Ngày 3-9, ông Medvedev cáo buộc một số nước phương Tây muốn "lợi dụng cuộc xung đột quân sự ở Ukraine để đẩy đất nước chúng tôi đến bước ngoặt mới của sự tan rã, làm mọi thứ có thể để khiến các tổ chức nhà nước của Nga tê liệt và lấy đi quyền kiểm soát đất nước như những gì từng xảy ra năm 1991".
Ông Medvedev khẳng định những nỗ lực chia nước Nga thành nhiều phần "vô cùng nguy hiểm và không được xem nhẹ". Hơn nữa, ông so sánh việc "phân chia bắt buộc kho hạt nhân giống như chơi cờ với tử thần mà chính xác là khi bị chiếu tướng thì đó sẽ là ngày tận thế của nhân loại".
Bình luận về kho hạt nhân khổng lồ thời Liên Xô ở Nga, ông Medvedev nói với hãng tin TASS: "Toàn bộ kho hạt nhân chiến lược đã để lại ở Nga. Và chúng tôi đang bảo quản tốt chúng". Ông Medvedev tự tin rằng kho hạt nhân của Nga là "sự đảm bảo tốt nhất để bảo vệ nước Nga vĩ đại".
Theo tạp chí Newsweek, một số chính trị gia khác của Nga bỏ ngỏ việc Nga sử dụng vũ khí hạt nhân. Hồi tháng 3, trong cuộc phỏng vấn với đài CNN, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết Nga sẽ xem xét khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân khi thấy có "mối đe dọa sống còn" với nước này.
Căng thẳng giữa Nga và phương Tây nóng lên sau sự kiện Moscow mở chiến dịch quân sự ở Ukraine vào tháng 2. Nhiều quốc gia phương Tây, trong đó có Mỹ, đã áp đặt hàng loạt lệnh trừng phạt lên Nga, tích cực chuyển vũ khí tới hỗ trợ và cung cấp các khoản viện trợ để Ukraine đối phó Nga.
Phía Moscow cảnh báo những nỗ lực này có thể sẽ khiến cho xung đột quân sự bị kéo dài.
Quân đội Ukraine hôm 3-9 tuyên bố đã phá hủy 25 xe tăng và 37 xe bọc thép của Nga chỉ trong một ngày giao tranh ở miền Đông và miền Nam nước này. Phía Ukraine còn cho biết họ đã đẩy lùi hàng chục cuộc tấn công của Nga trên khắp khu vực Donetsk.
Ông Mykhailo Podoliak, cố vấn của Tổng thống Volodymyr Zelensky, hôm 3-9 tự tin nói rằng chỉ Ukraine mới có thể quyết định thời điểm kết thúc xung đột, từng bước lấy lại các khu vực bị Nga kiểm soát.
Trong khi đó, phía Nga nói các lực lượng Nga tăng tốc tiến công ở phía Đông, đồng thời cố gắng chốt giữ các khu vực chiếm được ở phía Đông Bắc và phía Nam của Ukraine, bao gồm cả khu vực Kherson nơi Kiev gần đây tiến hành cuộc phản công. Thông tin mới nhất cho biết quân đội Ukraine đang tiến dọc theo một mặt trận rộng lớn ở phía Tây sông Dnepr, "tập trung vào ba trục ở Kherson do Nga chiếm đóng".
Theo Huệ Bình (Nld.com.vn)