Kịch tính chiến dịch "không vận babylift"

09/04/2015 20:12:55

Hãng tin SBS (Úc) hôm 8.4 đã đăng tải hồi tưởng sống động về chiến dịch sơ tán trẻ em Việt Nam khỏi Sài Gòn (babylift) trong những ngày tháng 4.1975 của vị bác sĩ không quân Úc, người đã tham gia vào chiến dịch.

Hãng tin SBS (Úc) hôm 8.4 đã đăng tải hồi tưởng sống động về chiến dịch sơ tán trẻ em Việt Nam khỏi Sài Gòn (babylift) trong những ngày tháng 4.1975 của vị bác sĩ không quân Úc, người đã tham gia vào chiến dịch.

Các phi công cho trẻ em bú trước khi đưa chúng ra khỏi Việt Nam bằng máy bay – Ảnh: SBS

 
Trong khoảng thời gian từ ngày 4.4 đến ngày 17.4.1975,  chính phủ Úc có tham gia vào 2 chuyến bay trong Chiến dịch Không vận Babylift của Mỹ, đưa khoảng 300 trẻ em từ Sài Gòn sang Úc, hãng tin SBS (Úc) cho biết.
 
Tại thời điểm đó, chính phủ các nước đang tiến hành rút quân khỏi Việt Nam trong bối cảnh đang có thông tin quân đội Giải phóng miền Nam Việt Nam đang tiến về giải phóng Sài Gòn.
 
“Vào tháng 3.1975, thông tin này đã gây rất nhiều lo ngại cho những tổ chức chăm sóc trẻ em ở Việt Nam. Các tổ chức này đã liên hệ với chính quyền nhiều nơi, gồm chính quyền miền Nam Việt Nam, chính phủ Mỹ và cả chính phủ Úc, để xin hỗ trợ sơ tán số trẻ họ đang chăm sóc”, Tiến sĩ Joshua Forkert, một nhà sử học thuộc trường Đại học Adelaide (Úc), kể lại.
 
Vào ngày 2.4, chính quyền miền Nam Việt Nam chính thức cho phép sơ tán toàn bộ những trẻ em mồ côi tại Sài Gòn. Một ngày sau đó, Tổng thống Mỹ Gerald Ford thông báo Washington sẽ vận chuyển và tiếp nhận 2.000 trẻ em Việt Nam sang nước này. Úc ra thông báo tương tự vào, cũng trong ngày 3.4.
 
Bác sĩ Wally Smith là một trong những bác sĩ có tham gia vào 2 chuyến bay đưa trẻ mồ côi Việt Nam sang Úc.
 
Tại thời điểm đó, bác sĩ Smith là sĩ quan chỉ huy của Đơn vị Quân y Số 4 thuộc Không lực Hoàng gia Úc tại Malaysia và ông chịu trách nhiệm gửi trang thiết bị y tế cùng y tá lên 2 chiếc máy bay vận tải quân sự Hercules để bay sang Sài Gòn tham gia Chiến dịch Không vận Babylift.
 
Ông Smith kể lại, ông chỉ có 3 tiếng đồng hồ để hoàn tất mọi việc và đã rất lo lắng cho sức khỏe của những đứa bé vì không hề có bác sĩ nào có mặt trên chuyến bay đầu tiên để kiểm tra tình hình sức khỏe của những hành khách nhí.
 
“Chúng tôi thật sự hoảng loạn. Chúng tôi chỉ có 3 tiếng đồng hồ để tổ chức đưa 200 trẻ đi và phải làm ngay trong ngày hôm đó. Do đó, chẳng thể chuẩn bị được gì trước”, ông Smith nhớ lại.
 
Một thảm họa xảy ra trong Chiến dịch Babylift khi chiếc máy bay C5 Galaxy tham gia sơ tán trẻ em Việt Nam của quân đội Mỹ bị rơi, khiến gần 80 đứa bé và một số tình nguyện viên trên máy bay chết thảm. Đó cũng là chuyến bay đầu tiên của Chiến dịch Babylift và nó dự kiến sẽ bay sang Mỹ, theo hãng tin SBS.
 
“Đã có sự cố kỹ thuật ở cửa sau máy bay. Cánh cửa sau bung ra, rồi chiếc máy bay rơi xuống ruộng. Khoảng 78 trong tổng số 243 đứa trẻ trên máy bay đã thiệt mạng”, Tiến sĩ Forkert cho biết.
 

Trong chiến dịch không vận Babylift, những đứa trẻ sơ sinh Việt Nam được đặt trong những hộp giày - Ảnh: COVVHA

 
Một vài tuần sau đó, vào ngày 17.4.1975, bác sĩ Smith cùng một vị bác sĩ nhi có mặt trên chuyến bay thứ 2 chở trẻ em Việt Nam rời Sài Gòn sang Úc.
 
Mặc dù quang cảnh bên ngoài sân bay Tân Sân Nhất rất náo loạn, nhưng mọi thứ rất trật tự theo hoài niệm của ông.
 
“Có vài người đếm lũ trẻ nằm trong nôi. Các phi công thì cho mấy em bé bú bình. Chẳng hề có hoảng loạn gì cả. Những đứa trẻ nhỏ hơn thì nằm trong những cái hộp giấy được xếp dọc trên sàn máy bay”, ông Smith hồi tưởng.
 
Vị bác sĩ không quân Úc này sắp xếp những đứa đã lớn và khỏe mạnh lên một chiếc Hercules và những đứa trẻ bị bệnh cùng những đứa sơ sinh lên chiếc còn lại. Ông và vị bác sĩ nhi đi cùng có mặt ở chiếc thứ 2.
 
Nhưng khi chiếc máy bay vận tải Hercules chở họ cất cánh khỏi Sài Gòn, một thảm kịch lại xuất hiện.
 
“Chúng tôi cất cánh được khoảng 5 phút và tôi nhìn ra đằng sau thì thấy ông bác sĩ nhi đang phải hô hấp nhân tạo (CPR) cho một đứa nhỏ bị bất tỉnh”, ông Smith cho biết.
 
“Lúc đó tôi nghĩ: ‘Trời ơi! Chuyện gì đang xảy ra vậy?’, rồi tôi đi ra phần đuôi của máy bay. Có một thằng bé mặc một bộ com-lê màu xanh vải cotton, họ mặc cho nó bộ đó vì họ nghĩ: ‘Mấy người này sẽ bay sang Melbourne và chỗ đó sẽ lạnh lắm’. Thế nên họ mặc đồ ấm cho nó. Và nó đã chết”, vị bác sĩ Úc kể.
 
Khi nhận ra họ đang chở đầy những đứa bé nhỏ có nguy cơ chết ngột vì nóng, họ bắt đầu cởi bỏ đồ cho các bé và xịt nước lên người chúng để giảm nhiệt.
 
“Tôi đã cầu nguyện xin Chúa đừng để chúng tôi mất thêm bé nào. May mắn là đã không có thêm đứa bé nào tử vong”, ông Smith cho hay.
 
Babylift là sứ mạng nhân đạo?
 
Bác sĩ Smith cho biết ông không bao giờ có thể quên được vai trò của mình trong chuyến bay chở trẻ em Việt Nam sang Úc, nhưng trong thâm tâm ông vẫn tự vấn mình về tính chất đạo đức của chiến dịch không vận và liệu những đứa trẻ này có phải là trẻ mồ côi không.
 
"Liệu chúng tôi có làm một việc đúng đắn không? Liệu việc đó có đúng đắn không? Tôi không biết nữa. Đó là câu hỏi mà tôi thấy khó có thể trả lời được. Thường có ai hỏi tôi sẽ nói: Hãy hỏi mấy đứa nhỏ, rằng chúng đã sống như thế nào sau đó”, vị bác sĩ Úc nói.
 
Nhiều người Úc xem chiến dịch không vận Babylift như một sứ mạng nhân đạo cần làm ngay, nhưng một số đứa bé Việt Nam sau đó được phát giác ra không phải là trẻ mồ côi.
 
“Điều này liên quan đến câu hỏi rộng hơn về việc liệu nhận con nuôi có phải là điều tốt đẹp nhất cho những đứa trẻ này hay không, đặc biệt là trong các tình huống khủng hoảng ở hải ngoại”, sử gia Forkert bình luận.
 
“Tranh cãi ở đây là liệu đứa bé có khi sẽ có cuộc sống tốt hơn ở Việt Nam hay liệu chúng có nên được sơ tán hay không. Tranh luận này đã có từ giữa thập niên 1960 và vẫn tiếp tục tồn tại đến tận ngày nay khi chúng ta bàn về nhận con nuôi”, theo ông Forkert.
 
>> Nỗi ám ảnh của những trẻ em bị đưa khỏi Sài Gòn 40 năm trước
>> Chiến dịch đưa 2.700 trẻ em Việt rời Sài Gòn 40 năm trước
>> Hình ảnh khó quên trong chiến tranh Việt Nam
 
Theo Hoàng Uy (Thanh Niên Online)

Nổi bật