Đài Channel New Asia cho biết các cảnh báo được nhắc lại nhiều lần ở Hội nghị thượng đỉnh đầu tiên của Liên minh quân sự Hồi giáo chống khủng bố (IMCTC), với sự tham dự của đại diện 41 quốc gia đang diễn ra tại thủ đô Riyadh của Saudi Arabia
Trong bối cảnh những sào huyệt cuối cùng của tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tại Iraq và Syria lần lượt bị tướt bỏ, các nước tại khu vực Đông Nam Á đang trở thành nơi trú ẩn cho những tay súng IS tháo chạy khỏi chiến trường.
Vương quốc Hồi giáo Đông Á
Phát biểu tại hội nghị cấp bộ trưởng của IMCTC ngày 26-11, Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Hishammuddin Hussein cho biết các nhóm khủng bố trong khu vực như Abu Sayyaf (ASG), Jemaah Islamiyah (JI) và Mujahidin đã công khai "thề trung thành" với IS và đóng vai trò như "nơi trú ẩn xa nhà" cho những phần tử trốn chạy khỏi những thành phố Mosul, Aleppo và Raqqa vốn là cứ điểm của chúng ở Trung Đông.
Theo Bộ trưởng Hussein, thậm chí chúng còn đi xa hơn khi tuyên bố thành lập một vương quốc Hồi giáo có tên gọi "Wilayah Đông Á".
Bộ trưởng Hussein cho biết theo thông tin ông có được thì nhà nước tự xưng này sẽ trải rộng khắp Singapore, Malaysia, Indonesia, Philippines, miền Nam Thái Lan và Myanmar, khi chúng đang tiếp tục mất lãnh thổ ở Iraq và Syria.
Liên quan đến hoạt động của IS tại các nước Đông Nam Á, chuyên gia nghiên cứu về IS tại Đại học Vienna (Áo), ông Nico Prucha cho biết mới đây IS đã nhắc lại lời kêu gọi cộng đồng người Hồi giáo tại Philippines và khắp nơi trên thế giới ủng hộ "một cuộc chiến chống lại quân đội" tại đảo Mindanao, miền Nam Philippines.
Thông điệp đó đã được IS đăng tải trên trang cá nhân Telegram của nhóm này ngày 26-11 với hashtag #EastAsia, kêu gọi phát động cuộc chiến tại Mindanao chưa đầy 2 tháng sau khi chính quyền Philippines giành lại quyền kiểm soát tại thành phố Marawi thuộc tỉnh miền nam Mindanao từ tay các phiến quân nhóm Maute và Abu Sayyaf có quan hệ với IS.
Abu Sayyaf là tổ chức thánh chiến tại Philippines được thành lập vào những năm 1990 và được mạng lưới khủng bố quốc tế Al-Qaeda tài trợ. Nhóm này thực hiện nhiều vụ bắt cóc và đánh bom ở Philippines. Gần đây, nhánh của Abu Sayyaf tại Basilan đã thề trung thành với tổ chức khủng bố IS.
Abu Sayyaf được cho là một lực lượng đứng đầu vụ tấn công ngày 23-5 tiến chiếm gần hết thành phố Marawi làm hơn 1.000 người thiệt mạng và khiến Tổng thống Rodrigo Duterte phải ban bố thiết quân luật trên toàn tỉnh Mindanao. Phải đến ngày 17-10 vừa qua, ông Duterte mới tuyên bố quân đội đã hoàn toàn giải phóng Marawi sau thời gian giao chiến khốc liệt.
Những con số thầm lặng nhưng đáng sợ
Theo một báo cáo mới nhất, hoạt động khủng bố và con số thương vong đã tăng cao tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong 15 năm qua, trong đó Philippines là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.
Chỉ số Khủng bố toàn cầu (GTI) 2017 do Viện Kinh tế và hòa bình (IEP) công bố đã xếp hạng Philippines đứng thứ 12 trên thế giới. Điều này có nghĩa quốc gia Đông Nam Á này chịu ảnh hưởng của khủng bố tồi tệ hơn Nam Sudan, Bangladesh và Libya. Trong khi đó, một nước khác trong khu vực là Thái Lan đứng thứ 16.
Tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, khu vực mà theo báo cáo phân loại tách biệt với Nam Á, ba nước Philippines, Thái Lan và Myanmar có sự gia tăng lớn nhất về hoạt động khủng bố trong thời gian từ năm 2002 tới nay. Số lượng các vụ tấn công ở 3 quốc gia này chiếm 94% số vụ trong cả năm 2016.
Trong giai đoạn 2002-2016, tại Philippines đã xảy ra 3.118 vụ tấn công khủng bố, cướp đi sinh mạng của khoảng 2.453 người và phần lớn các vụ tấn công là do nhóm vũ trang Quân đội Nhân dân mới (NPA) thực hiện (với hơn 900 vụ tấn công, khiến hơn 600 người chết). Cần biết rằng chính quyền Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đã liệt nhóm này vào danh sách các tổ chức khủng bố.
Các nhóm khủng bố hoạt động nhiều nhất tại Philippines phần lớn là các tổ chức vũ trang Hồi giáo, gồm nhóm phiến quân Abu Sayyaf, Mặt trận Giải phóng Hồi giáo Moro (MILF), Phong trào Chiến binh tự do Hồi giáo Bangsamoro (BIFF) và Jemaah Islamiyah.
Theo Tường Nguyễn (Tuổi Trẻ)