Cafe bị nhổ nước bọt, cho thuốc nhuận tràng hoặc... tinh dịch vào - đó là cách mà một sinh viên Hàn Quốc dùng để trả đũa cô bạn cùng lớp, chỉ vì đã từ chối hẹn hò cùng hắn ta.
Sự quấy rối không dừng lại ở đó. Trong vòng 10 tháng của năm 2018, gã đã làm tổng cộng 54 hành động tương tự mà nạn nhân không hay biết gì. Theo biên bản từ tòa án được tờ VICE công bố, gã đã lén lút bôi tinh dịch vào mỹ phẩm của cô. Dấu vết nước bọt và dịch nhầy còn được phát hiện cả trên bàn chải đánh răng. Và trong một chuyến đi thực tế tại đảo Jeju, gã đột nhập vào phòng cô, trộm nội y rồi thỏa mãn chính mình bằng nó.
Năm 2019, tên này bị đưa ra trước tòa sau khi một người bạn học tình cờ phát hiện cuốn nhật ký ghi lại chi tiết hành động của y và báo lên cảnh sát. "Vụ án thực sự có những hành vi biến thái và kỳ quái đến mức muốn nôn mửa," - thẩm phán phải thốt lên như vậy. Công tố viên thì nhấn mạnh đến việc hành vi của gã gây ảnh hưởng thế nào đến nạn nhân, khiến cô không thể trở lại cuộc sống bình thường nữa.
Nhưng những gì xảy ra sau đó thì lại là một cú sốc với công chúng. Tòa án kết luận rằng hành động đầy biến thái của gã - như việc cho tinh dịch vào cafe hoặc đồ trang điểm - là không đủ cấu thành tội phạm tình dục! Thay vào đó, y chỉ bị kết án về tội trộm cắp, đột nhập trái phép, phá hoại tài sản... và chịu 3 năm tù giam.
Sự việc trên nằm trong số các vụ "khủng bố tinh dịch" - một trào lưu hết sức kinh khủng đang xảy ra tại Hàn Quốc, dùng để mô tả việc xuất tinh (thậm chí là đi tiểu) lên tài sản của phụ nữ. Vấn đề là những hành động như vậy ở Hàn lại không bị xem là tội phạm tình dục, mà chỉ ở mức phá hoại tài sản - tội danh ít nghiêm trọng hơn rất nhiều.
Chẳng hạn như sự việc vào năm 2020, một gã đàn ông gần như vô sự dù bị phát hiện đã 6 lần bỏ tinh dịch của mình vào ly cafe của đồng nghiệp nữ. Hay như trong một cuộc phỏng vấn với kênh SBS, một nạn nhân nữ (là sinh viên trường sư phạm) phát hiện ra tấm chăn của mình bị dính "chất lạ" - thứ sau đó được xác định là tinh trùng. Kết quả điều tra cho thấy thủ phạm là một sinh viên khoá trên, cả hai thậm chí còn chẳng quen biết nhau. Và tên này sau đó cũng không gặp rắc rối gì, bất chấp việc nạn nhân cảm thấy tức giận và tuyệt vọng đến mức nào.
Những nạn nhân bị phỉ báng
Luna Yoon, chuyên viên thương mại 31 tuổi tại Seoul nhớ lại sự việc từng đọc về một nam sinh viên bị bắt quả tang khi đang phóng tinh dịch vào giày của bạn nữ cùng lớp.
"Một người bạn gửi cho tôi bài viết đó. Nó thật sự đáng ghê tởm," - Yoon nhăn mặt khi nghĩ lại.
Điều làm cô sốc hơn nằm ở thái độ của công chúng với sự việc. Các bình luận trên diễn đàn thay vì bảo vệ, lại bàn tán về ngoại hình của nạn nhân. Một số thậm chí còn đưa ra các câu đùa hết sức thô tục, và rằng nạn nhân nên cho thủ phạm cơ hội vì y rõ ràng là một nam giới "khỏe mạnh".
"Tôi không thể tin nổi họ sẵn sàng lấy tổn thương và đau đớn của người khác ra để làm trò đùa, rồi xem nhẹ câu chuyện đến như vậy," - Yoon phẫn nộ. Cũng bởi phải chứng kiến những phản ứng không tốt, Yoon cũng trở nên ngần ngại không dám nói ra những gì từng xảy ra với chính mình.
Đó là một buổi tối của năm 2015, khi Yoon đang di chuyển bằng tàu cao tốc. Cô phát hiện mình đang bị một hành khách nam "săm soi" khá kỹ lưỡng. Cố gắng lờ đi, Yoon chìm vào giấc ngủ và tỉnh dậy khi tàu đến ga cuối cùng tại Seoul.
Cô ngồi thẳng dậy, sửa soạn đồ chuẩn bị xuống tàu thì phát hiện balo của mình có dính một thứ dịch nhầy màu trắng ngà phía trước. "Tôi hồn xiêu phách lạc luôn. Tôi thậm chí không biết có phải mình vì quá hoảng loạn mà nghĩ đó là tinh dịch hay không nữa."
"Dù có là gì, thứ đó khiến tôi phát sợ," - Yoon cho biết. Cô nhớ lại mình đã quăng chiếc balo đi ngay lập tức, nhưng sau đó chẳng kể cho ai cả. "Chẳng biết liệu có ai tin tôi không, nên tôi im lặng và cố gắng bỏ nó ra khỏi đầu."
Sự lệch lạc một phần từ quan niệm xã hội
Theo Andrew da Roza, chuyên gia tâm lý người Anh tại Singapore chuyên nghiên cứu và điều trị các bệnh liên quan đến nghiện tình dục, thì có khá nhiều lý do khiến một người thực hiện hành vi "khủng bố tinh dịch".
Có thể, kẻ khủng bố từng có tiền sử rối loạn tâm thần - như ám ảnh tình dục cưỡng bức, rối loạn chống đối xã hội, hoặc trầm cảm. Những căn bệnh khiến họ khó có được một mối quan hệ lành mạnh, hoặc khó lòng tương tác bình thường khi có cơ hội.
"Những kẻ 'khủng bố tinh dịch' thường là người bị cô lập. Họ cô độc, có ít kỹ năng xã hội. Một số lạm dụng phim khiêu dâm và văn hóa phẩm đồi truỵ, tiếp xúc với các nền tảng ca ngợi văn hóa nam tính độc hại và tấn công tình dục," - da Roza nhận định.
Như trường hợp của nam sinh viên bỏ tinh dịch vào ly cafe của bạn học, người ta phát hiện y bị stress nặng nề vì công việc và những điều khác trong cuộc sống. Biên bản từ tòa án cũng cho biết động lực của y một phần đến từ cảm giác phẫn nộ khi bị cô gái từ chối hẹn hò.
"Họ sống trong một thế giới của riêng họ, ngập tràn nam tính độc hại, chỉ xem phụ nữ là vật dụng chứ không phải con người."
Bên cạnh đó, da Roza tin rằng những tên "khủng bố tinh dịch" có thể gặp phải một số rối loạn về tình dục khiến việc quan hệ lành mạnh với người khác trở nên khó khăn và căng thẳng.
Khi phong trào #MeToo cũng bị đàn áp
Tại Hàn Quốc, nơi phong trào #MeToo (phản đối nạn quay lén và ủng hộ nữ quyền) phải đối mặt với rất nhiều khó khăn từ một xã hội quá bảo thủ. Dù "khủng bố tinh dịch" không chỉ tồn tại ở Hàn, nhưng nó xảy ra trong bối cảnh đất nước gặp khó trong việc bắt kịp xu hướng thay đổi trên phạm vi toàn cầu.
Camera quay lén là một vấn nạn rất nhức nhối tại Hàn Quốc trong nhiều năm qua. Nạn nhân chủ yếu là phụ nữ, bị ghi hình bởi các camera giấu kín trong toilet công cộng, thậm chí là nhà của mình.
"Đây vẫn là một xã hội coi trọng nam giới hơn, với sự bất bình đẳng vẫn còn tồn tại ngay cả trong luật pháp," - nhà báo Jean Lee, chuyên gia về Hàn Quốc học tại Trung tâm Wilson (Washington, Mỹ) nhận định. Lee cho biết Hàn Quốc hiện đang diễn ra cái gọi là "chiến tranh văn hóa hiện đại", giữa nữ quyền và những nam giới thủ cựu chối bỏ sự chuyển biến vai trò xã hội.
"Hàn Quốc đi chậm trong vấn đề bình đẳng giới. Đất nước này có chênh lệch thu nhập giới tính lớn nhất trong khối OECD. Ngay cả hệ thống luật pháp cũng chưa bảo vệ được sự công bằng cho phụ nữ."
"Chỉ hy vọng rằng điều này sẽ thay đổi khi có nhiều người đứng ra lên tiếng hơn," - Lee cảm thán, đại ý nói về phong trào chống lại tệ nạn quay lén #MeToo.
Dù khó thống kê, nhưng một báo cáo tờ VICE thu thập được từ cảnh sát gần đây ghi nhận 44 sự vụ liên quan đến "khủng bố tinh dịch", diễn ra từ năm 2019 - 7/2021. Trong đó, 37 vụ được gửi đến văn phòng công tố tại Hàn Quốc.
"Đó chắc chắn là tấn công tình dục, nhưng để trừng phạt lại là vấn đề khác," - tờ The Women's News cho biết. "Những kẻ 'khủng bố tinh dịch' đang lợi dụng luật pháp làm lá chắn biện hộ việc chúng làm không phải là tội ác tình dục. Tòa án chấp nhận điều đó và chỉ đưa ra mức phạt rất nhẹ."
Theo Shailey Hingorani, giám đốc tổ chức bình đẳng giới AWARE tại Singapore cho rằng nhà chức trách cần phải hiểu đúng phạm vi của tấn công tình dục. Bởi nó không chỉ là tấn công thể xác, mà còn là ngôn ngữ, hình ảnh, hay các hình thức giống như "khủng bố tinh dịch" nêu trên. Tấn công tình dục không chỉ là nhắm đến thể xác, mà còn phải xét đến ảnh hưởng tinh thần và niềm tin của các nạn nhân nữa.
Tuy nhiên theo Giáo sư tâm lý tội phạm học Lee Sue-jung từ ĐH Kyonggi, việc đưa "khủng bố tinh dịch" vào một dạng tội phạm tình dục là không dễ dàng vì tính chất sự việc phức tạp. Bà cho biết một số yếu tố như "chấn động tâm lý", hoặc "ý định phạm tội" có thể là khiên chắn dành cho chúng trước tòa.
"Cảnh sát có thể bắt nghi phạm rất dễ vì tinh dịch có ADN. Nhưng khó ở chỗ làm sao để chứng minh đó là hành động cố ý phạm tội, bởi các nghi phạm có thể nói mình không cố ý."
Bà Lee cũng đề cập đến những thương tổn tâm lý mà các nạn nhân gặp phải - thứ đang bị các nhà lập pháp bỏ qua. Bà nêu ví dụ về các nữ binh sĩ từng phải tự tử sau khi bị quấy rối tình dục và chấn thương tâm thần. "Tôi không nghĩ chấn thương tâm lý đã được nhìn nhận đúng. Bảo vệ nạn nhân và trừng phạt hung thủ không phải lúc nào cũng giống nhau. Mỗi bên cần có cách tiếp cận khác."
Và trong trường hợp không có các giải pháp phù hợp, mọi chuyện sẽ ngày càng trở nên tồi tệ hơn, khiến phụ nữ không còn dám lên tiếng nữa.
"Phụ nữ đang lo ngại về mức độ trừng phạt quá thấp, vậy nên họ không muốn đứng ra báo cáo để phải chịu rủi ro bị đả kích."
Nguồn: SMCP, The Guardian, VICE
Theo J.D (Pháp Luật & Bạn Đọc)