Ngoài ưu tiên chọn trường cho con của các cặp đôi, giới chức cũng ban hành nhiều ưu ái khác về dịch vụ và tiện ích cho vợ chồng mới cưới, Jiupai News đưa tin. Cha mẹ của cô dâu và chú rể cũng được hưởng một số lợi ích nhất định.
Cụ thể, các gia đình được khám tổng quát miễn phí một lần tại bệnh viện địa phương nếu đồng ý làm theo yêu cầu về tiền thách cưới. Họ cũng được miễn vé tham quan thắng cảnh địa phương, miễn phí vé xe bus trong một năm.
Bên cạnh đó, họ được giảm giá các dịch vụ tổ chức tiệc cưới, chụp ảnh cưới, mua giường ngủ. Chính quyền cũng phát giấy khen cho cha mẹ của chú rể, để ghi nhận đóng góp của họ trong việc xóa bỏ tập tục cưới xin lạc hậu.
Tại Trung Quốc, nhà trai thường phải trả cho nhà gái tiền thách cưới từ 10.000 đến 1 triệu nhân dân tệ. Bất chấp nỗ lực khuyến khích thay đổi của chính quyền các địa phương, tiền thách cưới ngày càng tăng cao gây ra lo ngại, đặc biệt tại các vùng nông thôn nơi đàn ông độc thân nhiều hơn phụ nữ.
Năm 2022, chính quyền huyện Chính Ninh, tỉnh Cam Túc đặt giới hạn tiền thách cưới cho các gia đình nông thôn là 80.000 nhân dân tệ, trong khi công chức chỉ được thách cưới tối đa 60.000 nhân dân tệ.
Nỗ lực thay đổi tập tục truyền thống của chính quyền các địa phương khiến dân mạng Trung Quốc thảo luận sôi nổi. Nhiều ý kiến đánh giá cao những chính sách kể trên.
"Đây là chính sách rất nhân văn," một người dùng bình luận về thông báo của chính quyền quận Sùng Nghĩa.
"Tôi hy vọng chính sách sẽ được mở rộng ra cả nước," một người khác đồng ý.
Tuy vậy, cũng có ý kiến cho rằng tiền thách cưới quá ít sẽ không đảm bảo cuộc sống cho phụ nữ.
"Tôi không chấp nhận điều đó. Hàng năm tôi chi nhiều hơn số tiền 39.000 nhân dân tệ cho con gái tôi," một người bình luận.
"Con gái tôi làm sao sống tốt được nếu chồng nó không kiếm nổi 100.000 nhân dân tệ thách cưới," người khác viết.
Đan Anh (SHTT)