng đỉnh thường được tổ chức sau một loạt cuộc họp quy mô nhỏ kéo dài. Trong khi đó, Trump và Kim đang đặt mọi thứ vào một cuộc họp. "Nếu tất cả bung bét, mọi chuyện sẽ ra sao? Đó sẽ là dấu chấm hết của ngoại giao", chính trị gia giấu tên của Mỹ cho biết.
Ngay cả khi hai bên đạt được thỏa thuận, họ vẫn đối mặt với một câu hỏi khó là làm thế nào để thực hiện. Không có cách nào xác định được tất cả vũ khí hạt nhân của Triều Tiên và các chuyên gia cho rằng Bình Nhưỡng sẽ giữ bí mật một phần. Mức giải trừ vũ khí hạt nhân cao nhất được dự đoán là vào khoảng 80 - 90%.
Có vẻ Mỹ không có nguồn tin tình báo ở Triều Tiên, cũng như không có cách nào để tiếp cận dữ liệu máy tính ở quốc gia khép kín này. Bình Nhưỡng được cho là có một mạng lưới cơ sở hạ tầng quân sự ngầm, thông tin về chúng được những người đứng đầu quân đội nắm giữ.
Dự đoán của Clive về trường hợp đàm phán thất bại khá ảm đạm: "Triều Tiên sẽ tiếp tục tăng sức ép với Mỹ qua việc đẩy mạnh hạt nhân". Clive cho rằng Triều Tiên thậm chí có thể bán công nghệ và vũ khí hạt nhân cho khủng bố và các nhóm tội phạm để thúc đẩy nền kinh tế trì trệ, cũng như có thêm sức nặng trong thương lượng.
"Giờ là thời điểm để yêu cầu Triều Tiên chấm dứt thử vũ khí nhằm ngăn chặn viễn cảnh họ sản xuất 50 tên lửa xuyên lục địa với đầu đạn hạt nhân", Daryl G. Kimball, giám đốc điều hành của Hiệp hội Kiểm soát Vũ khí, cho biết. "Vì nếu không làm được điều đó, vấn đề sẽ trầm trọng hơn nhiều".
Theo Minh Hằng (VnExpress.net)