Trong những ngày vừa qua, một loạt quan chức của Qatar tiếp tục đưa ra cáo buộc cho rằng, 4 nước Arab không muốn giải quyết các bất đồng với nước này. Nhiều tuyên bố thậm chí còn làm “sâu sắc” hơn nữa các mâu thuẫn “vốn có”.
Trong chương trình truyền hình Al Haqiqa, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Qatar Khalid bin Mohamed al-Attiyah cho biết, cuộc khủng hoảng vùng Vịnh hiện nay giữa Qatar và 4 nước Arab có nguồn gốc sâu xa từ trong quá khứ.
Cuộc khủng hoảng có thể tính bắt đầu từ năm 2013, khi một loạt kế hoạch được đưa ra nhằm “gây trở ngại cho chính phủ mới của nước này và bắt Qatar phải phục tùng một số nước”.
Năm 2014, một thỏa thuận giữa Saudi Arabia và các thành viên khác của Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) đã được ký tại thủ đô Riyad. Tuy nhiên, Quốc vương Qatar đã từ chối ký vào một văn kiện sửa đổi với các điều khoản ép buộc đặc biệt đối với nước này, trong khi các thành viên khác của Hội đồng không phải làm điều tương tự.
Phó Thủ tướng al-Attiyah tái khẳng định, Qatar chưa bao giờ hỗ trợ các nhóm cực đoan ở Ai Cập, Syria hay bất cứ khu vực nào khác như các cáo buộc từ các nước Arab, thậm chí nước này còn đang hợp tác với các quốc gia khác để “đảm bảo an ninh và hạnh phúc cho người dân”.
Đánh giá về tiềm năng quân sự của Qatar, người đứng đầu Bộ Quốc phòng nước này cũng nhấn mạnh, binh sĩ Qatar được đào tạo tốt, có tinh thần chiến đấu cao và được trang bị tốt để bảo vệ Qatar trước các nguy cơ khủng bố và đe dọa.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Qatar al-Thani cùng ngày cũng đã có cuộc hội đàm với người đồng cấp Mỹ Rex Tillerson tại Washington để bàn về cuộc khủng hoảng vùng Vịnh hiện nay.
Trả lời trước báo giới, Ngoại trưởng Tillerson nói: “Tôi rất vui mừng được chào đón Ngoại trưởng Qatar al-Thani đến Bộ Ngoại gia Mỹ một lần nữa. Ông ấy là một vị khách thường xuyên và luôn được chào đón. Chúng tôi có một số vấn đề quan trọng cần thảo luận. Tôi vui mừng khi ông ấy có mặt ở đây ngày hôm nay”.
Nội dung chi tiết cuộc hội đàm này đã không được tiết lộ với báo giới. Tuy nhiên, trước đó, phát biểu tại Trung tâm vì Lợi ích Quốc gia ở Mỹ, Ngoại trưởng al-Thani đã ra lời kêu gọi các nước Arab ngừng ngay “cuộc chơi quyền lực nguy hiểm” này.
Tại đây, người đứng đầu Bộ Ngoại giao của Qatar đã liệt kê một loạt sai phạm mà các nước từng một thời đồng minh đang làm như: Dập tắt những ý kiến “bất đồng” và dư luận, tạo ra các cuộc khủng hoảng nhân đạo tại một số quốc gia, thao túng thị trường tài chính của nước khác...
Theo ông al-Thani, đó là những hành động “bắt nạt các nước nhỏ” của các quốc gia được coi là “lớn” tại khu vực và trường hợp mới nhất chính là cuộc khủng hoảng Lebanon. Ngoại trưởng Qatar cho rằng Saudi Arabia đang muốn can thiệp vào Lebanon như việc mà quốc gia này đã làm tại Yemen trước đó.
Thời gian qua, giới chức Qatar luôn chứng tỏ muốn nhanh chóng kết thúc cuộc khủng hoảng vùng Vịnh khi tiến hành một loạt chuyến thăm nước ngoài và tiếp đón nhiều nhà hòa giải quốc tế.
Mới đây nhất, hôm qua, Quốc vương Qatar đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin, thảo luận về vấn đề này. Tuy nhiên, những phát biểu gần đây của những người đứng đầu Chính phủ Qatar đưa ra nhằm vào các bên liên quan có thể đẩy cuộc khủng hoảng “đi xa” hơn nữa. Đây có thể được xem là “giọt nước tràn ly” trong bối cảnh Qatar đã cố giải quyết vấn đề mà không được các quốc gia Arab “đáp lại”.
Quốc vương Qatar nói: “Chúng tôi đã sẵn sàng cho một thỏa hiệp trong khuôn khổ của một cuộc đối thoại dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau đối với chủ quyền và các nghĩa vụ chung, tuy nhiên, chúng tôi đã nhận ra rằng các hành động từ các quốc gia phong tỏa cho thấy họ không muốn đạt được một giải pháp hòa giải”.
Giới phân tích khu vực thậm chí còn quan ngại rằng, điều này có thể xuất từ cả hai phía và Qatar đã không cần các đối tác cũ của mình nữa, khi đã có bên cạnh các đồng minh “mới” ở khu vực là Iran, Thổ Nhĩ Kỳ.
Theo Đình Nam (Vov.vn)