Ukraine yêu cầu Turkmenistan bắt giữ ông Putin
Hãng tin RT (Nga) đưa tin, Bộ Ngoại giao Ukraine đã đưa ra "lời cảnh báo nghiêm khắc" đối với Turkmenistan, yêu cầu các quan chức nước này xem xét lại việc tiếp đón Tổng thống Nga Vladimir Putin trong tuần này.
Kiev nhấn mạnh, lệnh bắt giữ ông Putin do Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) ban hành, đồng thời nhắc nhở Turkmenistan về "nghĩa vụ pháp lý của mình", mặc dù trên thực tế Ashgabat không phải là thành viên của ICC và không công nhận thẩm quyền của ICC.
Trong tuyên bố phát đi, Ukraine kêu gọi "tất cả các quốc gia coi trọng mạng sống con người, luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên Hợp Quốc, tránh tiếp xúc với ông Putin và không tổ chức bất cứ sự kiện chung nào với nhà lãnh đạo Nga".
Theo hãng thông tấn Interfax, Tổng thống Putin đã bắt đầu chuyến công du tới Ashgabat từ ngày 11/10 để tham dự một diễn đàn quốc tế và gặp gỡ Tổng thống Iran Masoud Pezeshkian tại đây.
Diễn đàn "Mối quan hệ giữa thời đại và nền văn minh - Cơ sở của hòa bình và phát triển" được Turkmenistan tổ chức nhân dịp lễ kỷ niệm 300 năm ngày mất của nhà thơ và triết gia Turkmenistan Magtymguly Fragi.
Các nhà lãnh đạo từ các quốc gia láng giềng của Turkmenistan, chẳng hạn như Kazakhstan, Kyrgyzstan, Mông Cổ, Tajikistan và Uzbekistan, cùng một số quốc gia khác đã được mời tham dự sự kiện này.
Trong chuyến thăm, ông Putin có bài phát biểu tại phiên họp toàn thể của diễn đàn và tổ chức một số cuộc gặp riêng, trong đó có cuộc họp với ông Pezeshkian.
Trợ lý tổng thống Nga Yury Ushakov trước đó cho biết, ông Putin và ông Pezeshkian sẽ thảo luận về cả các vấn đề song phương và tình hình xấu đi ở Trung Đông.
Đây không phải là lần đầu tiên Ukraine yêu cầu quốc gia khác bắt giữ Tổng thống Putin theo lệnh truy nã của ICC. Vào tháng 8 năm nay, cả ICC và Ukraine đều đồng loạt yêu cầu Mông Cổ bắt giữ Tổng thống Nga Vladimir Putin khi ông đặt chân tới lãnh thổ nước này.
Khác với Turkmenistan, Mông Cổ là thành viên của ICC. Trên lý thuyết, Mông Cổ cần tuân theo các quy định về nghĩa vụ đối với quốc gia từng ký hiệp ước Rome của ICC, nhưng nước này đã từ chối bắt giữ nhà lãnh đạo Nga.
Đại diện phát ngôn của chính phủ Mông Cổ lưu ý: "Mông Cổ luôn duy trì chính sách trung lập trong mọi quan hệ ngoại giao của mình, như đã nêu trong các tuyên bố của chúng tôi cho đến nay".
Bên cạnh đó, theo hãng tin RT, chính phủ Mông Cổ cho biết, sự sống còn của quốc gia này phụ thuộc nhiều vào năng lượng nhập khẩu từ Nga. Đó là lý do khiến họ không thể làm theo yêu cầu của ICC.
Hé lộ đặc quyền của ông Putin tại Turkmenistan
Theo tờ Times of India, trái ngược với mong đợi của Ukraine, Turkmenistan đã phớt lờ yêu cầu của Kiev và dành sự chào đòn nồng ấm cho Tổng thống Nga ngay từ khi chiếc máy bay IL-76 chở nhà lãnh đạo Nga hạ cánh xuống sân bay quốc tế Ashgabat.
Đoạn video do Điện Kremlin công bố sau đó cho thấy ông Putin được xe đưa đến địa điểm tổ chức hội nghị trong khuôn khổ diễn đàn, bắt tay với Tổng thống Turkmenistan Serdar Berdymukhamedov, sau đó phát biểu tại hội nghị.
Ông Vladislav Pozdnyakov - blogger nổi tiếng ở Nga - chỉ ra một chi tiết thú vị trong chuyến công du của ông Putin. Theo đó, nhà lãnh đạo Nga đã di chuyển quanh Ashgabat trên chiếc Aurus màu đen.
Đáng lưu ý, kể từ năm 2018, Turkmenistan đã ban hành lệnh cấm lái các loại xe hơi không phải màu trắng hoặc màu sáng (thường là màu bạc).
Quy định này do cựu Tổng thống Gurbanguly Berdymukhamedov (cha của ông Serdar Berdymukhamedov) ban hành, ông cho rằng màu trắng là màu may mắn, đồng thời là biểu tượng của sự thuần khiết và phồn thịnh.
Bên cạnh đó, các nhà chức trách Turkmenistan giải thích rằng, biện pháp này được đưa ra do lo ngại cho người dân: Do nhiệt độ cao, các thành phần tối màu của xe hơi sẽ nóng lên, ảnh hưởng xấu tới sức khỏe của người điều khiển phương tiện và người ngồi trên xe.
Thời điểm đó, các xe màu đen ở Turkmenistan đã bị vận chuyển đến các kho xe của chính phủ và sau đó trả lại cho chủ nhân với lệnh phải sơn lại màu trắng.
"Chỉ có ông Putin mới được phép làm điều mà không ai khác được làm ở Ashgabat. Lệnh cấm của Turkmenistan không áp dụng với Tổng thống của chúng tôi" - Pozdnyakov cho hay, hình ảnh "chiếc xe của ông Putin trên đường phố Ashgabat" đã gây sửng sốt khi được chia sẻ trên internet.
"Ông Putin đã tới hội nghị tại Turkmenistan bằng chiếc xe limousine chống đạn màu đen do Nga sản xuất, mặc dù chỉ có xe màu trắng hoặc màu bạc mới được phép lái ở Turkmenistan" - Tờ Telegraph (Anh) chỉ ra.
Trong khi đó, tờ The Sun (Anh) bình luận rằng, hình ảnh chiếc xe màu đen của ông Putin lăn bánh trên đường phố Ashgabat là khoảnh khắc "phá vỡ một điều luật kỳ lạ" khi tới Turkmenistan.
Tờ báo cho biết, Turkmenistan là một phần của Liên Xô trước năm 1991. Kể từ khi trở thành quốc gia độc lập, mối quan hệ giữa Turkmenistan với Nga đã có sự dao động nhưng vai trò của Moscow đối với Ashgabat vẫn rất quan trọng, đặc biệt là trong các lĩnh vực kinh tế và an ninh.
Hiện tại, Turkmenistan duy trì mối quan hệ đặc biệt và quan trọng về mặt chiến lược với cả Nga và Iran, cân bằng chính sách đối ngoại giữa hai nước láng giềng này.
Các cuộc đàm phán khẩn cấp
Mặc dù Điện Kremlin thông báo Tổng thống Putin tới Turkmenistan để tham dự Diễn đàn "Mối quan hệ giữa thời đại và nền văn minh" nhưng theo chuyên gia khoa học chính trị Nga Sergei Markov, khó có khả năng nhà lãnh đạo Nga dành thời gian trong lịch trình bận rộn của mình chỉ cho một sự kiện như vậy.
Theo vị chuyên gia, nhiều khả năng "các cuộc đàm phán khẩn cấp" đã diễn ra tại đây giữa Tổng thống Putin và Tổng thống Iran về nguy cơ bùng phát chiến tranh quy mô lớn ở Trung Đông và mối đe dọa của việc sử dụng vũ khí hạt nhân chống lại Tehran.
Ngoài ra, "cũng có khả năng ông Putin đã đàm phán với Trung Quốc về một số vấn đề cấp bách", ông Markov nhận định.
Theo hãng thông tấn Anadoulu (Thổ Nhĩ Kỳ), đây là cuộc gặp cá nhân đầu tiên của ông Pezeshkian với ông Putin kể từ khi nhậm chức Tổng thống Iran cuối tháng 7 năm nay.
Hãng tin Reuters (Anh) cho biết, trong cuộc gặp, ông Putin đã nhấn mạnh tới sự nhất trí giữa Nga và Iran về nhiều vấn đề quốc tế, đồng thời nhấn mạnh quan hệ với Iran là "ưu tiên của Nga và đang tiến triển rất thành công".
Theo Minh Minh (Nguoiduatin.vn)