Khủng hoảng nợ đẩy nhiều người Hy Lạp ra ngủ đường

13/07/2015 11:10:42

Sau tấm rèm của căn bếp từ thiện tại Kerameikos (Athens), một nhóm người nghèo đang ngồi trước những đĩa dưa chuột cắt lát với ba khoanh bánh mỳ, một đĩa súp đậu và một miếng thịt.

Sau tấm rèm của căn bếp từ thiện tại Kerameikos (Athens), một nhóm người nghèo đang ngồi trước những đĩa dưa chuột cắt lát với ba khoanh bánh mỳ, một đĩa súp đậu và một miếng thịt.

Nhưng linh mục Ignatios Moschos đang lo lắng ông sẽ không còn đủ thức ăn để giúp đỡ người nghèo, nếu nền kinh tế cứ tiếp tục tê liệt. "Khoảng thời gian tới sẽ rất khó khăn và đen tối", ông chia sẻ, "sẽ rất khó để nhận đủ thức ăn".

Tình trạng nghèo đói ở Hy Lạp đã trở nên trầm trọng hơn khi khủng hoảng kinh tế bắt đầu 5 năm trước. Giờ đây, các nhóm cứu trợ và chính quyền địa phương đã bắt đầu cảm nhận được hệ quả của việc ngân hàng đóng cửa, khi Hy Lạp gồng mình cứu vãn hệ thống tài chính và cố thoát khỏi thời kỳ khó khăn đã kéo dài nhiều năm.
 

Người Hy Lạp cầu nguyện trước khi ăn trong một căn bếp từ thiện. Ảnh: AP

Và dĩ nhiên, nếu đạt bất kỳ thỏa thuận nào với các chủ nợ, Chính phủ sẽ phải tiếp tục cắt giảm chi tiêu. Điều này cũng có nghĩa thuế sẽ tăng và áp lực lên nền kinh tế cũng mạnh theo.

Người dân đang phải xếp hàng dài ngoài ngân hàng để rút tiền mỗi ngày. Một số tổ chức cứu trợ cũng nhận thấy nguồn cung của họ đang dần hẹp lại. Thực phẩm, quần áo và thuốc men đã tăng giá gấp 5 ở một vài khu vực tại Athens chỉ trong 2 tuần qua.

Chủ tịch Nghị viện châu Âu - Martin Schulz tỏ ra đồng cảm với nỗi lo lắng của Hy Lạp. Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker tuần trước cũng cho biết Liên minh châu Âu đã lên kế hoạch cứu trợ nhân đạo cho Hy Lạp nhằm làm dịu tình hình, trong trường hợp nước này không được cấp gói cứu trợ thứ ba và phải ra khỏi eurozone.

Chính quyền Athens và một vài tổ chức đã cho biết họ đang lên kế hoạch gây quỹ. Stavros Niarchos Foundation tuần trước cho biết là họ đã chuyển 20 triệu euro cho chính quyền Athens và Thessaloniko để "trang trải nhu cầu trước mắt cho dân cư ở những đô thị lớn, những người đang phải gánh chịu hậu quả sâu sắc nhất của khủng hoảng".

Đương nhiên, không phải bất cứ người Hy Lạp nào cũng đều khốn đốn vì khủng hoảng. Ở trung tâm Athens và những khu sầm uất, các quán cà phê vẫn đông vui cho tới quá nửa đêm. Và nếu thỏa hiệp được với các chủ nợ thì ngân hàng sẽ sớm mở cửa trở lại.

Nhưng phần lớn người dân Hy Lạp vẫn là nạn nhân của tình trạng thất nghiệp tăng cao, phúc lợi xã hội và trợ cấp bị cắt giảm và tình trạng bất bình đẳng thu nhập.
 

Những cảnh tượng thế này ngày càng phổ biến trên đường phố Athens. Ảnh: AP

Maria Karra - nhà sáng lập quỹ từ thiện Emfasis đã không tin vào mắt mình khi chứng kiến hàng người vô gia cư trên các đường phố Hy Lạp, chẳng khác nào những nước nghèo. "Tôi từng làm việc này tại các nước đang phát triển ở Đông Nam Á. Giờ đây, tôi lại làm y như thế ở Hy Lạp - huy động quyên góp thực phẩm, như mỳ, gạo, đậu và sữa".

Từ ngày 3/7, chuỗi cửa hàng Venetis đã mở rộng chương trình từ thiện, phát miễn phí 10.000 chiếc bánh mì mỗi ngày cho những gia đình khó khăn, đông con, người thất nghiệp và đã về hưu.

Rất nhiều người đã đổ về cửa hàng của Venetis ở Pangrati, trái ngược với vẻ ngoài hào nhoáng của khu dân cư này. Những khu nghèo đói còn nổ ra ẩu đả. Tổng giám đốc Venetis - Panayiotis Monemvasiotis cho biết: "Trong lần thứ 3 thực hiện thắt lưng buộc bụng này, chắc sẽ Hy Lạp chẳng còn người tiêu dùng nào nữa đâu, sẽ toàn là người ăn xin thôi".

Ở những khu vắng khách du lịch như xung quanh quảng trường Omonia, không khó để bắt gặp người vô gia cư ngủ vạ vật trên vỉa hè hay trong công viên. Một số khác may mắn hơn khi được chủ trọ giảm tiền nhà, hay được sử dụng dịch vụ tắm và giặt miễn phí, hoặc có thể tới những căn bếp cung cấp đồ ăn miễn phí nằm rải rác trên khắp Athens.

Xenia Papastavrou - sáng lập viên cua Boroume, We Can - một tổ chức phi chính phủ có nhiệm vụ liên hệ để chuyển thực phẩm thừa từ các siêu thị, nhà hàng hay thậm chí là tiệc cưới tới người nghèo, cho biết ngày càng nhiều người muốn ra tay quyên góp. "Mọi thứ chắc chắn sẽ còn tệ hơn nữa", bà Papastavrou cảnh báo.

Một trong những căn bếp từ thiện lớn nhất ở Athens do chính quyền thành phố điều hành có thể phục vụ từ 600 – 1.000 người mỗi ngày. Thị trưởng George Kaminis tuyên bố chính quyền đang giúp đỡ khoảng 20.000 người mỗi ngày với thức ăn và các thực phẩm thiết yếu.

Tuy nhiên số lượng người cần giúp đỡ đang tăng lên từng ngày, khiến người ta lo lắng về sự thiếu hụt trong tương lai. Các tổ chức từ thiện và quan chức chính phủ cho biết chừng nào ngân hàng còn đóng cửa và giao dịch quốc tế còn bị hạn chế, việc nhập khẩu thức ăn, thuốc men và quần áo sẽ còn khó khăn.

Cho tới gần đây, căn bếp từ thiện của cha Moschos vẫn cung cấp thức ăn cho người dân. Nhưng nhu cầu đang tăng nhanh đến nỗi bây giờ, để nhận được thức ăn, người dân cần xuất trình giấy chứng nhận về tiền lương, tình trạng thất nghiệp hay không có khả năng trả tiền nhà.

Vào buổi sáng, căn bếp sẽ phát thức ăn cho những người muốn mang về thay vì ăn tại chỗ. Phòng ăn có 56 chỗ, và mọi người sẽ ăn theo ca. Số người đến vào cuối tuần khoảng 450, tăng so với ngày thường là 350. Tại đây cũng có lắp đặt điều hòa để làm dịu đi cái nóng thiêu đốt.

Trong bếp, Fotis Nikolaou (39 tuổi) - một thợ sơn kiêm thợ lợp ngói thất nghiệp đang ăn ngấu nghiến món súp và dùng bánh mì vét nốt phần sót lại trên đĩa. Anh phàn nàn rằng lương ngày của những người lao động chân tay như anh đã giảm xuống chỉ còn 10 euro cho 12 giờ làm việc. Những công việc như thế này trước đây chỉ dành cho dân nhập cư.

Anh tin chắc thời gian tới mọi thứ sẽ còn khó khăn hơn nữa và anh sẽ phải đợi lâu hơn để được nhận thức ăn. Nhưng Nikolaou vẫn thấy thoải mái vì ít ra cũng không phải chịu đựng chuyện này một mình. "Có thể chúng tôi còn phải chịu cảnh này 20 năm nữa. Nhưng ít nhất thì chúng tôi cũng sẽ luôn sát cánh cùng nhau", anh nói.
 
>> Khủng hoảng Hy Lạp: Ai đang "bắt thóp" ai?
 
Theo Hà Tường (VnExpress.net)

Nổi bật