Ngày 9-12, Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi chính thức tuyên bố kết thúc cuộc chiến chống IS kéo dài từ giữa năm 2014 đến nay. Có điều đáng tiếc là một tin vui lớn như thế lại gần như chìm nghỉm giữa không gian bùng nổ giận dữ lan tràn khắp Trung Đông bởi tuyên bố trước đó của Tổng thống Mỹ Donald Trump công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel.
Thực thể IS bị xóa sổ
Tuyên bố của Thủ tướng al-Abadi đưa ra sau khi lực lượng vũ trang Iraq giải phóng những địa bàn có dân cư cuối cùng mà IS còn kiểm soát ở vùng sa mạc hoang vu phía tây tỉnh al-Anbar và vùng giáp ranh giữa tỉnh này với tỉnh Ninawa ở phía bắc.
Với chiến thắng này, Iraq đã hoàn toàn kiểm soát suốt chiều dài đường biên giới với Syria, trong đó có ba cửa khẩu quan trọng chiến lược. Đây là khu vực cuối cùng mà IS rút về cố thủ sau khi đã mất những đô thị quan trọng nhất còn lại của chúng ở Iraq như thành phố Mosul và thị trấn al-Howayja.
Tuyên bố chiến thắng của Iraq đưa ra sau khi Nga cũng đã tuyên bố "kết thúc thắng lợi" cuộc chiến chống khủng bố ở Syria. Tuyên bố của Nga đưa ra sau khi các nhóm cuối cùng của IS trụ lại ở khu vực nông thôn tỉnh Deir ez-Zor (miền đông Syria) bị các lực lượng Syria xóa sổ.
Có thể nói đến ngày 9-12 vừa qua, cái gọi là "nhà nước Hồi giáo", mà thủ lĩnh Abu Bakr al-Baghdadi tuyên bố khai sinh tại thành phố Mosul của Iraq cuối tháng 6-2014, đã bị báo tử. Đó là một thắng lợi ngoạn mục của cuộc chiến chống khủng bố tại Iraq và Syria.
Cho dù "đứa con" thắng lợi này đang bị nhiều bên lớn tiếng nhận làm "cha đẻ", thì thế giới cũng có thể nhẹ mình bởi cái quái thai IS man dại này đã không thể tồn tại lâu hơn để gieo rắc sự bạo tàn, nỗi khiếp đảm của thời Trung cổ giữa thanh thiên bạch nhật của thế giới văn minh đầu thế kỷ 21.
Nhưng IS chưa chết!
Sau khi Iraq tuyên bố "khai tử IS", bà Heather Nauert - người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ - đã hoan nghênh chiến thắng này: "Tuyên bố của Iraq cho thấy sự chấm dứt căn cứ cuối cùng của tàn quân IS tại Iraq và những người sống trong các khu vực ấy đã được giải phóng". Nhưng tuyên bố của Mỹ cũng nói: "Điều này không có nghĩa là mặt trận chống khủng bố và chống IS ở Iraq đã kết thúc".
Theo thông tin tình báo Mỹ, ít nhất còn 3.000 tay súng IS chưa bị tiêu diệt và còn lẩn khuất đâu đó ở những khu vực sa mạc hoang vu, núi non hiểm trở ở đôi bên biên giới Syria - Iraq mà hầu như không có chính quyền nào bao quát hết.
Mới đây thôi, ngày 9-11 đã xuất hiện một đơn vị IS tại địa bàn thuộc tỉnh Idleb ở tây bắc Syria, thuộc vùng do lực lượng vũ trang đối lập kiểm soát.
Và ai cũng biết rằng tin do phía Nga đưa ra hồi giữa năm nay về việc "đã tiêu diệt được thủ lĩnh của IS" là không chính xác. Abu Bakr al-Baghdadi và một số nhân vật thân cận của y vẫn đang chui lủi đâu đó, tương tự như trùm khủng bố Osama Bin Laden vẫn tồn tại cho đến năm 2011, mặc dù tổ chức al-Qaeda của IS đã bị Mỹ đánh tan tại Afghanistan từ gần 10 năm trước đó.
Nguy cơ còn tiềm ẩn ở chỗ IS và các nhóm khủng bố cực đoan khác vốn có cơ sở xã hội, dòng tộc sâu rộng ở các khu vực truyền thống của dòng Sunni ở Iraq. Cuộc tranh chấp chưa bao giờ lắng dịu giữa các tín đồ Sunni với giới cầm quyền dòng Shiite ở Iraq luôn là mảnh đất màu mỡ và môi trường thích hợp để các loại cực đoan và khủng bố ẩn náu, nương tựa lâu dài.
Mỗi khi có các yếu tố chính trị - xã hội khiến cuộc xung đột ấy bùng phát thì cực đoan lại đóng vai trò xung kích và khủng bố lại phất cờ "thánh chiến".
Ngoài ra, sự kiện tổng thống Mỹ tuyên bố công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel có thể là một diễn biến mới rất tiêu cực, kích động tâm lý cực đoan mà có thể hà hơi tiếp sức cho tàn quân IS.
Mỹ còn có cớ ở lại
Với Mỹ, cuộc chiến chống IS nói riêng và khủng bố nói chung tại Iraq và Syria chưa kết thúc. Sự xuất hiện của IS tại Iraq - Syria từ giữa năm 2014 đã buộc cựu tổng thống Barack Obama phải đưa quân đội Mỹ trở lại Iraq từ tháng 8 năm ấy. Nói Mỹ "buộc phải trở lại" bởi ông Obama đã quyết định rút quân khỏi Iraq vào cuối năm 2011, thể hiện việc Mỹ không muốn dính líu đến một cuộc xung đột nào nữa ở Trung Đông.
Nhưng đến thời Tổng thống Trump thì cuộc chiến chống IS lại là cơ hội để Mỹ triển khai thêm lực lượng đến Iraq và tràn sang cả Syria. Đây là một cái cớ để ông Trump khôi phục địa vị quân sự của Mỹ ở địa bàn này, nhằm mục tiêu chiến lược ngăn chặn thế lực Iran, trong hoàn cảnh Nga đã tạo dựng được thế đứng chân hợp pháp và vững chắc tại Syria từ tháng 9-2015.
Theo Nguyễn Ngọc Hùng (Tuổi Trẻ)