Thông báo của Tổng tư lệnh Ukraine
"Pháp đang lên kế hoạch cử các huấn luyện viên quân sự tới Ukraine để hỗ trợ đào tạo quân đội" - Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Ukraine Oleksandr Syrskyi cho biết vào tối 27/5, sau cuộc họp video với Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Sebastien Lecornu.
Theo tờ Kyiv Independent, thông báo của ông Syrskyi được đưa ra sau khi có thông tin cho biết, một số quốc gia thành viên NATO đang thảo luận khả năng đưa các huấn luyện viên quân sự hoặc nhà thầu quân sự tới Ukraine để hỗ trợ Kiev huấn luyện quân đội và sửa chữa thiết bị.
Hôm 16/5, theo tờ New York Times, Kiev đã chính thức đề nghị Mỹ và các nước NATO khác giúp huấn luyện 150.000 binh sĩ gần tiền tuyến.
Liên quan tới kế hoạch điều quân của Pháp, Syrskyi cho biết ông đã ký các văn bản cho phép nhóm huấn luyện viên đầu tiên của Pháp tới các trung tâm đào tạo của Ukraine để "xem xét cơ sở hạ tầng, cũng như đội ngũ nhân viên".
"Tôi tin rằng quyết tâm của Pháp sẽ khuyến khích các đối tác khác cùng tham gia dự án đầy tham vọng này" - Ông Syrskyi nói.
Trả lời phỏng vấn của Reuters, Bộ Quốc phòng Pháp cho hay: "Như chúng tôi đề cập nhiều lần, huấn luyện quân trên lãnh thổ Ukraine là một trong những dự án đã được thảo luận kể từ Hội nghị về hỗ trợ Ukraine do Tổng thống nước Cộng hòa tổ chức hôm 26/2.
Giống như tất cả các dự án được thảo luận vào thời điểm đó, dự án này tiếp tục trở thành chủ đề trao đổi giữa chúng tôi với phía Ukraine, đặc biệt nhằm hiểu rõ nhu cầu chính xác của họ".
Bộ Quốc phòng Ukraine đồng thời xác nhận, các cuộc thảo luận giữa Kiev, Paris và một số nước khác liên quan tới việc đưa huấn luyện viên nước ngoài tới đào tạo binh sĩ trên lãnh thổ Ukraine "đang được tiến hành".
Hiện tại, Bộ Quốc phòng, cùng với Bộ Tổng tham mưu các lực lượng vũ trang Ukraine đã bắt đầu xử lý các văn bản cần thiết cho vấn đề này để không mất thời gian giải quyết thủ tục hành chính sau khi quyết định được thông qua.
Trước đó, hôm 3/5, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tuyên bố, Pháp sẽ cân nhắc đưa quân tới Ukraine nếu "Nga bẻ gãy phòng tuyến của Ukraine, và Kiev đề nghị giúp đỡ".
Tờ Asia Times ngày 4/5 đăng tải bài viết của cựu trợ lý Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Stephen Bryen cho biết, Pháp đã đưa tới Ukraine nhóm quân đầu tiên, gồm 100 binh sĩ được huy động từ Trung đoàn bộ binh số 3 - một trong những thành phần chính của Quân đoàn nước ngoài (Légion étrangère) mà Pháp thành lập.
Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Pháp sau đó phủ nhận thông tin này.
Tới ngày 17/5, Đài phát thanh (RTL) của Pháp cho hay, Pháp đang tập hợp và thử nghiệm tại Estonia (quốc gia giáp ranh Nga) một nhóm quân trinh sát (gọi tắt là FRAN) với những khả năng "sẽ hữu ích ở Ukraine".
FRAN chịu trách nhiệm thọc sâu vào phòng tuyến đối phương mà không bị phát hiện. Năng lực của họ không chỉ giúp đảm bảo an toàn cho các hoạt động trinh sát, mà còn cho phép chiếm được chiến hào của đối phương.
Thượng sĩ Quentin của Pháp nhấn mạnh rằng, địa hình của Estonia "rất giống Ukraine, với vùng đồng bằng rộng lớn ở phía đông". Nhóm trinh sát của Pháp sẽ gồm các "chiến binh siêu tàng hình" sử dụng dữ liệu từ máy bay không người lái (UAV).
Đáng lưu ý, một ngày trước thông báo của Ukraine về kế hoạch cử huấn luyện viên của Pháp, theo tạp chí Spiegel (Đức), 3 nước Baltic (gồm Estonia, Lithuania, Latvia) và Ba Lan đã gửi "cảnh báo nghiêm khắc tới Moscow" khi tuyên bố sẵn sàng đưa quân tới Ukraine trong trường hợp quân đội Nga "bẻ gãy" phòng tuyến Ukraine và đạt được thành công lớn trên mặt trận.
Tổng thống Estonia Alar Karis nhấn mạnh rằng, "điều quan trọng nhất hiện nay là ngăn chặn chỗ máy quân sự của Nga ở Ukraine".
"Chúng tôi sẽ làm mọi thứ có thể để buộc Nga phải 'quỳ gối'. Sau đó, các cuộc đàm phán nghiêm túc mới có thể bắt đầu nhằm chấm dứt cuộc chiến ở Ukraine" - Ông Karis nói.
Nga phản ứng
Phản ứng về ý định điều quân của Pháp, Ba Lan, cũng như các nước Baltic tới Ukraine, Trưởng phái đoàn Nga Konstantin Gavrilov về đàm phán an ninh quân sự và kiểm soát vũ khí tại Vienna (Áo) cho biết:
Thực chất các nước này đã đưa lực lượng, với tư cách là "lính đánh thuê", tới Ukraine ngay từ khi bắt đầu Chiến dịch quân sự đặc biệt do Nga phát động tháng 2/2022.
Ông Gavrilov lưu ý, Ba Lan đã cử ít nhất 2.960 "lính đánh thuê" tới Ukraine, trong đó 1.497 người đã bị lực lượng Nga loại bỏ.
"Trong khi đó, mỗi quốc gia vùng Baltic đã điều động 170-190 chiến binh để chiến đấu cho lực lượng vũ trang Ukraine, song tổn thất của họ cũng lên tới 50-60%. Cần lưu ý rằng, Pháp - quốc gia luôn phủ nhận việc đưa quân tới Ukraine - đã mất 147/356 "lính đánh thuê" mà họ cử tới" - ông Gavrilov cho hay.
Liên quan tới phát ngôn khiêu khích của Tổng thống Estonia Karis, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova bình luận "Ông Karis sẽ làm như thế nào đây? Cứ để ông ta thể hiện".
Trước đó, hôm 5/5, Phó Chủ tịch thứ nhất Ủy ban Quốc phòng Duma Quốc gia Nga Alexey Zhuravlev cho hay, Nga đã biết Pháp bí mật điều binh sĩ tới Ukraine để tham gia vào các trận chiến chống lại Nga.
Quan chức Nga cáo buộc Pháp đã điều quân tới Ukraine từ lâu dưới danh nghĩa "tình nguyện viên hỗ trợ nhân đạo". Vì thế, việc loại bỏ quân Pháp lâu nay đã trở thành một nhiệm vụ khác của lực lượng Nga tại Ukraine.
Tiêu biểu, theo ông Zhuravlev, vào ngày 14/1 năm nay, một đơn vị quân do Pháp đưa đến đã bị loại khỏi vòng chiến đấu trong cuộc tấn công bằng tên lửa của Nga vào các mục tiêu ở Kharkiv.
"Sự xuất hiện của lính đánh thuê Pháp và trang bị đi kèm mang tới một nhiệm vụ trước mắt cho chúng tôi: Tiêu diệt lính đánh thuê, loại bỏ trang bị của họ.
Phần việc còn lại là chờ đợi, chừng nào sự kiên nhẫn của lãnh đạo Nga bị đẩy đến giới hạn, một cuộc tấn công sẽ được phát động vào các trung tâm hậu cần gửi thiết bị và quân lực (đến Ukraine) của Pháp và Ba Lan" – Ông Zhuravlev cảnh báo.
Trong khi đó, người phát ngôn Điện Kremlin Dimitry Peskov hôm 20/3 tiết lộ, Tổng thống Putin "đã chuẩn bị sẵn phương án đáp trả việc Pháp điều binh hỗ trợ Ukraine".
Theo Nhật Minh (Nguoiduatin.vn)