Sao YouTube Logan Paul tuần này bị chỉ trích nặng nề khi đăng video có cảnh thi thể tại khu rừng Aokigahara, còn có tên là Biển Cây ở dưới chân núi Phú Sĩ, khiến địa điểm này trở thành tâm điểm chú ý. Thực tế, các quan chức địa phương từ lâu đã cố gắng thay đổi tiếng xấu của Aokigahara là một trong những điểm nhiều người đến để tự sát nhất Nhật Bản.
Khu rừng ở tỉnh Yamanashi tượng trưng cho vấn đề dai dẳng ở Nhật Bản, một trong những nước phát triển có tỷ lệ tự tử cao nhất, mặc dù đã có cải thiện trong những năm gần đây, theo NYTimes.
Tại đường mòn ở Aokigahara có những tấm biển quảng cáo đường dây nóng ngăn tự sát với các thông điệp như: "Mạng sống là điều quý báu mà cha mẹ đã trao cho bạn". Một số biển khác cung cấp số điện thoại để giúp đỡ những người nợ nần. Người dân địa phương thường đi tuần tra trong rừng, nói chuyện với những người đi một mình, có dấu hiệu trầm cảm hoặc có ý định tự tử.
Mặc dù các quan chức tin rằng các biện pháp như vậy đã giúp giảm số vụ tự tử trong rừng xuống còn khoảng 30 vụ một năm, so với mức 100 vụ một năm ở thập niên trước, họ lo lắng những ồn ào truyền thông trong tuần này có thể thu hút nhiều người tuyệt vọng hơn.
Susumu Maejima, phó phòng Cảnh sát Fujiyoshida, nói: "Tôi nghĩ những người tự tử có nỗi đau khủng khiếp. Đó là lý do chúng tôi đang thực hiện các nỗ lực để ngăn chặn các vụ tự sát".
Nhật Bản từ lâu đã phải vật lộn để chống lại tỷ lệ tự tử cao. Năm 2016, theo thống kê của Bộ Y tế và cơ quan cảnh sát quốc gia, gần 22.000 người đã tự vẫn, tương đương tỷ lệ 17,3/100.000 người. Con số này là một sự cải thiện so với đỉnh điểm vào năm 2003 với gần 34.500 người, tức tỷ lệ 27/100.000 người. (Tỷ lệ ở Mỹ vào năm 2014 là 13,5/100.000).
Áp lực công việc và học tập từ lâu đã được cho là nguyên nhân gây ra suy nhược tinh thần nghiêm trọng dẫn đến tự sát. Ngoài ra, còn có các yếu tố khác như cô lập với xã hội và thiếu dịch vụ chăm sóc sức khoẻ tâm thần.
Tadaichi Nemoto, phó viện trưởng Viện Chăm sóc Sức khỏe Tâm thần, cho biết người Nhật thường không muốn đi điều trị. Ngay cả sau khi chính phủ yêu cầu tất cả công ty có hơn 50 người lao động phải cho nhân viên kiểm tra sức khoẻ đều đặn, hầu hết những người được khuyên đi gặp bác sĩ tâm lý thường không làm vậy. "Họ không muốn đi gặp bác sĩ. Người Nhật có khuynh hướng tự trách mình", ông Nemoto nói.
Gần 60% các vụ tự tử ở Nhật diễn ra tại nhà. Chính phủ không cung cấp số liệu thống kê chi tiết về các điểm riêng lẻ, nhưng tỉnh Yamanashi, bao gồm cả rừng Aokigahara, có tỷ lệ tự sát cao thứ năm tại Nhật.
Về mặt lịch sử, Aokigahara được biết đến như là nơi các nhà sư tuyệt thực đến chết. Theo những câu chuyện trong văn học dân gian Nhật, bóng ma của những người tự tử đi lang thang trong khu rừng, những người vào rừng có nguy cơ không bao giờ ra được bên ngoài.
Trong tiểu thuyết "Tháp Sóng" xuất bản năm 1960, khu rừng được mô tả như "một khung cảnh lãng mạn" để tự tử của một đôi tình nhân trẻ. Đây là tác phẩm của một trong những nhà văn nổi tiếng nhất Nhật Seicho Matsumoto.
Kể từ đó, nó thường được mô tả là địa điểm tự tử trong các tiểu thuyết, chương trình truyền hình và phim ảnh, bao gồm hai bộ phim do Mỹ sản xuất vào năm 2016.
"Đó là một vòng luẩn quẩn", Yutaka Motohashi, giám đốc Trung tâm Ngăn tự tử Nhật Bản bình luận. "Nhiều người tìm đến đây bởi vì nó là một địa điểm nổi tiếng".
Trong video của mình, Paul mô tả Aokigahara bị ám bởi những bóng ma "thù hằn, thu hút những du khách khổ sở và những người buồn bã, lạc lõng". Paul nhắc đến số liệu thống kê lỗi thời, nói rằng 100 người tự tử trong rừng mỗi năm và tuyên bố "trong rừng không có sóng điện thoại". Trong khi đó, các phóng viên của NYTimes đi lại hơn hai giờ trong rừng nhưng không hề bị mất sóng.
Paul không phải là người duy nhất truyền bá thông tin sai lệch về khu rừng. Các hãng tin Nhật thường nói rằng những người lang thang trong rừng dễ bị lạc vì không thể dùng la bàn. Nhưng Masami Kishino, hướng dẫn viên đã làm việc trong 10 năm, cho biết chiếc la bàn của ông vẫn làm hoạt động tốt ngoại trừ tại một chỗ trong bãi đỗ xe.
Các học giả còn chỉ ra rằng truyền thông thường miêu tả văn hóa Nhật coi tự tử là hành vi "vinh quang" hoặc có liên quan đến lịch sử về kỷ luật của samurai. (samurai tự mổ bụng tuẫn tiết khi bị thất trận hoặc khi chủ bị chết).
Các chuyên gia chỉ trích cách "thi vị hóa" hành động tự tử này. "Việc nói rằng người Nhật chọn địa điểm đẹp để tự tử hay thường làm vậy vì tinh thần samurai hoặc các yếu tố lịch sử khác là một cách để khiến người ta quên mất rằng tự tử chỉ là phần dễ thấy nhất của bệnh tâm thần", Francesca Di Marco, tác giả một cuốn sách về nạn tự tử ở Nhật, nói.
Vào chiều tối một ngày trong tuần này, một người đàn ông đội chiếc mũ có chữ "đội tuần tra đặc biệt" mô tả các biện pháp mà ông và những người khác làm để ngăn chặn tự tử.
Nếu ông thấy ai đó đang đi bộ một mình, ông sẽ tiếp cận và bắt đầu hỏi chuyện. "Khi trò chuyện, chúng tôi có thể nhận ra ý định của họ", ông nói. "Những người định tự tử thường đưa ra những câu trả lời mơ hồ về nơi họ đang đi hoặc họ đang làm gì trong rừng".
Người tuần tra nói rằng nếu ông nghi ngờ ai đó sắp tự sát, ông sẽ gọi cảnh sát, xin số thành viên gia đình của người đó hoặc đưa người ấy ra khỏi rừng.
"Tôi thực sự nghĩ việc cứu các mạng sống là công việc quan trọng", ông nói. "Chúng tôi không muốn khu rừng được biết đến như là một điểm tự sát".
"Chúng tôi chỉ muốn mọi người đến thưởng thức vẻ đẹp của khu rừng 1.100 năm tuổi này", ông nói thêm.
Theo Phương Vũ (VnExpress.net)