Không chỉ có ông Mike Flynn, nhiều trợ lý của Tổng thống Mỹ Donald Trump từng liên hệ với Nga trong suốt nhiều năm qua.
Ông Donald Trump và các trợ lý của ông được cho là "có quan hệ bất thường với Nga" trong thời gian diễn ra cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016. Ảnh: AP |
Tần suất liên hệ dày bất thường
Các cơ quan tình báo Mỹ còn tiến xa hơn nữa khi tìm cách xác định xem liệu Nga và ông Donald Trump có “bắt tay nhau” trong việc này hay không. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này các quan chức tình báo Mỹ đều khẳng định, không thấy bằng chứng nào cho thấy ông Trump và Nga có “hợp tác” với nhau.
Dù vậy, những thông tin mà họ thu thập được cũng khiến các cơ quan thực thi pháp luật và tình báo Mỹ cảm thấy “cực kỳ bất an” bởi số lượng và tần suất của các cuộc liên lạc giữa các trợ lý của ông Trump với Nga trong khi ông Trump thường xuyên tán dương Tổng thống Nga Putin trong suốt quá trình vận động tranh cử Tổng thống.
Thậm chí, trong thời gian đó, chính ông Trump đã công khai bày tỏ mong muốn các cơ quan tình báo Nga có thể “lấy cắp” được những email công việc của bà Clinton khi bà còn là Ngoại trưởng Mỹ nhưng đã bị bà xóa đi sau bê bối sử dụng email cá nhân vào việc công và công khai những email này.
Cũng theo giới chức tình báo Mỹ, không chỉ có các trợ lý của ông Trump mà cả các cộng sự của ông cũng có liên hệ với các thành viên trong Chính phủ Nga, cả ở trong và ở ngoài các cơ quan tình báo nước này.
Một trong những trợ lý của ông Trump bị “chỉ đích danh” là ông Paul Manafort- người phụ trách chiến dịch tranh cử của ông Trump trong vòng vài tháng- từng làm cố vấn chính trị tại Nga và Ukraine.
Tuy nhiên, ông Paul Manafort đã bác bỏ thông tin trên và nhấn mạnh: “Thông tin này thật bất thường. Tôi không rõ chuyện gì đang xảy ra. Tôi chưa bao giờ trao đổi gì với các quan chức tình báo Nga, không liên quan gì đến Chính phủ Nga hoặc các quan chức dưới trướng ông Putin”.
Dù vậy, theo các quan chức tình báo Mỹ, nhiều khả năng, ông Manafort- giống như nhiều doanh nhân khác tại Mỹ- có liên hệ với các đặc vụ Nga- mà hoàn toàn không biết gì về việc này bởi các đặc vụ đó che giấu rất kỹ thân phận của mình.
Nga ra sức thừa nhận, Mỹ ra sức bác bỏ
Trước đó, hồi tháng 11/2016, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei A. Ryabkov thừa nhận, giới chức Nga “có liên hệ” với nhóm vận động tranh cử của ông Trump trong suốt quá trình vận động tranh cử. Ông Ryabkov nhấn mạnh: “Dĩ nhiên là chúng tôi biết hầu hết những người làm việc cho ông Trump”.
Ngay lập tức, nhóm vận động tranh cử cho ông Trump lên tiếng bác bỏ tuyên bố của ông Ryabkov. Bà Hope Hicks, nữ phát ngôn viên của ông Trump vào thời điểm đó khẳng định: “Thông tin này là không chính xác”.
Kể từ đó, FBI bắt đầu giám sát chặt chẽ các nhân vật thân cận với ông Trump. Theo một nguồn tin từ FBI, cơ quan này đã “để mắt” đến ít nhất 3 nhân vật là Carter Page- một doanh nhân từng là cố vấn chính sách đối ngoại cho ông Trump, Roger Stone- một nhân vật kỳ cựu của Đảng Cộng hòa và Mike Flynn- Cố vấn An ninh Quốc gia của ông Trump đã từ chức. Cả 3 nhân vật này đều lớn tiếng khẳng định họ không hề có những “liên lạc bất thường” với các quan chức Nga.
Không chỉ giám sát các nhân vật thân cận với ông Trump, FBI còn đang xem xét tính chính xác của thông tin từ một tài liệu do một cựu điệp viên Anh tên là Christopher Steele cung cấp cho họ hồi năm 2016, trong đó nêu lên “mối quan hệ bất thường” giữa ông Trump, các đồng sự của ông và Chính phủ Nga. Thậm chí, tài liệu này còn khẳng định Nga đang nắm giữ “những video đáng xấu hổ của ông Trump” và có thể lấy đó làm công cụ khống chế ông Trump.
Các quan chức FBI cho biết, ông Christopher Steele là người rất đáng tin cậy và khi cung cấp tài liệu cho họ, ông Steele cũng nêu rõ ông lấy được những thông tin này từ đâu. Hiện các nhân viên của FBI đang tiến hành thẩm tra các nguồn tin nói trên.
Ông Mike Flynn sẽ tiếp tục bị điều tra?
Cuộc điều tra của FBI diễn ra cùng thời điểm Ủy ban Tình báo của cả 2 viện Quốc hội Mỹ cũng đang tiến hành điều tra cáo buộc Nga can thiệp vào bầu cử Mỹ cũng như những bất kỳ mối liên hệ nào giữa nhóm của ông Trump với các quan chức Nga trong chiến dịch tranh cử Tổng thống Mỹ.
Chính các nghị sĩ Đảng Cộng hòa cũng cho rằng, ông Mike Flynn phải trở thành trọng tâm của cuộc điều tra nói trên và yêu cầu cựu Cố vấn An ninh Quốc gia của ông Trump phải điều trần trước Quốc hội Mỹ.
Trong khi đó, Thượng Nghị sĩ Đảng Dân chủ Mark Warner nhấn mạnh, tin tức về ông Flynn cho thấy: “Còn rất nhiều câu hỏi chưa được trả lời sau 3 tháng kể từ ngày bầu cử Tổng thống Mỹ, bao gồm việc ai biết những thông tin này và người đó biết từ bao giờ?”.
Ông Warner khẳng định, việc ông Flynn từ chức không ngăn được Ủy ban Tình báo của cả 2 viện Quốc hội Mỹ “tiếp tục điều tra về ông hoặc bất kỳ quan chức nào dưới trướng ông Donald Trump có liên hệ bất thường với các quan chức Nga trước thời điểm diễn ra bầu cử”.
Theo Trần Khánh (Vov.vn)