Reuters hôm qua dẫn lời một quan chức cấp cao giấu tên của Mỹ cho biết Triều Tiên đã thay thế ba quan chức quân đội hàng đầu gồm Bộ trưởng Quốc phòng Pak Yong-sik, Tổng tham mưu trưởng Ri Myong-su và Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Kim Jong-gak.
Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA hồi tháng trước xác nhận tướng Kim Jong-gak được thay thế bởi tướng Kim Su-gil, người tháp tùng lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tới một khu vực du lịch biển cùng các quan chức khác.
Báo Asahi Shinbum của Nhật tiết lộ trung tướng No Kwang-chol sẽ trở thành Bộ trưởng Quốc phòng mới, trong khi Tổng tham mưu trưởng Ri Myong-su bị thay thế bởi cấp phó Ri Yong-gil.
Truyền thông Nhật Bản cho rằng Triều Tiên đang đưa những tướng lĩnh ôn hòa lên vị trí chủ chốt trước khi lãnh đạo Kim Jong-un lên đường tới Singapore tham dự hội nghị thượng đỉnh với Tổng thống Mỹ Donald Trump vào ngày 12/6. Đây có thể là động thái nhằm ngăn ngừa một cuộc đảo chính khi Kim Jong-un rời khỏi Triều Tiên trong nhiều ngày.
Trong những năm sau khi lên nắm quyền, Kim Jong-un đã nỗ lực củng cố quyền lực đối với quân đội. Tuy nhiên, khả năng kiểm soát lực lượng này của Kim Jong-un vẫn chưa thể hiện rõ ràng, nhất là khi lãnh đạo Triều Tiên đang áp dụng một loạt thay đổi lớn về chính sách đối ngoại và quốc phòng.
Một số chuyên gia Mỹ từng cảnh báo việc Bình Nhưỡng đối thoại trực tiếp, tỏ ra thân thiện với Washington và Seoul có thể bị coi là mối đe dọa với một số tướng quân đội Triều Tiên.
"Chưa thể rõ liệu toàn bộ chính quyền và giới lãnh đạo quân đội Triều Tiên có chấp nhận sự thay đổi đột ngột trong chính sách đối ngoại của Kim Jong-un hay không. Việc Kim Jong-un mời một tổng thống Mỹ cùng đối thoại dường như là bước đi nguy hiểm, có thể đe dọa tới vai trò tương lai của những quan chức theo đường lối cứng rắn", chuyên gia Tyler Rogoway của Drive nhận định.
Tình báo Mỹ từng đánh giá âm mưu đảo chính là một trong những nguy cơ lớn nhất mà Kim Jong-un phải đối mặt khi tới Singapore, quốc gia ở cách khá xa Triều Tiên. Quan hệ lạnh nhạt giữa Triều Tiên và Trung Quốc, đồng minh lâu năm và là nước bảo trợ lớn nhất của Bình Nhưỡng, cũng khiến nguy cơ này tăng lên.
Hành động thay thế cùng lúc ba quan chức hàng đầu trong quân đội Triều Tiên dường như thể hiện sự bất ổn trong đội ngũ lãnh đạo lực lượng này. Một điều đáng chú ý khác là trong những lần xuất hiện gần đây của Kim Jong-un, các quan chức quân sự ngày càng ít hiện diện, trong khi Kim Yo-jong, em gái lãnh đạo Triều Tiên, lại ra mặt nhiều hơn so với trước đây.
Một vấn đề khác là người thực sự nắm quyền chỉ huy lực lượng tên lửa đạn đạo và vũ khí hạt nhân của Triều Tiên khi Kim Jong-un ra nước ngoài. Kim Jong-un khó sở hữu "chiếc cặp hạt nhân" như các tổng thống Mỹ, bởi Triều Tiên không có hệ thống vệ tinh độc lập để giúp lãnh đạo này kết nối với lực lượng hạt nhân từ xa.
Bởi vậy, lực lượng tối quan trọng này nhiều khả năng sẽ được đặt dưới quyền chỉ huy tạm thời của một quan chức quân sự trong thời gian Kim Jong-un tới Singapore.
Dường như việc thay thế các quan chức đứng đầu quân đội bằng những người ôn hòa, được Kim Jong-un tin cẩn sẽ bảo đảm kho vũ khí chiến lược của Triều Tiên không bị mất kiểm soát khi lãnh đạo này họp thượng đỉnh với Trump, chuyên gia Rogoway nhận định.
Theo Vũ Anh (VnExpress.net)