Truyền thông Ấn Độ đưa tin, vào tháng 4 năm 2021, tức 5 tháng trước, gã thanh niên trẻ Lalan Kumar (20 tuổi) buộc tội cố gắng hãm hiếp một phụ nữ. Không rõ âm mưu đê hèn của anh ta đã được thực hiện chưa nhưng hành vi này đã bị đưa ra xét xử tại tòa án ở bang Bihar (Ấn Độ) hôm 22/9 mới đây.
Theo lời ông Santosh Kumar Singh, một cảnh sát ở quận Madhubani của Bihar, tên Kumar vốn làm nghề giặt quần áo thuê để kiếm sống. Trong phiên tòa xét xử mới đây, anh ta muốn xin được tại ngoại và chấp thuận điều kiện của tòa đưa ra. Theo đó, anh ta sẽ giặt quần áo miễn phí cho 2.000 phụ nữ trong ngôi làng của anh trong vòng 6 tháng, coi như một cách để sửa chữa lỗi lầm. Bên cạnh đó, anh ta cũng phải đóng một khoản tiền phạt để không phải ngồi tù.
Hiện ngày diễn ra phiên tòa xét xử tiếp theo chưa được ấn định. Luật sư của Kumar cho biết bị cáo sẵn sàng "làm công tác phục vụ cộng đồng liên quan đến nghề nghiệp của anh ta để thể hiện sự tôn trọng vốn có của anh ta đối với phụ nữ".
Nasima Khatoon, người đứng đầu hội đồng làng nơi thanh niên này sinh sống, cho biết: “Tất cả phụ nữ trong làng đều hài lòng với quyết định của tòa án".
Và chính ông Khatoon, người đại diện cho các vị chức sắc của làng sẽ theo dõi quá trình làm việc, phục vụ cộng đồng của Kumar. Ông nói thêm: "Đây quả thực là một hình phạt mang tính lịch sử. Nó sẽ thúc đẩy sự tôn trọng đối với phụ nữ và giúp bảo vệ phẩm giá của họ".
Phụ nữ trong làng cho biết biện pháp xử phạt này đã có tác động tích cực khi biến chủ đề tội phạm đối với phụ nữ trở thành chủ đề thảo luận trong cộng đồng của họ để từ đó nêu cao tinh thần đấu tranh của phụ nữ, răn đe những kẻ xấu.
Một phụ nữ tên Anjum Perween nói: “Đây là một bước tiến đáng chú ý và là một hình phạt đặc biệt mang thông điệp gửi đến toàn xã hội".
Luật hiếp dâm của Ấn Độ đã được "đại tu" sau vụ hiếp dâm tập thể năm 2012 ở New Delhi nhưng số vụ phạm tội vẫn ở mức cao, với hơn 28.000 vụ cưỡng hiếp được báo cáo vào năm 2020. Con số thực tế có thể cao hơn nhiều. Cảnh sát nơi đây từ lâu đã bị chỉ trích không đủ nghiêm minh để ngăn chặn tội phạm bạo lực và không đưa các vụ tấn công tình dục ra tòa.
Theo L.T (Pháp Luật & Bạn Đọc)