Công ty YPT bị cho là cổ súy cho văn hóa du lịch liều lĩnh tới Triều Tiên, sau cái chết của sinh viên Mỹ Warmbier.
Gareth Johnson (giữa) hút thuốc cùng các du khách nước ngoài trong trang phục truyền thống của Triều Tiên tại trường quay ở Bình Nhưỡng vào 30/5/2009. Ảnh: AP. |
Du hý bằng thuyền trên sông Taedong xuyên qua thủ đô Bình Nhưỡng trong tình trạng chếnh choáng hơi men, tiệc tùng thâu đêm suốt sáng từ quán này sang quán khác, đấu rượu với dân địa phương... là những trải nghiệm mà hãng lữ hành Young Pionner Tours cho du khách nước ngoài nếm trải khi tới Triều Tiên, theo Chicago Tribune.
Thành lập năm 2008, Young Pioneer Tours (YPT), có trụ sở ở Bắc Kinh, Trung Quốc, tập trung vào nhóm du khách trẻ tuổi khao khát khám phá những vùng đất xa xôi và bí ẩn trên thế giới. YPT, qua các ấn phẩm quảng cáo, là hãng lữ hành chuyên thiết kế những chuyến phiêu lưu với giá cả phải chăng tới "tới những vùng đất mà các bà mẹ sẽ muốn con cái tránh xa".
Khách hàng của YPT và nhiều người trong giới phượt thủ trên thế giới từng nhiều lần lên tiếng cảnh báo về cách thức tổ chức tour của hãng này, lo ngại với văn hóa du lịch thừa liều lĩnh nhưng thiếu thận trọng của những người điều hành trong YPT.
Một người bình luận giấu danh tính trên trang TripAdvisor kể lại việc một hướng dẫn viên của YPT đã giấu hộ chiếu của chồng cô trên một chuyến tàu quay về Trung Quốc như một trò đùa. Vụ việc đã khiến nạn nhân một phen thất kinh, nháo nhào tìm hộ chiếu còn lính biên phòng Triều Tiên tức giận tạm giữ chồng cô.
Cái chết của sinh viên Mỹ Otto Warmbier càng làm rộ lên nghi vấn về việc YPT đã không ngăn chặn, thậm chí khuyến khích du khách có những hành xử thiếu thận trọng ở Triều Tiên.
Trước khi tháo tấm khẩu hiệu tuyên truyền trong khách sạn ở Bình Nhưỡng, Warmbier đã thức đến tận 5h sáng để uống rượu. Cậu đã phải trả giá cho hành vi này bằng án tù 15 năm khổ sai, sau đó là 17 tháng hôn mê, kết thúc bằng cái chết đau đớn khi được trả về nước.
Trong gần 10 năm hoạt động, YPT đã dẫn hơn 8.000 khách du lịch nước ngoài đến Triều Tiên, trong đó có nhiều du khách suýt phải trả giá vì hành xử thiếu thận trọng.
Một hướng dẫn viên du lịch địa phương mất việc sau khi để một du khách "trồng cây chuối" tạo dáng chụp ảnh trước lăng mộ cố chủ tịch Triều Tiên Kim Nhật Thành. Hay nổi tiếng nhất là vụ Gareth Johnson, quốc tịch Anh, người sáng lập YPT, nhảy tàu trong tình trạng say xỉn và phải nằm viện ở Bình Nhưỡng với cái chân gãy.
Adam Pitt, người Anh từng sống nhiều năm ở Bắc Kinh, đã đến Triều Tiên qua tour do YPT tổ chức vào năm 2013. Người đàn ông 33 tuổi này nhớ lại không khí tiệc tùng suốt chuyến đi trong khi Johnson, người dẫn đoàn, luôn trong tình trạng say xỉn đến mức "gần như không đứng vững và ăn nói lè nhè" ngay trước mặt lính biên phòng Triều Tiên.
Gareth Johnson, người thành lập công ty lữ hành YPT vào năm 2008, nằm dài trên bậc thang để tạo dáng chụp ảnh tại phim trường ở Bình Nhưỡng, Triều Tiên vào ngày 30/5/2009. Ảnh: AP. |
Alex Hoban, công dân Anh đã đến Triều Tiên hai lần, cho biết ngoài việc khuyến khích du khách "trẻ người non dạ, vô tổ chức, vô kỷ luật hành động như lũ say rượu", YPT còn coi nhẹ vấn đề an toàn và "gieo vào đầu du khách khái niệm không tưởng về Triều Tiên".
Tuần trước, trong một cuộc họp báo, ông Fred Warmbier, cha của chàng sinh viên Mỹ xấu số, đã lên án các công ty du lịch tổ chức tour đến Triều Tiên "đăng những quảng cáo dối trá trên mạng rằng 'Chưa từng có một công dân Mỹ nào đi cùng chúng tôi bị bắt giữ (ở Triều Tiên)' và 'Đây là một đất nước an toàn'".
Trước áp lực của dư luận sau cái chết của Warmbier, YPT hôm 20/6 đã ra thông báo tạm ngừng đưa người Mỹ đến Triều Tiên vì lo ngại rủi ro cao, theo SCMP.
Pitt cho rằng với tuyên bố trên, YPT đã khéo léo đổ vấy trách nhiệm lên đầu du khách. "Vấn đề không phải do du khách mà chính cách cư xử của cả đoàn tại nước sở tại mới gây ra rắc rối", Pitt nói, nhấn mạnh YPT nên xem xét lại cách tổ chức tour của mình.
Ông John Delury, một chuyên gia về Triều Tiên tại đại học Yonsei, Seoul, Hàn Quốc cho rằng các công ty lữ hành đã không cung cấp đầy đủ thông tin và kiến thức cho khách hàng khiến nhiều người có cái nhìn thiếu thực tế về đất nước họ sắp đặt chân đến.
"Phong trào du lịch khám phá kiểu tự do, với những du khách đến Triều Tiên mà như đi thăm quan vườn thú, thực sự rất có vấn đề", ông Delury nhận định, "Chuyến đi của Warmbier được quảng cáo như là 'tới một bữa tiệc ở Bình Nhưỡng và xõa hết mình'. Rõ ràng, một công ty lữ hành có trách nhiệm không nên khoa trương như thế".
YPT được biết tới là một công ty lữ hành thường xuyên tổ chức các chuyến đi không dành cho những người yếu tim. Ngoài tour đến Triều Tiên, công ty này còn chào mời du khách thăm khu vực bị ảnh hưởng của thảm họa nổ nhà máy điện hạt nhân Chernobyl hay khám phá vùng tự trị của người Kurd ở Iraq.
"Cách dẫn tour của YPT khiến cho anh có cảm giác ưu tiên số một của chuyến đi là vui vẻ chứ không phải an toàn", Christopher Barbara, một luật sư tư vấn làm việc ở Canada và Trung Quốc, từng đến Triều Tiên vào năm 2009, nhớ lại.
Theo An Hồng (VnExpress.net)