Cách đây 5 năm, Nguyễn Hải Nam rời quê hương theo gia đình sang Pháp định cư, nhưng niềm đam mê bóng đá vẫn cháy âm ỉ trong tim. Hôm 23/1, ngồi trong lớp học lén theo dõi trận bán kết giữa đội tuyển U23 Việt Nam và Qatar, Nam "cảm thấy phấn khích đến tột cùng khi thấy các bạn cùng tuổi đang thực hiện giấc mơ mà em để dang dở", chàng thanh niên kể với VnExpress.
"Hồi nhỏ em từng ăn và tập chung với Quang Hải một thời gian ngắn", Nam nói với giọng hạnh phúc. "Bây giờ thấy các bạn thành công, em vui lắm".
Khoảng 10 năm trước, cậu bé Nam đòi bố mẹ cho tham gia huấn luyện tại một câu lạc bộ ở Hà Nội. Trong số hơn 20 bạn nhỏ cùng đội với Nam hồi đó có Quang Hải, chàng tiền vệ của U23 Việt Nam đang được trang Fox Sports đánh giá là một trong những tài năng hàng đầu của bóng đá Đông Nam Á, và Trần Đình Trọng, cầu thủ mang áo số 21 của tuyển U23.
"Trong ảnh người cầm bánh kem là Quang Hải và cậu cởi trần đứng trước là Đình Trọng. Hồi đó, chúng em hay đùa nhau là lứa mình sẽ đưa Việt Nam vào World Cup", Nam nhớ lại kỷ niệm cùng các bạn tập luyện, ăn ở, học tập và cạnh tranh, ai cũng mong ước có một lò đào tạo nào đó để mắt đến và nhận vào.
Nam kể chương trình đào tạo dù không quá khắc nghiệt, các bài tập chủ yếu được xây dựng để khơi dậy tài năng nhưng các cậu bé 10-11 tuổi vẫn phải sống xa bố mẹ, chuyên tâm hàng ngày sáng tập bóng, tối học văn hóa, chỉ thi thoảng được về nhà vào ngày Chủ nhật.
"Nếu đi theo nghiệp bóng thì phải xác định xa gia đình tầm 20 năm, tính từ thời điểm được một lò đào tạo nhận, sau đó được đi đá những giải nhỏ. Tại những giải này, các tuyển trạch viên của những lò lớn hơn sẽ đi xem và chiêu mộ các cầu thủ có tài. Cứ như thế, nếu anh đá giỏi, anh sẽ được người này người kia giới thiệu và tuyển về chơi cho những câu lạc bộ lớn, như Quang Hải vậy", Nam kể lại với giọng pha chút tiếc nuối vì "sau vài tháng, em bị đào thải".
Tiếp lửa cho tuyển U23 từ Paris
Sang quê hương mới, Nam cất niềm đam mê bóng vào lòng. Nhưng trong trận bán kết giữa tuyển U23 Việt Nam và Qatar, khi chứng kiến bàn thắng gỡ hoà 1-1 của Quang Hải, Nam một lần nữa cảm thấy tình yêu dành cho bóng đá trỗi dậy dồn dập trong tim.
"Em rất tiếc nuối khi không thể về nước bây giờ. Vì vậy em quyết định sẽ biến Paris, mà cụ thể là khu vực chân tháp Eiffel, thành Bờ Hồ Hà Nội. Các anh chị bên này cũng đã chuẩn bị sẵn sàng để nhuộm đỏ Paris rồi", Nam háo hức kể.
Ngay sau trận bán kết hôm 23/1, Nam tức tốc nhờ bạn bè ở nhà mua giúp 50 lá cờ đỏ sao vàng cỡ lớn và thuê tiếp viên hàng không cầm qua Paris. "Em chỉ sợ không kịp có cờ Tổ quốc trước trận chung kết diễn ra vào 9h sáng ngày thứ Bảy này ở Paris".
Nam cho biết tiền mua cờ hết 1,6 triệu, phí dịch vụ trả cho tiếp viên hàng không 35 euro (gần 900 nghìn) và "phí có cao bao nhiêu em cũng phải gửi mua bằng được". Sau hai ngày, Nam đã nhận được 50 lá cờ Tổ quốc và cậu đang phát tặng số cờ này cho cộng đồng người Việt ở Paris tham gia cổ vũ cho đội tuyển U23 trong trận chung kết tranh chức vô địch U23 châu Á.
Trong khi đó, Hội Sinh viên Việt Nam (UEVP) ở Paris cũng đang chạy nước rút để mang không khí trận chung kết lịch sử đến cho những người Việt xa xứ, Trâm Anh, phó ban truyền thông của hội UEVP cho biết.
"Đây là sự kiện có một không hai, đưa những người hâm mộ U23 Việt Nam tại Paris xích lại gần nhau. Ban tổ chức đang toàn tâm toàn lực để giúp cho các bạn du học sinh tại Paris có một buổi xem và cổ vũ bóng đá đáng nhớ, hoà mình vào không khí chung của dân tộc Việt Nam", Trâm Anh cho biết.
Không gian có sức chứa hơn 300 người cùng ba màn hình lớn, ba máy chiếu với âm thanh sắc nét và đường truyền tốt đã sẵn sàng để phục vụ kiều bào tới cổ vũ.
"Đầu cầu Paris sẽ biểu lộ tình yêu đất nước bằng cách đồng lòng ủng hộ cho các chàng trai trẻ da vàng máu đỏ. Paris luôn được biết đến là thành phố ánh sáng, thành phố của tình yêu, nhưng vào thứ Bảy này, chúng em muốn Paris sẽ rợp trong những tiếng cổ vũ và màu cờ đỏ sao vàng", cô sinh viên ngành ngôn ngữ học tại đại học Paris Diderot phấn khích nói.
Anh Hoàng Phương, kiến trúc sư sống và làm việc ở Pháp hơn 10 năm, cho biết mỗi lần nghe tiếng cổ động viên hô vang hai chữ "Việt Nam", anh cảm thấy vô cùng xúc động. Dù phải thức khuya, dậy sớm giúp vợ trông con nhỏ hai tháng tuổi, anh Phương không bỏ lỡ bất cứ thông tin gì về tuyển U23.
"Sau 10 năm người hâm mộ Việt Nam dù ở trong nước hay ở nước ngoài mới có dịp được sống trong cảm giác háo hức tột cùng như vậy", anh Phương nói và kể thêm cô con gái lớn 7 tuổi dù không hiểu gì về bóng đá nhưng thấy bố mặc áo cờ đỏ sao vàng cũng nằng nặc đòi mặc giống như vậy để đi học.
Theo Hạnh Phạm (VnExpress.net)