Cuộc phản đòn của Iran
Tối 13/4 (giờ địa phương), Iran đã phóng hơn 300 máy bay không người lái (UAV) và tên lửa nhằm vào Israel. Iran nói rằng đây là đòn đáp trả cho cuộc tấn công của Israel hồi đầu tháng 4 vào khu phức hợp đại sứ quán của họ ở thủ đô Damascus, Syria. Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) cho biết, máy bay không người lái, tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo đã được sử dụng trong cuộc tấn công của Iran.
Theo truyền hình nhà nước Israel, cuộc tấn công lớn của Iran là một sự leo thang chưa từng có trong vòng xoáy căng thẳng giữa Israel và Iran. Đây có thể là cơ sở để Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tuyên chiến với Iran.
Giới quan sát đánh giá, các động thái tiếp theo của Thủ tướng Netanyahu có thể phụ thuộc vào việc cuộc tấn công của Iran gây thiệt hại như thế nào và chính xác mục tiêu của các nhà lãnh đạo Iran là gì.
“Chúng tôi đã chặn cuộc tấn công. Chúng tôi sẽ cùng nhau chiến thắng”, Thủ tướng Israel nói trong tuyên bố công khai đầu tiên sau cuộc tấn công của Iran.
Một yếu tố quan trọng ảnh hưởng tới những gì có thể xảy ra tiếp theo trong cuộc xung đột giữa Iran và Israel là mức độ mà Israel và các đồng minh có thể đánh chặn bất kỳ máy bay không người lái và tên lửa nào trước khi chúng bắn trúng mục tiêu.
Theo Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant, chỉ một số lượng nhỏ trong số hàng trăm máy bay không người lái và tên lửa do Tehran phóng đi vượt qua hệ thống phòng không của Israel. Lực lượng Phòng vệ Israel khẳng định hệ thống phòng không đa tầng của Israel cùng các đồng minh đã bắn hạ và vô hiệu hóa 99% số vũ khí này trước khi chúng bay đến không phận Israel. IDF cho biết, cuộc tập kích của Iran chỉ gây hư hại nhẹ cho căn cứ không quân Nevatim và không ảnh hưởng đến hoạt động của cơ sở này. Theo nguồn tin từ hai quan chức Mỹ, lực lượng nước này đã đánh chặn hơn 70 UAV và ít nhất 3 tên lửa đạn đạo trong cuộc tấn công của Iran vào Israel.
“IDF đã ngăn chặn cuộc tấn công này một cách hiệu quả. Cùng với Mỹ và các đối tác khác, chúng tôi đã cố gắng bảo vệ lãnh thổ của Israel. Có rất ít thiệt hại xảy ra”, ông Gallant nói.
Theo một số nhà phân tích, việc chỉ tấn công một vài mục tiêu quân sự của Israel có thể khiến Iran cảm thấy họ đã đạt được mục đích của mình mà không đẩy toàn bộ khu vực vào cuộc xung đột.
Thủ tướng Netanyahu dường như cũng đã nghĩ tới những hậu quả có thể xảy ra khi tiến hành cuộc tấn công vào tòa nhà lãnh sự quán trong khu phức hợp Đại sứ quán Iran tại Damascus, Syria, nguyên nhân dẫn đến đòn đáp trả của Iran vào đêm 13/4 (giờ địa phương).
Israel sẽ đáp trả ra sao trước cuộc tấn công của Iran?
Iran thực hiện đợt tập kích lớn vào Israel, nhưng được tiến hành để khôi phục khả năng răn đe với Tel Aviv, cũng như kiềm chế nhằm tránh leo thang xung đột hay gây ra một cuộc chiến tổng lực với Israel.
Một số chuyên gia quân sự cho rằng, để phản ứng trước cuộc tập kích của Israel, Thủ tướng Netanyahu có thể tiến hành một đòn tấn công tương tự, trong đó Israel thực hiện các cuộc không kích nhằm vào các mục tiêu ở Iran, chẳng hạn như các căn cứ quân sự hoặc các tòa nhà chính phủ. Các lựa chọn đáp trả khác của Israel có thể là không kích vào trụ sở của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran hoặc các căn cứ của lực lượng này xung quanh Iran.
Nếu trường hợp này xảy ra, cả Iran và Israel có thể chấm dứt các hành động thù địch vì hai bên đều cảm thấy đã đạt được mục đích riêng. Phái bộ ngoại giao Iran tại Liên Hợp Quốc cũng tuyên bố cuộc tập kích quy mô lớn này là hồi kết cho màn đối đầu giữa hai nước liên quan tới sự kiện Israel tập kích tòa nhà ngoại giao Iran.
Theo chuyên gia an ninh Trung Đông Hassan Barari thuộc Đại học Qatar, cuộc tấn công của Iran nhằm vào Israel là động thái leo thang nhưng “được tính toán và có chừng mực”.
“Iran đang cố thực hiện một cuộc tấn công có tính toán để lấy lại khả năng răn đe với Israel”, Barari nói.
Tuy nhiên, một kịch bản nghiêm trọng hơn là máy bay không người lái và tên lửa của Iran vượt qua hệ thống phòng thủ Israel. Điều này có thể gây ra thương vong ở các thành phố như Tel Aviv, nơi có trụ sở quân sự Kirya của Israel. Trong kịch bản này, rất khó tránh khỏi khả năng nhà lãnh đạo Israel thực hiện một hành động đáp trả quyết liệt hơn.
Một quan chức cấp cao Israel cho biết cuộc tấn công của Iran sẽ nhận lại một “sự đáp trả chưa từng có tiền lệ”. Trong khi đó, theo CNN, các quan chức Iran cảnh báo sẽ đáp trả bằng vũ lực “mạnh mẽ và kiên quyết hơn” nếu Israel trả đũa cuộc tấn công vừa diễn ra.
Kịch bản tiếp theo trong căng thẳng Israel và Iran
Một số chuyên gia nhận định, vẫn có khả năng xảy ra một cuộc xung đột toàn diện giữa Iran và Israel. Kịch bản ác mộng này sẽ gây thiệt hại to lớn cho cả hai bên, đồng thời có thể kéo Mỹ và Anh vào cuộc xung đột.
Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố sẽ không tham gia bất kỳ cuộc tấn công nào của Israel nhằm vào Iran.
“Israel đã chứng tỏ năng lực vượt trội trong việc phòng thủ và đánh bại những đòn tấn công chưa từng có tiền lệ. Họ đã gửi thông điệp rất rõ đến các đối thủ rằng không ai có thể đe dọa an ninh của Israel”, Tổng thống Biden phát biểu, sau cuộc điện đàm với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu để thảo luận về vụ tấn công của Iran.
Theo Telegraph, một yếu tố quan trọng khác là chương trình hạt nhân của Iran mà Israel đã nỗ lực loại bỏ trong nhiều năm qua bằng các cuộc tấn công bí mật. Cuộc tấn công mới nhất của Iran vào Israel có thể là cơ hội để phá hủy toàn bộ chương trình hạt nhân này mãi mãi.
Carmiel Arbit, thành viên của Chương trình Trung Đông và Sáng kiến An ninh Trung Đông Scowcroft tại Hội đồng Đại Tây Dương, đánh giá cuộc tấn công của Iran vào Israel là một sự leo thang đáng kinh ngạc giữa hai nước, chuyển từ cuộc xung đột bí mật giữa hai bên sang công khai.
Theo chuyên gia Arbit, diễn biến tiếp theo sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố, một là thương vong ở Israel như thế nào, hai là các hệ thống phòng thủ của Israel kết hợp với sự hỗ trợ của Mỹ có ngăn chặn được thiệt hại đáng kể hay không, ba là liệu các lực lượng ủy nhiệm của Iran, bao gồm cả Houthi và Hezbollah, có tham gia tấn công hay không, và cuối cùng là cách Israel lựa chọn phản ứng đáp trả.
Cuộc tấn công lần này của Iran nhằm vào Israel là đòn tấn công trực tiếp từ lãnh thổ Iran bằng tên lửa và máy bay không người lái. Điều này khác với những hành động trước đây của Iran, khi chỉ tiến hành các cuộc tấn công bí mật vào Israel hoặc dựa vào các lực lượng ủy nhiệm trong khu vực để thực hiện yêu cầu của mình.
Jonathan Panikoff, Giám đốc Sáng kiến An ninh Trung Đông Scowcroft của Hội đồng Đại Tây Dương, nhận định việc Iran phóng tên lửa cùng với hàng trăm máy bay không người lái nhằm vào Israel, đã đẩy khu vực này đến bờ vực của một cuộc xung đột rộng lớn hơn mà dường như hầu như không bên nào mong muốn.
Theo chuyên gia Panikoff, điều này đánh dấu lần đầu tiên Iran tiến hành một cuộc tấn công trực tiếp vào Israel và hành động đó đã phá vỡ ngưỡng xung đột trước đây trong cuộc đối đầu kéo dài giữa Israel và Iran.
Theo Mai Trang (Vov.vn)